18/11/2024

Nắng nóng kéo dài, tăng bệnh tim mạch, đột quỵ: Những ai cần chú ý?

Nắng nóng kéo dài, tăng bệnh tim mạch, đột quỵ: Những ai cần chú ý?

Thời gian gần đây, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận bệnh nhân vào viện do sốc nhiệt, say nắng, có trường hợp hôn mê do làm việc lâu ngoài nắng.

 

Nắng nóng kéo dài, tăng bệnh tim mạch, đột quỵ: Những ai cần chú ý? - Ảnh 1.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sốc nhiệt do làm việc kéo dài ngoài trời nắng nóng – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo ông Nguyễn Văn Chi – trưởng khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày cao điểm nắng nóng kéo dài, mô hình bệnh tật có sự thay đổi theo hướng gia tăng bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Khoa cấp cứu A9 cũng đã tiếp nhận một số bệnh nhân vào viện do liên quan trực tiếp đến nắng nóng như sốc nhiệt, say nắng…

Đang làm việc trên đồng thì đau đầu

“Chúng tôi đã tiếp nhận một bệnh nhân nam trên 40 tuổi, đang làm việc trên cánh đồng thì mệt lả, đau đầu, sốt cao, buồn nôn, choáng váng. Bệnh nhân được đưa đến khoa cấp cứu A9 thì rơi vào hôn mê, không tiếp xúc được, sốt 41 độ, mất nước nghiêm trọng. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài” – bác sĩ Chi nói.

Bệnh nhân được can thiệp và điều trị tích cực ngay, kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân có tổn thương phù não, đánh giá xét nghiệm cho thấy gặp nhiều rối loạn chức năng. Nỗ lực của bác sĩ, cả bệnh nhân và gia đình, bệnh nhân đã được cứu sống nhưng không tránh khỏi các di chứng về ý thức và vận động.

“Cơ thể chúng ta có cơ chế điều hòa thân nhiệt để giữ cho nhiệt độ cơ thể ở mức 37 độ C. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể vừa sinh ra nhiệt trong quá trình hoạt động, vừa hấp thu nhiệt từ môi trường cho nên có nguy cơ tăng thân nhiệt, đặc biệt là khi ở lâu trong môi trường nắng nóng và lao động, làm việc.

Khi nhiệt độ cơ thể tăng, cơ thể sẽ thực hiện cơ chế điều tiết để giữ thân nhiệt như thở nhanh, giãn mạch dưới da, toát mồ hôi, ức chế quá trình sinh nhiệt trong cơ thể. Tuy nhiên nếu ở trong môi trường nắng nóng kéo dài, cơ chế này sẽ không còn hiệu quả” – ông Chi nói.

Những ai cần chú ý?

Có một số nhóm người thường xuyên làm việc ngoài trời cần lưu ý giữ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng: nông dân có thời gian làm việc ngoài trời dài, công nhân lò cao, người tham gia giao thông, công nhân xây dựng…

Thứ hai là nhóm người có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh lý hô hấp mãn tính.

Nhóm thứ ba là trẻ em chưa có ý thức về thời tiết, mải vui chơi, hoạt động kéo dài trong thời tiết nắng nóng, nguy cơ bị sốc nhiệt, say nắng.

Nhóm thứ tư là người già, sức chịu đựng kém, nhiều nguy cơ bệnh tật, phản xạ thấy khát kém nên dễ có nguy cơ bị thiếu nước.

Cần uống đủ nước

Các khuyến cáo vẫn khuyên mỗi người nên uống 2 lít nước/ngày, trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Chi khuyến cáo trung bình nên dùng 2,5-3 lít nước/ngày, những người phải làm việc ngoài trời lâu nên tránh thời gian từ 11h-15h là thời điểm cường độ nắng nóng cao nhất.

Bên cạnh đó, có thể sử dụng các biện pháp bảo vệ như mặc quần áo bảo hộ, uống đủ nước, đội mũ, che ô khi đi trên đường. Cứ sau một thời gian làm việc ngoài trời lại vào chỗ mát nghỉ 10-15 phút để hạ nhiệt cơ thể, uống nước. Mới ở nơi nắng nóng nhiệt độ cao vào không nên tắm ngay bằng nước lạnh, nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt, uống bù nước, ráo mồ hôi.

Sau khi tắm xong không vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp, những người có tiền sử tim mạch không nên đi lại giữa môi trường nóng, lạnh đột ngột.

LAN ANH
TTO