Những ai cần ưu tiên tiêm ngừa bệnh bạch hầu?
Những ai cần ưu tiên tiêm ngừa bệnh bạch hầu?
Các bác sĩ cho biết bệnh bạch hầu không phức tạp như COVID-19, do đó người dân không nên quá hoang mang, tuy nhiên cần đi tiêm ngừa đầy đủ để đảm bảo an toàn.
“Cần lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện sớm các trường hợp bệnh, các ổ bệnh mới phát sinh, cho uống kháng sinh dự phòng, xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch lan rộng.
Thứ trưởng Bộ Y tế ĐỖ XUÂN TUYÊN
Bác sĩ Bùi Văn Đức – trưởng trạm y tế phường Thảo Điền (Q.2) – cho biết thời gian gần đây người dân thường xuyên đến trạm y tế phường để tiêm vắcxin DTC (phòng bạch hầu – uốn ván – ho gà) cho con mình. Nhiều người dân cho biết họ lo lắng trước thông tin TP.HCM có ca bệnh bạch hầu nên nhanh chóng đưa con đi tiêm để đảm bảo an toàn.
Bác sĩ Đức cho biết thêm có ngày trạm y tế phải tiêm vắcxin DTC cho 20-30 trẻ nhỏ. Các nhân viên của trạm y tế luôn luôn giải thích và trấn an cho nhiều bậc phụ huynh về bệnh bạch hầu để tránh phụ huynh lo nghĩ hoang mang.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Khê – phó giám đốc Trung tâm Y tế quận 6 – cho biết thời gian gần đây lượng người dân đến xin tiêm vắcxin ngừa bạch hầu tăng lên. Nếu như trước đây trung tâm y tế thường xuyên phải đến tận nhà người dân để vận động đưa con đi tiêm chủng, thì gần đây do lo ngại ảnh hưởng của bệnh bạch hầu, người dân đã chủ động đưa con đến trạm y tế để tiêm chủng đầy đủ.
Không chỉ trẻ em mà nhiều người lớn lo sợ bạch hầu cũng đến trung tâm y tế để được tư vấn tiêm chủng.
TS Trần Quốc Việt – giám đốc Bệnh viện Quân y 175 – cho biết bạch hầu không phức tạp như COVID-19, do đó người dân không nên quá hoang mang. Bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, xuất hiện rải rác ở một số địa phương tại Việt Nam, kích thước và khối lượng vi khuẩn nặng gấp 10-20 virus gây COVID-19.
Đến nay bạch hầu có thuốc điều trị dự phòng. Nếu điều trị sớm, bệnh nhân có thể hồi phục tốt. Thuốc điều trị dự phòng bệnh bạch hầu được khuyến cáo uống trong vòng 7-10 ngày, thuốc có thể gây tác dụng phụ như đau dạ dày, dị ứng… Khi tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu, người dân cần tuân thủ uống thuốc dự phòng, khả năng bảo vệ có thể đạt 100% nếu cơ thể không kháng thuốc.
Bác sĩ Phan Bá Hiếu – phụ trách khoa truyền nhiễm Bệnh viện Quân y 175 Bộ Quốc phòng – cho biết hiện nay bệnh nhân được điều trị bằng cách dùng kháng sinh, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, huyết thanh kháng độc tố bạch hầu rất hiếm, TP.HCM không có, để sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu phải xin từ các cơ sở y tế tại Hà Nội. Nguyên nhân chính là trong một thời gian dài đã không xuất hiện các ca bệnh bạch hầu nên thuốc kháng độc tố bạch hầu dự phòng tại các cơ sở y tế TP.HCM đều quá hạn sử dụng.
Đánh giá về mức độ lây lan dịch trong tình hình hiện nay, TS Việt cho biết tuy mật độ dân số cao, khả năng phát triển thành ổ dịch tại TP.HCM là rất ít. Nguyên nhân do đã có vắcxin, thuốc điều trị dự phòng. Người dân nên đi tiêm chủng đầy đủ để đảm bảo an toàn.
Khuyến khích trẻ nhóm lớn, phụ nữ tuổi sinh đẻ tiêm phòng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia Dương Thị Hồng cho biết gần đây bệnh nhân bạch hầu chủ yếu là trẻ lớn trên 10 tuổi, thậm chí là thanh niên 20 tuổi.
Hiện nay trẻ dưới 2 tuổi được tiêm miễn phí vắcxin 5 trong 1 có thành phần ngừa bạch hầu, nhưng nhóm lớn hơn và ở địa phương không thuộc diện có chiến dịch thì phải chi trả chi phí này, theo hình thức “tiêm chủng dịch vụ”.
“Chi phí mũi vắcxin này, theo khảo sát của chúng tôi, có thể lên tới trên 600.000 đồng/mũi. Các gia đình có con ở lứa tuổi tiêm chủng mở rộng nên cho con đi tiêm đúng lịch, tránh bỏ sót mũi và nguy cơ quay lại những “căn bệnh có nguy cơ bị lãng quên”, như bạch hầu” – một chuyên gia về tiêm chủng nói với Tuổi Trẻ. (L.ANH)