23/12/2024

Giá thuốc có thể rẻ hơn?

Giá thuốc có thể rẻ hơn?

Một loại vắcxin ở khu vực dịch vụ có giá trên 1,4 triệu đồng/mũi tiêm, nhưng nếu Bộ Y tế tổ chức đấu thầu tương tự các thuốc mua tập trung khác thì giá chỉ còn 4,5-5,5 USD/liều tiêm (khoảng 105.000 -128.000 đồng, kể cả phí vận chuyển về VN.

 

Giá thuốc có thể rẻ hơn? - Ảnh 1.

Người dân mua thuốc tại nhà thuốc bệnh viện ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Điều này cho thấy nếu tính cả chi phí tiêm cũng chỉ rẻ bằng 1/10 so với giá dịch vụ hiện nay.

Giá thuốc, vắcxin có thể rẻ thêm nữa hay không? Thông tin từ Bộ Y tế cho hay Trung tâm Đấu thầu mua sắm thuốc quốc gia đang chuẩn bị đàm phán 4 danh mục thuốc độc quyền, trong lần đàm phán đầu tiên cách đây gần 2 năm, giá 4 thuốc độc quyền (đều là thuốc điều trị ung thư đắt tiền) này cũng đã giảm được 18% so với trước. Lần này, 4 thuốc này tiếp tục được đưa lên bàn đàm phán.

Giá thuốc hết bản quyền vẫn rất cao

Trong hội thảo được tổ chức mới đây với sự tham gia của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và 2 thứ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế cho biết thị trường dược phẩm Việt Nam đang có quy mô khoảng 5 tỉ USD, với 22.000 loại thuốc. Trong đó thuốc biệt dược gốc (thuốc phát minh còn bản quyền) có 755 loại, trong đó có 150 loại đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền, có thuốc tương đương thuốc phát minh, do các nước tiên tiến sản xuất.

Theo khảo sát của Bộ Y tế, giá các loại thuốc phát minh kể cả hết bản quyền đều cao hơn thuốc tương đương 4-18 lần, có loại cao hơn 7-8 lần.

Từ năm 2017 đến nay Bộ Y tế đã tổ chức được 3 lần đấu thầu tập trung, trong đó lần đấu thầu gần đây gói thầu Capecetabin 500mg nhóm 2 tiết kiệm được 1,7 tỉ đồng (tương đương 34% giá trị gói thầu), các gói thầu thuốc nhóm 3 các hoạt chất Docetaxel 80mg, Oxaliplatin 100mg, Palitaxel 100mg (đều là thuốc trị ung thư) tiết kiệm được 17,2 tỉ đồng so với giá kế hoạch, tương ứng hơn 23%.

Đặc biệt một gói thầu cung cấp thuốc biệt dược gốc đã tiết kiệm được 745 tỉ đồng so với giá kế hoạch (giá trúng thầu năm trước đó), tương ứng 10% giá trị gói thầu.

So với kết quả trúng thầu được tính toán từ kết quả trúng thầu 2017-2018, Bộ Y tế cũng cho rằng tổng giá trị gói thầu đã giảm được 40% so với giá mua trước đó, tương đương gần 1.550 tỉ đồng (tính toán trên cơ sở số lượng thuốc các bệnh viện dự trù). Giá thuốc mua bán như vậy cho thấy nếu có cách làm hợp lý sẽ lợi hơn cho người bệnh.

Năm 2020 Bộ Y tế sẽ tổ chức đàm phán giá với 4 thuốc độc quyền, bên cạnh đó năm 2019 Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng đã đấu thầu tập trung một số vật tư y tế. Điều đáng kể là có những loại sten tim đã giảm giá được 30% so với trước (từ trên 10 triệu giảm xuống còn 8 triệu), người bệnh đã được lợi.

Nhiều mong đợi…

Cũng tại cuộc họp có sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Văn Phúc cho biết trong 2 năm gần đây, mỗi năm quỹ bảo hiểm đã chi trả trên 37.000 tỉ đồng cho thuốc tân dược, trong đó thuốc phát minh chiếm trên 26%, tương đương 11.500 tỉ đồng.

Song trong danh mục thuốc biệt dược gốc hiện còn tới 150 thuốc đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền, có thuốc tương đương, việc đưa các thuốc này ra khỏi nhóm được bảo hộ (đồng nghĩa với việc chấp nhận mức giá cao) sẽ giúp người dân mua được thuốc rẻ hơn.

Việc có đến 150 thuốc trong danh mục biệt dược gốc đã hết hạn bảo hộ cho thấy người dân còn cơ hội mua thuốc giá rẻ, nhưng thực tế lại chưa mua được.

Bên cạnh đó, những đợt mua sắm tập trung của cả cơ quan bảo hiểm và Bộ Y tế cho thấy giá thuốc giảm đều. Mở rộng thêm danh mục thuốc và vật tư y tế cần đàm phán giá, cần mua sắm tập trung sẽ giúp giá thuốc về giá trị thực.

Những năm qua, các khảo sát mà Bộ Y tế công bố đều cho rằng giá thuốc Việt Nam đã ở mức thấp so với khu vực, nhưng thực ra khi đấu thầu cho mua sắm tập trung (từ thuốc ung thư, kháng sinh, tim mạch, vật tư y tế…) thì đều thấy giảm tiếp, điều này cho thấy vẫn có thể giảm thêm giá thuốc.

 

LAN ANH
TTO