27/12/2024

TP.HCM vẫn đo ô nhiễm bằng thủ công

TP.HCM vẫn đo ô nhiễm bằng thủ công

Với gần 9 triệu phương tiện và hoạt động giao thông ở mức độ cao, nhiều khu vực tại TP.HCM bị ô nhiễm về khói bụi, tiếng ồn. Tình trạng ô nhiễm khói bụi dễ ghi nhận nhất tại các vòng xoay, khu vực quốc lộ, khu vào các cảng biển…

 

 

TP.HCM vẫn đo ô nhiễm bằng thủ công - Ảnh 1.

Kỹ sư môi trường Lê Minh Lộc quan trắc chất lượng không khí khu vực chợ Bến Thành, Q.1, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Tuy nhiên, việc công bố các chỉ số chất lượng không khí tại TP.HCM còn khá chậm. Nguyên nhân chủ yếu do quan trắc thủ công, kết quả quan trắc sau đó phải phân tích trong thời gian lâu. Khi có kết quả, phía Trung tâm quan trắc thuộc Sở Tài nguyên và môi trường phải gửi qua Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, sau đó đơn vị này xử lý số liệu rồi mới đưa lên các bảng thông báo điện tử trên đường phố.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, hiện tại mạng lưới quan trắc môi trường không khí của thành phố đang thực hiện quan trắc định kỳ bằng phương pháp thủ công gián đoạn tại 30 vị trí quan trắc.

Trong đó có 19 vị trí quan trắc ảnh hưởng do hoạt động giao thông, 3 vị trí quan trắc môi trường nền, 4 vị trí quan trắc ảnh hưởng do khu dân cư, 4 vị trí quan trắc do ảnh hưởng của hoạt động công nghiệp. Tần suất thực hiện quan trắc 10 ngày/tháng vào các khung giờ 7h30 – 8h30 và 15h – 16h.

Với tần suất quan trắc này, Sở Tài nguyên và môi trường cho biết chưa thể thông tin về chất lượng môi trường không khí hằng ngày để đáp ứng nhu cầu thông tin cho người dân thành phố. Do đó, phía sở này kiến nghị lắp đặt các trạm quan trắc tự động để có kết quả nhanh chóng các biến động về môi trường.

Tháng 5 vừa qua, UBND TP.HCM cũng đã phê duyệt điều chỉnh Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường trên địa bàn thành phố, phục vụ có hiệu quả cho công tác xử lý, khắc phục, cảnh báo ô nhiễm môi trường.

Theo đó, đề án sẽ được điều chỉnh một phần, trong đó thành phố tập trung rà soát, cập nhật, điều chỉnh các vị trí, chỉ tiêu, tần suất quan trắc các thành phần môi trường. Đồng thời thực hiện lộ trình phát triển, mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, các quy chuẩn hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến 2030.

Theo Tổng cục Môi trường, kết quả quan trắc môi trường khu vực phía Nam đợt 2 năm 2020 cho thấy chất lượng không khí xung quanh khu vực phía Nam đợt 2 năm 2020 còn khá tốt so với những tháng đầu năm. Tuy nhiên, một số khu vực bị ô nhiễm cục bộ bụi và tiếng ồn trở lại.

Trước khi công bố kết quả này, cơ quan chức năng tiến hành quan trắc không khí xung quanh tại 30 điểm. Thông số quan trắc gồm: TSP (bụi lơ lửng), NO2, SO2, tiếng ồn và cường độ dòng xe. Một số khu vực ô nhiễm tập trung chủ yếu tại các trục giao thông liên tỉnh, quanh khu vực khai thác – sản xuất vật liệu xây dựng và một số nút giao thông đô thị.

Trong số liệu quan trắc vào cuối năm 2019, khu vực vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2) được đánh giá có nồng độ các chất ô nhiễm (bụi lơ lửng) vượt 99%, mức độ ô nhiễm tiếng ồn vượt 100% ngưỡng cho phép. Ngoài ra, giao lộ Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh (quận 7), quận Gò Vấp, An Sương (quận 12)… cũng thường xuyên có nồng độ ô nhiễm vượt quy chuẩn.

LÊ PHAN
TTO