23/12/2024

Bộ GD-ĐT nói gì về chọn sách giáo khoa?

Bộ GD-ĐT nói gì về chọn sách giáo khoa?

TS Thái Văn Tài, vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 mới đa dạng. Có 36/63 tỉnh, thành chọn cả 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt.

 

 

 

Bộ GD-ĐT nói gì về chọn sách giáo khoa? - Ảnh 1.

Học sinh tham khảo sách giáo khoa lớp 1 mới – Ảnh: TỰ TRUNG

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là tôn trọng lựa chọn của hội đồng chọn sách giáo khoa của các trường nhưng phải đảm bảo thực hiện đúng thông tư hướng dẫn do Bộ GD-ĐT ban hành.

Ông Thái Văn Tài

Những địa phương còn lại đều chọn sách của ít nhất ba bộ sách giáo khoa.

Chọn theo môn, không nguyên bộ sách

Theo kết quả chọn sách giáo khoa báo cáo về Bộ GD-ĐT, phần lớn các trường lựa chọn sách theo môn chứ không quyết định lựa chọn nguyên một bộ sách giáo khoa của một đơn vị xuất bản.

Có nghĩa bộ sách giáo khoa được các trường quyết định chọn làm tài liệu chính thức để dạy học thường là tập hợp sách giáo khoa của nhiều bộ khác nhau. Các hội đồng chọn sách giáo khoa của mỗi môn học làm việc độc lập để lựa chọn sách tốt nhất theo quan điểm của các thành viên hội đồng.

Tuy nhiên, theo ông Thái Văn Tài, cũng có một số tỉnh, thành có kết quả chọn sách tập trung cao ở một bộ sách giáo khoa nào đó. Đơn cử như bộ “Chân trời sáng tạo” được 80% số trường tại TP.HCM lựa chọn. Bên cạnh đó, cũng có những tỉnh, thành có trên 80% chọn tất cả sách giáo khoa của nhóm Cánh Diều.

Xét ở từng môn học, có những bộ sách giáo khoa trong số năm bộ sách được phê duyệt có từ 1-3 sách giáo khoa được chọn với tỉ lệ trên dưới 80% trên địa bàn tỉnh hoặc quận, huyện. Mặc dù cho rằng kết quả chọn sách giáo khoa như vậy là bình thường nhưng ông Thái Văn Tài cũng cho biết Bộ GD-ĐT có chỉ đạo rà soát, kiểm tra việc chọn sách giáo khoa ở một số địa phương có kết quả chọn sách khác với mặt bằng chung để đảm bảo không có tiêu cực, sai phạm trong quá trình chọn sách.

Nhưng tới thời điểm này, chưa có địa phương nào phải hủy kết quả chọn sách giáo khoa do làm sai quy định.

Tránh bán kèm tài liệu tham khảo

Ông Thái Văn Tài cho biết ngay trong đợt chọn sách giáo khoa lớp 1 vừa qua cũng có một số địa phương quyết định trích ngân sách để các trường mua đủ 5 bộ sách giáo khoa đưa vào thư viện, tủ sách dùng chung và mua đủ cho 100% giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 năm học tới.

Trong đó có một bộ sách giáo khoa được chọn là tài liệu bắt buộc, các sách giáo khoa còn lại là tài liệu cho giáo viên để xây dựng bài giảng, tài liệu tham khảo cho học sinh trong quá trình học tập. Đơn cử như tỉnh Lào Cai, Bắc Giang, UBND tỉnh đã chỉ đạo trích từ ngân sách chi thường xuyên để mua các bộ sách giáo khoa đưa vào thư viện trường và để giáo viên tiếp cận.

Trên thực tế, các đơn vị có sách giáo khoa được phê duyệt đợt vừa qua cũng có các chính sách nhằm tăng thêm giá trị cho bộ sách của mình. Ví dụ như cung cấp sách giáo viên, học liệu điện tử, hệ thống bài giảng mẫu, hệ thống bài tập tương tác điện tử miễn phí. Đây là yếu tố hấp dẫn với cán bộ quản lý còn bỡ ngỡ, lo lắng khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới.

Ông Thái Văn Tài cho biết quan điểm “khuyến khích sự đồng hành của các đơn vị xuất bản”. Tuy nhiên, những tài liệu, học liệu đi kèm nên miễn phí, không bán kèm, để tránh việc “bán kèm sách tham khảo và thiết bị dạy học” cùng với sách giáo khoa, gây gánh nặng cho các nhà trường và phụ huynh.

Ông Thái Văn Tài cũng cho biết Bộ GD-ĐT đã ban hành danh mục thiết bị hỗ trợ dạy học tối thiểu. Những nơi có điều kiện đầu tư thiết bị dạy học nằm ngoài danh mục tối thiểu bằng nguồn xã hội hóa cần đảm bảo đúng quy định pháp luật trong việc này.

Chọn theo “gu”

Ông Thái Văn Tài cho biết những nhóm tác giả khi biên soạn có thể sẽ chú ý đến tính vùng, miền, đến các nhóm đối tượng học sinh khác nhau. Việc này cũng thể hiện ở kết quả có những vùng miền chọn nhiều sách giáo khoa cùng “gu”. Ví dụ như bộ “Chân trời sáng tạo” là bộ sách của nhóm tác giả miền Nam biên soạn, từ cách sử dụng hình ảnh, địa danh, từ ngữ sẽ khiến giáo viên, học sinh tìm thấy sự gần gũi. Đây cũng là một lý do bộ sách này được chọn nhiều ở TP.HCM.

* Ông Lê Hồng Vũ (trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ, Hà Nội):

Khi sách giáo khoa không là “pháp lệnh”

Khi các trường, thầy cô giáo và phụ huynh cùng quen với việc sách giáo khoa chỉ là tài liệu và việc dạy học sẽ bám sát chương trình chứ không phải dạy theo sách giáo khoa như thể “pháp lệnh” thì vấn đề chọn sách nào sẽ không còn căng thẳng nữa.

* Cô Nguyễn Thị Hương (phó hiệu trưởng Trường tiểu học Ngôi Sao, Hà Nội):

Chọn sách giúp giáo viên dễ hình dung công việc

Trường tôi chọn sách toán và tiếng Việt của một bộ sách vì thiết kế rất rõ, dễ hiểu, dễ áp dụng nhưng không bị khuôn cứng mà chỉ mang tính gợi mở. Đặc biệt là sách giáo viên của họ hướng dẫn khá kỹ, giáo viên có năng lực tốt hay chưa tốt đều có thể đảm bảo yêu cầu tối thiểu. Đơn vị xuất bản cam kết cung cấp học liệu điện tử miễn phí và đồng hành tập huấn, hỗ trợ giáo viên trong quá trình sử dụng sách. Vì thế chúng tôi bỏ phiếu với tỉ lệ cao.

* Cô Trần Thị Thanh Hà (phó hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, Lào Cai):

Gần mô hình dạy học đã triển khai

Trường tôi chọn sách giáo khoa của nhóm tác giả thiết kế gần với mô hình tổ chức dạy học trường tôi từng triển khai các năm qua. Tiết học được thiết kế bao gồm các hoạt động học, phát huy quá trình chủ động, tích cực của trẻ với các hình thức đa dạng, chú trọng tương tác theo nhóm, theo cặp và hoạt động cá nhân của trẻ. Vì đã quen, thầy và trò đều thấy gần gũi nên việc lựa chọn cũng dễ thống nhất.

VĨNH HÀ
TTO