25/12/2024

‘Cả năm chỉ tuyển được một giáo viên tiếng Anh mà cuối cùng bỏ nhiệm sở’

‘Cả năm chỉ tuyển được một giáo viên tiếng Anh mà cuối cùng bỏ nhiệm sở’

Ông Nguyễn Văn Hiếu – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã thông tin như vậy khi nói về những khó khăn trong việc tuyển giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học ở TP.HCM.

 

 

Cả năm chỉ tuyển được một giáo viên tiếng Anh mà cuối cùng bỏ nhiệm sở - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Vinh – trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu tại buổi làm việc – Ảnh: H.HG.

Phát biểu trên tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với Sở GD-ĐT thành phố về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sáng 21-7, ông Hiếu cho biết: “Theo quy định hiện nay, giáo viên tiếng Anh phải có bằng cử nhân sư phạm mới đủ điều kiện giảng dạy ở bậc tiểu học.

Năm học 2019-2020, một số quận, huyện ở thành phố đã gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng giáo viên tiếng Anh. Ví dụ như quận 11 có nhu cầu tuyển 21 giáo viên tiếng Anh nhưng không có ứng viên dự tuyển, quận Bình Tân thì tuyển được một người nhưng cuối cùng người này bỏ nhiệm sở”.

Trong khi đó ông Nguyễn Quang Vinh – trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, phân tích: “Ở TP.HCM, các trường tiểu học đã triển khai giảng dạy hai môn tiếng Anh và tin học từ năm 1998 theo hình thức xã hội hóa (chương trình tự chọn, học phí thu theo thỏa thuận với phụ huynh).

Tuy nhiên, theo chương trình giáo dục phổ thông mới (sẽ thực hiện tại các trường tiểu học từ năm học 2020-2021), hai môn này sẽ triển khai bắt buộc từ lớp 3 và tự chọn đối với khối 1, 2.  Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các cơ sở giáo dục là rất khó tuyển giáo viên do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm”.

Tại buổi làm việc, Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, cơ chế riêng và chế độ riêng cho giáo viên Anh văn, tin học để thu hút và giữ chân đội ngũ này gắn bó với giáo dục tiểu học.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, hiện các trường tiểu học ở TP.HCM không chỉ gặp khó khăn khi tuyển dụng giáo viên tiếng Anh, mà tuyển được rồi cũng rất khó giữ chân họ ở lại với giáo dục.

“Nhiều giáo viên có năng lực, giảng dạy rất tốt, nhà trường cũng đầu tư để bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho họ nhưng chỉ được vài năm là họ chuyển nghề. Nguyên nhân vì họ được mời gọi làm việc ở nhiều lĩnh vực khác với thu nhập cao hơn, công việc lại nhàn hạ hơn…”, lãnh đạo một trường tiểu học ở TP.HCM chia sẻ.

HOÀNG HƯƠNG
TTO