Các nhà lãnh đạo tôn giáo Myanmar kêu gọi mọi người quan tâm đến cuộc bầu cử
Myanmar dự kiến sẽ tiến hành bầu cử vào tháng 11, trong tình hình đất nước đang có nhiều khủng hoảng ở nhiều lĩnh vực, trong những ngày vừa qua, các vị lãnh đạo các tôn giáo Myanmar đã cùng nhau đưa ra lời kêu gọi mọi người hãy nhân cơ hội này đóng góp xây dựng đất nước.
Lời kêu gọi được ký bởi các Giám mục Công giáo và các nhà lãnh đạo Phật giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo gửi đến các nhóm vũ trang, các đảng chính trị và các nhà lãnh đạo tôn giáo của Myanmar.
Mở đầu lời kêu gọi, các vị lãnh đạo viết: “Chúng ta mệt mỏi vì chiến tranh, kiệt sức do thù hận. Tại sao các cuộc xung đột của Myanmar không bao giờ kết thúc? Ai lãnh trách nhiệm này? Tất nhiên, người ta có thể buộc tội sự hiếu chiến của quân đội Tatmadaw, cũng như sự cố chấp của quân đội trong việc từ chối ngừng bắn để quốc gia có thể ứng phó với đại dịch. Người ta có thể phàn nàn sự yếu kém của chính quyền hoặc thiếu một sự xét xử công bằng trong hệ thống tư pháp. Các nhà lãnh đạo dân tộc và đối tác, những người kiếm quá nhiều tiền từ hoạt động buôn bán ngọc hoặc ma túy, có thể bị buộc tội. Và có thể do chúng tôi, các nhà lãnh đạo tôn giáo quá nhút nhát trong việc phản đối sự bất công.”
Sau khi nói về 3 cuộc khủng hoảng chính mà Myanmar đang phải chịu đựng: sức khoẻ, môi trường và xã hội. Các vị lãnh đạo nói đến các hậu quả của các cuộc khủng hoảng này. Trước hết, đối với người trẻ: Trong nhiều thập kỷ, những người trẻ không có cơ hội tại quê hương và vì vậy hàng triệu người đã ra nước ngoài làm nô lệ.
Tiếp đến, lời kêu gọi cảnh báo những người có trách nhiệm đối với đất nước đừng để bị các thế lực nước ngoài thống trị. Thực tế, xung quanh Myanmar có nhiều hàng xóm, họ nhìn thấy sự giàu có về mặt tài nguyên của Myanmar và tìm cách chiếm lấy. Các vị lãnh đạo tôn giáo nhấn mạnh: “Chiến lược của thực dân là chia rẽ và cai trị. Vì thế, chúng ta đừng để bị lừa lần nữa. Hãy ngưng chiến đấu chống lại nhau. Để xây dựng một quốc gia, chúng ta không được sợ sự khác biệt, mà nên học cách thương lượng, thoả hiệp, đối thoại và vui mừng với những gì chúng ta đang có. Khi chúng ta bầu ra một chính phủ dân sự, không phải là chúng ta đang chọn người có thẩm quyền trong quốc gia mình sao? Dân chủ không phải là mục tiêu của chúng ta trong cuộc bầu cử sao?”
Trong lời kêu gọi, các vị lãnh đạo cũng không ngại nói thẳng ra những tiêu cực đang hiện diện trong đất nước. Bởi vì, “khi chúng ta phơi bày sự dối trá, chúng ta sẽ chú ý đến nhau và cùng nhau hướng tới tương lai, chúng ta sẽ thúc đẩy một thế giới hoà bình, công bằng và toàn diện. Vì vậy, Myanmar sẽ là một thành viên đáng tự hào của gia đình các quốc gia”.
Các vị lãnh đạo kết thúc lời kêu gọi với những lời động viên: “Người dân Myanmar xứng đáng được hưởng hoà bình, không phải là một cuộc chiến bất tận. Không thể có hoà bình nếu không có công lý. Không thể có công lý nếu không có sự thật. Chúng ta hãy mang lại một Myanmar mới về hy vọng, hoà bình và thịnh vượng khi chúng ta tiến tới mục tiêu dân chủ qua bầu cử. Hãy nắm bắt cơ hội này!” (Asia News 13/7/2020)