23/01/2025

Cảnh giác dịch bệnh bạch hầu

Cảnh giác dịch bệnh bạch hầu

Tình hình bệnh bạch hầu ở một số tỉnh Tây nguyên đang diễn biến với nhiều dấu hiệu phức tạp.
Bác sĩ Huỳnh Trung Triệu thăm khám cho bệnh nhi Giàng A Phủ /// Ảnh: Duy Tính
Bác sĩ Huỳnh Trung Triệu thăm khám cho bệnh nhi Giàng A Phủ  ẢNH: DUY TÍNH

Diễn tiến 2 bệnh nhân điều trị tại TP.HCM

Ngày 26.6, Bệnh viện (BV) đa khoa vùng Tây nguyên đã chuyển bệnh nhi G.A.P (13 tuổi, dân tộc H’Mông, ngụ Đắk Nông) bị bệnh bạch hầu, biến chứng nặng xuống BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị.
Theo thạc sĩ, bác sĩ (BS) Huỳnh Trung Triệu, Phó trưởng khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc trẻ em, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, khi đến BV, máy tạo nhịp tim cho bệnh nhi P. (đã đặt tại BV đa khoa khu vực Tây nguyên) hoạt động tốt; huyết áp ổn định. Bệnh nhi đang tiếp tục sử dụng thuốc trợ tim, an thần, ăn uống qua ống. Hiện bệnh nhi đang được điều trị, theo dõi sát.
Trong khi đó, ngày 26.6, BS Phan Bá Hiếu, phụ trách Khoa Truyền nhiễm, BV Quân y 175, cũng đã thông tin nam bệnh nhân 20 tuổi ở TP.HCM mắc bạch hầu từ ngày 17.6 đang điều trị tại đây. Theo bác sĩ Hiếu, bệnh nhân này khởi phát bệnh từ sốt, kèm đau họng nên vào BV khám. Qua thăm khám, nghi ngờ bị bệnh bạch hầu nên BV đã tiến hành cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Sau gần 10 ngày điều trị, hiện bệnh nhân đã âm tính với bạch hầu, hết sốt, hết đau họng, sưng đau vùng cổ, sức khỏe ổn định, dự kiến xuất viện trong tuần tới.
“Sau khi phát hiện, BV đã triển khai các biện pháp phun khử khuẩn trong toàn BV. Đối với 16 trường hợp tiếp xúc gần tại nơi sinh hoạt của bệnh nhân và 42 y bác sĩ tiếp xúc gần với bệnh nhân là nhân viên tại các khoa truyền nhiễm, khoa tai mũi họng, khoa khám và khoa chẩn đoán hình ảnh đều được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cho uống thuốc dự phòng. Hiện tại, các trường hợp này đều cho kết quả âm tính”, BS Hiếu thông tin thêm.
Tuy nhiên, trước đó, ngày 20.6, một bệnh nhi 9 tuổi mắc bệnh bạch hầu biến chứng nặng chuyển từ Đắk Nông xuống BV Bệnh nhiệt đới và đã tử vong sau 2 giờ nhập viện.
Về huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD), BS Trần Quốc Việt, Phó giám đốc BV Quân y 175, cho biết từ lâu ở Việt Nam chỉ xuất hiện rải rác vài ca bệnh bạch hầu. Do đó, hàng loạt BV dự trữ huyết thanh chữa bệnh này đều hết hạn sử dụng. Khi điều trị cho bệnh nhân này, phía BV đã phải liên hệ các BV trên toàn quốc.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho hay hiện BV đa khoa khu vực Tây nguyên vẫn chưa có SAD để sử dụng. BV Bệnh nhiệt đới đã có báo cáo nhanh kết quả giám sát công tác điều trị và kiến nghị Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) xem xét hỗ trợ nguồn cung cấp SAD cho các đơn vị trong thời gian sớm nhất có thể.
Cảnh giác dịch bệnh bạch hầu

Khám sàng lọc phòng ngừa bạch hầu cho học sinh tiểu học ở xã Quảng Phú, H.Krông Nô, Đắk Nông   ẢNH: CDC ĐẮK NÔNG

Bạch hầu “tấn công” Tây Nguyên

Ngày 26.6, ông Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Nông, cho biết tính từ đầu tháng 6 đến nay, tỉnh này ghi nhận 12 ca mắc bệnh bạch hầu. Ổ dịch đầu tiên xuất hiện tại H.Krông Nô, có 4 ca bệnh, hiện đã được khoanh vùng, khống chế.
Giữa tháng 6, hai ổ dịch tiếp theo xuất hiện tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, H.Đắk Glong, với 8 ca bệnh, trong đó 1 ca tử vong là S.T.H (9 tuổi, dân tộc H’Mông, trú xã Quảng Hòa, H.Đắk Glong). Từ ngày 22.6, chính quyền địa phương lập 2 chốt chặn, cách ly 71 hộ, với hơn 400 nhân khẩu ở thôn 6, xã Quảng Hòa và 61 hộ với hơn 300 nhân khẩu tại cụm 12, xã Đắk R’măng, nhằm ngăn chặn phát tán nguồn lây trong cộng đồng.
“Hiện chúng tôi tập trung công tác vệ sinh môi trường, tiếp tục điều tra truy vết tiếp xúc của các ca nhiễm bệnh, khoanh vùng dịch, đã cho uống kháng sinh dự phòng đối với hơn 1.300 người trong vùng dịch”, ông Thành nói.

Cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin

Cảnh giác dịch bệnh bạch hầu - ảnh 2

Trẻ từ 2 tháng tuổi cần được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, được cấp miễn phí trong tiêm chủng mở rộng   ẢNH: LIÊN CHÂU

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Nếu không được tiêm chủng đầy đủ, bệnh có thể gây dịch khiến nhiều người mắc, do đây là bệnh dễ lây (qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân; hoặc từ người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo).
Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, cần đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch. Mũi 1: Tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi; mũi 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi.
Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, cho biết ngay sau khi phát hiện ca bệnh bạch hầu xuất hiện ở H.Đắk G’long, Viện đã thành lập đoàn công tác phối hợp với Sở Y tế Đắk Nông trực tiếp nắm bắt tình hình và chỉ đạo triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương này. Viện cũng đã chuyển 10.000 liều vắc xin Td cho tỉnh Đắk Nông, phục vụ tiêm phòng cho người dân vùng dịch.
Tại Kon Tum, CDC tỉnh Kon Tum cho biết từ cuối tháng 1.2020 đến giữa tháng 6.2020 tỉnh này có 5 ổ dịch bạch hầu với 6 ca mắc tại TP.Kon Tum, các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy. Ngay sau khi phát hiện, các ca bệnh đều được điều tra tiền sử tiêm chủng và tiến hành cách ly, điều trị tích cực.
Cảnh giác dịch bệnh bạch hầu - ảnh 3

Nhân viên y tế Đắk Nông đang phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực có dịch   ẢNH: CTV

Rà soát tiêm bù vắc xin

Theo ông Đăng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sau khi ghi nhận thông tin các trường hợp mắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên cử đội đáp ứng nhanh hỗ trợ địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Ngành y tế địa phương tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ; tiến hành phun khử khuẩn môi trường khu vực ổ dịch và tại các gia đình có học sinh đi về ở địa phương. Y tế địa phương đã tổ chức tiêm vắc xin chống dịch tại khu vực ổ dịch; triển khai các chốt cách ly toàn bộ các hộ gia đình có người mắc bệnh, hạn chế người ra vào khu vực ổ dịch.

Chuyên gia của dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết trong thời gian qua, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin phòng bạch hầu dưới dạng vắc xin phối hợp DPT-VGB-Hib chưa đạt cao, đặc biệt tại những địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số còn một số vùng lõm về tiêm chủng do người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ tiêm chủng. Tỷ lệ tiêm chủng giảm là điều kiện thuận lợi cho các chủng vi khuẩn bạch hầu có độc tố lưu hành trong cộng đồng.

Trước sự xuất hiện các ca bệnh bạch hầu, dự án Tiêm chủng mở rộng ngày 24.6 có văn bản yêu cầu các địa phương trên cả nước tăng cường công tác tiêm chủng thường xuyên cho trẻ em dưới 1 tuổi đủ 3 liều vắc xin DPT-VGB-Hib, rà soát đối tượng trẻ em trên 1 tuổi chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc xin DPT-VGB-Hib và tổ chức tiêm bù cho các đối tượng này ngay trong tháng 7 và tháng 8 tới.
Ngày 26.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở y tế tăng cường các hoạt động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh. Cần tổ chức tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch, đảm bảo cho trẻ được tiêm đủ mũi, đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả xã, phường, thị trấn đặc biệt tại các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế…
Liên Châu
THANH NIÊN
TNO