Lấy máu gót chân, phát hiện nhiều trẻ mắc bệnh khi vừa chào đời
Lấy máu gót chân, phát hiện nhiều trẻ mắc bệnh khi vừa chào đời
Nhiều trẻ ở TP.HCM được phát hiện mắc bệnh từ trong giai đoạn thai kỳ hoặc vừa sinh ra.
Ngày 10.7, Sở Y tế TP.HCM tổ chức tổng kết chiến lược dân số – sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016-2020.
Theo báo cáo của Chi cục dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, từ năm 2011 đến nay TP.HCM nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời thông qua đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sau sinh, phát hiện nhiều trẻ mắc bệnh.
Tính riêng từ năm 2016 đến nay, TP.HCM đã sàng lọc cho hơn 223.000 bà mẹ mang thai, trong đó phát hiện 9.431 bầu thai được xác định mắc bệnh (4,2%). Cụ thể, 701 trường hợp dị tật ống thần kinh, 567 trường hợp mắc bệnh hội chứng down, 235 trường hợp bất thường nhiễm sắc thể khác và 7.928 trường hợp mắc bệnh với các dị tật khác.
Song song đó, có 205.000 trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân để thực hiện các xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, trong đó có 823 trẻ được phát hiện mắc bệnh (0,4%). Cụ thể, có 768 trường hợp thiếu men G6PD (thiếu men glucose-6 phosphate dehydrogenase khiến tế bào hồng cầu hoạt động không bình thường), 31 trường hợp suy tuyến giáp, 21 trường hợp tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và 1 trẻ bị rối loạn chuyển hóa.
Về kế hoạch, TP.HCM tập trung triển khai thực hiện mở rộng các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số. Phấn đấu đến năm 2025, 80% phụ nữ mang thai, 85% trẻ sơ sinh được tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất.
Việc phát hiện thai nhi hoặc trẻ sơ sinh mắc bệnh giúp phụ huynh và ngành y tế có những can thiệp sớm, đảm bảo trẻ sinh ra được khỏe mạnh.
DUY TÍNH
TNO