23/01/2025

Phá dỡ nhà thờ Bùi Chu rồi làm gì?

Phá dỡ nhà thờ Bùi Chu rồi làm gì?

Nhà thờ Bùi Chu đang được phá dỡ để xây trên đó một nhà thờ mới. Gạch lát sàn và ngói của nhà thờ cổ được gỡ cần thận để bảo quản, nhưng chúng và những vật liệu khác của ngôi thánh đường này sẽ không được đưa vào công trình nhà thờ mới.

 

Phá dỡ nhà thờ Bùi Chu rồi làm gì? - Ảnh 1.

Nhà thờ Bùi Chu hoang nát trong ngày 20-7 – Ảnh: TIẾN ĐẶNG

Sau những thông tin về việc phá dỡ nhà thờ Bùi Chu cổ, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang – cha chánh xứ Bùi Chu – cho biết ngói, gạch hoa và những vật liệu được tháo dỡ từ nhà thờ Bùi Chu tạm thời sẽ được bảo quản, các linh mục chưa có kế hoạch sử dụng những vật liệu này.

“Vật liệu đó chúng tôi hẵng cứ để đó đã rồi sắp xếp sau”, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang nói.

Như vậy, nhà thờ Bùi Chu sẽ hoàn toàn kết thúc số phận của mình sau khi phá dỡ, chứ không phải nó sẽ tiếp tục được “tái sinh một đời sống khác” ở trong ngôi thánh đường mới nhờ vào việc đưa một số vật liệu cũ vào nhà thờ mới như thông tin được lan truyền trước đó.

Phá dỡ nhà thờ Bùi Chu rồi làm gì? - Ảnh 2.

Phối cảnh bên trong nhà thờ Bùi Chu mới mà các linh mục cung cấp cho các giáo dân Bùi Chu – Ảnh: T.ĐIỂU

“Nhà thờ mới sẽ được xây dựng trên nền nhà thờ cũ, theo hình dáng bên ngoài giống nhà thờ cũ nhưng kích thước lớn hơn và vật liệu thì mới hoàn toàn”, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang nói.

Theo phối cảnh bên trong nhà thờ mới mà các linh mục ở giáo phận Bùi Chu gửi các giáo dân của mình, mặc dù có hình dáng bên ngoài tương tự hình dáng của nhà thờ Bùi Chu cổ, nhưng bên trong nhà thờ mới sẽ hoàn toàn khác với nhà thờ cổ.

Sẽ không còn trần Baroque lộng lẫy mà thay vào đó là kết cấu vì kèo gỗ giống như trong các đình, chùa của Việt Nam.

Về một ý tưởng từng được đề xuất trước đây là dựng một mô hình nhà thờ Bùi Chu từ những vật liệu cũ sau khi phá dỡ để người dân có thể chiêm ngắm, linh mục Giuse Nguyễn Đức Giang nói bởi nhà thờ mới sẽ có hình dạng giống nhà thờ cũ nên ý tưởng dựng mô hình nhà thờ cũ để ngắm là tốn tiền không cần thiết.

Phá dỡ nhà thờ Bùi Chu rồi làm gì? - Ảnh 3.

Nhà thờ Bùi Chu đã được tháo dỡ hết phần ngói và sàn gạch hoa ngày 20-7 – Ảnh: TIẾN ĐẶNG

Về ứng xử với những “phế liệu” của nhà thờ Bùi Chu cổ, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà gợi mở rằng các linh mục Giáo phận Bùi Chu có thể huy động các ý tưởng trong xã hội để mang đến cho nhà thờ Bùi Chu một cuộc sống mới, một sự phục sinh có trong đời thật.

Tuy vậy, một số người cho rằng đây chỉ là một sự “cứu vớt” không mấy giá trị. Bởi nhà thờ Bùi Chu chỉ thật sự sống, thật sự có ý nghĩa khi nó tồn tại như chính nó, trong hình hài của chính nó và ở chính nơi của nó.

Một ý tưởng tương tự từng được thực hiện với một di sản ở Sài Gòn.

Khi Ba Son bị phá hủy, kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp đã mua lại nhiều vật liệu từ nhà máy này và “tái sinh” nó trong Ba Son Café đặt tại sảnh của một khách sạn tại quận 1, TP.HCM. Thậm chí anh còn dựng một căn nhà cho riêng mình, hoàn toàn từ những vật liệu mua từ bãi “phế liệu” Ba Son.

Tuy nhiên, như chính kiến trúc sư Nguyễn Hòa Hiệp thừa nhận với Tuổi Trẻ Online, tất cả những cuộc “tái sinh” này hoàn toàn không có ý nghĩa gì với Ba Son. Ba Son chỉ thật sự có giá trị khi nó tồn tại vẹn nguyên ở chính nơi của nó.

THIÊN ĐIỂU
TTO