Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì về lựa chọn sách giáo khoa?
Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì về lựa chọn sách giáo khoa?
Sáng 24-6, Sở GD-ĐT và Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM đã tổ chức họp báo về kết quả lựa chọn sách giáo khoa (SGK) năm học 2020 – 2021 trên địa bàn TP. Tuổi Trẻ lược ghi một số nội dung.
* Việc học sinh TP sẽ học nhiều bộ sách khác nhau thì có tính liên thông hay không? Nếu học sinh chuyển trường thì sao? Việc kiểm tra – đánh giá học sinh sẽ diễn ra như thế nào?
– Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Điểm chung của các bộ SGK là đều thể hiện mục tiêu chương trình giáo dục, chuẩn kiến thức – kỹ năng do Bộ GD-ĐT quy định. Tuy cách thể hiện khác nhau nhưng cuối cùng các bộ SGK đều dẫn học sinh đến một đích. Vì vậy, việc kiểm tra – đánh giá hay thi chuyển cấp không ảnh hưởng gì.
Cũng cần nói thêm, các bộ SGK là tài liệu dạy học chứ không phải pháp lệnh như trước đây là hết tiết đó thì giáo viên phải dạy hết bài đó. Bây giờ, tuy nhà trường có chọn 1 bộ SGK nhất định nhưng các giáo viên có thể dùng nhiều bộ SGK khác hoặc tư liệu, tài liệu từ thư viện điện tử để có bài giảng tốt nhất cho học sinh. Nếu học sinh chuyển trường mà trường mới chuyển đến học bộ sách khác với trường cũ thì học sinh phải mua lại sách mới.
* Giá thành bộ SGK mới đắt hơn nhiều so với bộ SGK hiện hành, với những học sinh nghèo thì sao?
– Giá thành của 5 bộ sách mới dao động quanh ngưỡng 300.000 đồng/bộ, cao gấp 3 lần so với bộ SGK hiện hành. Nguyên nhân giá SGK tăng cao như vậy do từ trước đến nay hệ thống giáo dục phổ thông đang dùng SGK do Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam phát hành theo nhiệm vụ chính trị, SGK khi đến tay các em học sinh đã được trợ giá.
Việc đưa vào 5 bộ SGK mới là một hình thức xã hội hóa, chống độc quyền trong phát hành SGK, sách không còn được trợ giá nên giá thành cao hơn bộ SGK hiện hành. Đối với học sinh nghèo thì các trường TP sẽ dùng ngân sách để thực hiện tủ SGK dùng chung. Học sinh có thể đăng ký mượn sách theo bộ môn hoặc mượn cả bộ SGK.
Sở GD-ĐT TP.HCM không có tác động nào áp đặt hay chỉ đạo ngầm các trường về lựa chọn SGK. Chúng tôi rất mong sự đa dạng và trên thực tế, các trường cũng chọn nhiều đầu sách khác nhau của 5 bộ sách mà Bộ GD-ĐT đã thẩm định.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
* TP.HCM sẽ gặp khó khăn gì khi thực hiện chương trình mới vào năm học tới?
– Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là bộ SGK mới được thiết kế cho chương trình dạy và học 2 buổi/ngày. Trong khi đó, trên địa bàn TP có nơi chỉ trên 20% học sinh được học 2 buổi/ngày. Giải pháp khắc phục trước mắt là các trường tiểu học sẽ tận dụng ngày thứ 7 trong tuần, tận dụng các phòng chức năng để tổ chức các hoạt động trải nghiệm chung cho học sinh. Song, tinh thần của sở là các trường phải ưu tiên cho học sinh lớp 1 được học bán trú, để các em tiếp cận trọn vẹn nhất chương trình giáo dục phổ thông mới.