24/11/2024

TP.HCM đẩy mạnh phát triển giao thông thuỷ năm 2021 – 2025

TP.HCM đẩy mạnh phát triển giao thông thuỷ năm 2021 – 2025

Việc phát triển giao thông đường thuỷ là một giải pháp nhằm ‘chia lửa” với đường bộ đã quá tải đang được đề xuất sẽ đưa vào thực hiện trong thời gian tới.

 

TP.HCM đẩy mạnh phát triển giao thông thủy năm 2021 - 2025 - Ảnh 1.

Sông Sài Gòn là một trong những tuyến đường thủy nội địa quan trọng ở TP.HCM kết nối với các tỉnh – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo đề án ‘Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP.HCM’, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết sẽ phát huy thế mạnh đặc thù sông nước, đồng thời tạo sức hấp dẫn đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Vì vậy, cần được ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng để tạo tiền đề làm động lực phát triển kinh tế – xã hội, đáp ứng hiện đại hóa TP và nằm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Về đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải đề xuất ưu tiên 1 là thực hiện các dự án nạo vét, nâng cấp các cầu trên tuyến nối tắt và liên kết nội thành với khu vực cảng biển mới đảm bảo theo quy mô quy hoạch được duyệt.

TP.HCM đẩy mạnh phát triển giao thông thủy năm 2021 - 2025 - Ảnh 2.

Kênh Tẻ là một trong những tuyến có nhiều tàu thuyền vận chuyển hàng hóa kênh kết nối TP.HCM với các tỉnh miền Tây – Ảnh: VĂN BÌNH

Cụ thể là đầu tư các tuyến liên kết khu Đông TP kết nối với khu bến trên sông Đồng Nai; đầu tư các tuyến kết nối đến khu cảng biển Hiệp Phước, Nhà Bè có tổng chiều dài khoảng 35,6km với kinh phí khoảng 400 tỉ đồng.

Đầu tư kè bờ kết hợp xây dựng các bến thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách kết hợp du lịch trên sông Sài Gòn trong phạm vi từ ngã ba Đèn Đỏ (Nhà Bè) đến ranh giới rạch Vĩnh Bình (tiếp giáp tỉnh Bình Dương).

Ưu tiên đầu tư 2 là xây dựng tuyến đường thủy nội địa Vành đai trong: từ sông Sài Gòn – sông Vàm Thuật – rạch Bến Cát – sông Trường Đai – kênh Tham Lương – rạch Nước Lên – kênh Đôi – kênh Tẻ – sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 30km với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỉ đồng.

Ưu tiên đầu tư 3 là xây dựng tuyến đường thủy Vành đai ngoài: từ sông Sài Gòn – rạch Tra – kênh xáng An Hạ – kênh Lý Văn Mạnh – sông Chợ Đệm – Bến Lức – sông Cần Giuộc – rạch Bà Lào – rạch sông Tắc – rạch Trau Trảo – rạch Chiếc – sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 108km với tổng kinh phí khoảng 4.794 tỉ đồng.

Ưu tiên đầu tư 4 là đầu tư các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy theo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đã được TP.HCM phê duyệt.

Đồng thời TP sẽ phát triển hệ thống ICD (cảng cạn) mới theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức logistics, xây dựng cảng cạn – ICD Long Bình tại phường Long Bình, quận 9 nhằm phục vụ di dời cụm ICD Trường Thọ, phát triển các trung tâm logistics hạng 1 cấp quốc gia và quốc tế có vị trí vai trò là trung tâm gốc…

Kết nối với hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ, các cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu quốc tế và khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu sản xuất hàng hóa tập trung…

Theo Sở Giao thông vận tải, hiện nay tại khu cảng Cát Lái, Tân Cảng Cát Lái đã khai thác sản lượng trong năm 2019 đạt 64,5 triệu tấn, vượt công suất quy hoạch 77,6 % dẫn đến tình trạng quá tải cho giao thông đường bộ kết nối khu vực cảng. Do đó đã gây nên tình trạng ùn tắc cửa ngõ phía Đông ở nút giao thông Mỹ Thủy, quận 2.

Vì vậy, việc tăng cường kết nối vận tải đa phương thức đến các trung tâm logistics, ICD, kho bãi, trung tâm phân phối phục vụ cho hàng xuất nhập khẩu và thương mại nội địa là rất cần thiết.

Việc thúc đẩy sử dụng vận tải hàng hóa bằng đường thủy và đường sắt là mục tiêu phát triển cần được đầu tư cho giai đoạn 2021-2025.

NGỌC ẨN
TTO