Sinh vật có máu ‘quý như vàng’ đang suy giảm nhanh do thử vắcxin
Sinh vật có máu ‘quý như vàng’ đang suy giảm nhanh do thử vắcxin
Thịt sam biển không quá ngon nhưng máu của nó thì được sánh như vàng quý khi được sử dụng để kiểm tra tính vô trùng của vắcxin. Những năm gần đây, loài động vật này bị khai thác nhiều khiến số lượng loài đang suy giảm nghiêm trọng.
Họ sam (danh pháp khoa học: Limulidae) là họ duy nhất trong bộ đuôi kiếm (Xiphosurida) còn có loài sinh tồn hiện nay. Chúng được coi như hóa thạch sống vì từng tồn tại cách ngày nay 450 triệu năm mà không có nhiều tiến hóa.
Không chỉ vậy, loài động vật có vẻ ngoài kỳ lạ này hiện đã trở nên có giá trị cao nhờ tính chất đặc biệt của máu.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy trong máu của sam biển phản ứng đặc biệt mạnh nếu tiếp xúc với bất kỳ nội độc tố nào. Máu của sam biển sẽ đông lại khi tiếp xúc độc tố nên được các nhà khoa học sử dụng để kiểm tra tính vô trùng của vắcxin. Nếu máu bị đông lại, điều đó có nghĩa là vắcxin không an toàn để được thử nghiệm.
Hầu hết các công ty dược phẩm lớn của thế giới hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào máu sam biển khi điều chế vắcxin. Chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm có khoảng 500.000 con sam bị bắt khi chúng lên bờ đẻ trứng vào mỗi mùa xuân.
Thông thường, những con sam này bị đưa đến các phòng thí nghiệm để lấy đi khoảng 1/3 máu trong cơ thể rồi được đem thả lại biển.
Công dụng tuyệt vời cùng với thủ tục tốn thời gian này làm cho máu của sam trở nên đắt đỏ, gần 200.000 USD/lít.
Hiện nay, các công ty dược phẩm toàn thế giới đang bước vào cuộc đua điều chế vắcxin chống COVID-19 nên việc đánh bắt sam biển càng nhiều hơn.
Tiến sĩ Barbara Brummer, giám đốc bảo tồn thiên nhiên ở New Jersey (Mỹ), cho biết những con sam bị lấy máu khi đem trả lại biển vẫn còn sống, nhưng sau đó thì không ai biết việc lấy máu có ảnh hưởng gì đến chúng không.
Chưa có nghiên cứu kỹ càng nào nói được tác động của việc lấy máu đối với sức khỏe và sự tồn vong của loài sam. Tuy nhiên, số lượng của sam biển đang bị đe dọa do các tác động của con người đến môi trường sống của chúng.
Theo National Geographic, vào năm 1990 các nhà sinh học đã ước tính có 1,2 triệu con sam sinh sản ở vịnh Delaware (Mỹ) – đây là nơi sam đến đẻ trứng và là một trong những điểm đánh bắt sam chính của các công ty dược phẩm.
Đến năm 2002, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 333.500 con.
Không chỉ các công ty dược phẩm cần loài sam biển. Một số loài chim biển cũng cần ăn trứng sam trong cuộc di cư đến Bắc cực.
Bởi vậy lời kêu gọi bảo vệ loài sam của các nhà hoạt động môi trường càng trở nên cấp bách.