23/01/2025

Bạn có thể kiểm soát bao nhiêu phần trăm hạnh phúc?

Bạn có thể kiểm soát bao nhiêu phần trăm hạnh phúc?

Một số người cảm thấy họ kiểm soát được hạnh phúc của chính mình, trong khi những người khác cảm thấy bất lực.
Mọi người luôn có thể tác động đến hạnh phúc của chính bản thân mình /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Mọi người luôn có thể tác động đến hạnh phúc của chính bản thân mình ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Trong nhiều năm, một lý thuyết khoa học nổi tiếng đã ủng hộ niềm tin rằng chúng ta không làm được gì nhiều khi nói đến hạnh phúc.
Biểu đồ tròn Mô hình Hạnh phúc Bền vững (SHM) đưa ra con số cụ thể: 50% hạnh phúc của chúng ta được quyết định bởi gien, 40% bởi các hoạt động và 10% bởi hoàn cảnh sống, theo TH.
Nhưng nhiều nhà khoa học đề nghị bạn hãy đặt di truyền và hoàn cảnh sang một bên, chúng ta có quyền lựa chọn và những lựa chọn chúng ta thực hiện trong cuộc sống – ăn uống ra sao, cách dành thời gian cho ai và với ai… – tác động lớn đến việc chúng ta hạnh phúc như thế nào.
Mô hình hạnh phúc nói trên đã được nghiên cứu và mổ xẻ nhưng không có nghĩa nó là chân lý. Kira M. Newman chỉ ra trên Tạp chí Greater Good rằng, những số liệu thể hiện trên biểu đồ không đơn giản như thế.
“Những con số này không đại diện cho bao nhiêu hạnh phúc cá nhân của chúng ta đến từ nguồn khác nhau, mà là có bao nhiêu sự khác biệt giữa mọi người (nói chung). Nếu điểm hạnh phúc của bạn là 8/10, bạn không thể nói rằng 3.2 điểm trong đó được xác định bởi các hoạt động, bạn chỉ có thể nói rằng dưới một nửa khoảng cách trung bình giữa hạnh phúc của bạn và người khác đến từ những hoạt động mà mọi người đang làm”, bà Kira M. Newman viết.
Nhưng giới nghiên cứu đồng quan điểm, ý tưởng chung của biểu đồ là có ý nghĩa. Nhà tâm lý học quá cố Christopher Peterson – một trong những người sáng lập phong trào tâm lý học tích cực – từng nói, một trong những kết luận thường được trích dẫn từ nghiên cứu tâm lý học tích cực là “hạnh phúc là kết quả của sự kết hợp giữa di truyền, hoàn cảnh và các hoạt động tự nguyện”.
Ông tin điều này là hợp lý. Trong khi đó, một số nhà tâm lý học tích cực tiến xa hơn và đề xuất công thức hạnh phúc, ví dụ, 50% di truyền, 10% hoàn cảnh và 40% hoạt động tự nguyện. Tuy nhiên, Peterson kết luận, thật vô lý khi nghĩ rằng chúng ta có thể phân tích hạnh phúc của một cá nhân, trong lúc này hay nói chung, theo cách mà chúng ta phân tích hạnh phúc của các cá nhân được coi là mẫu nghiên cứu.
Nhiều nhà khoa học cũng chỉ ra rằng gien, hoàn cảnh và hoạt động có thể chồng chéo và tác động lẫn nhau. Ví dụ: nếu bạn có gien lãnh đạo nhưng không ở trong môi trường làm việc mà bạn được đảm nhận vai trò đó thì bạn sử dụng các kỹ năng đó thế nào.
Tiến sĩ Todd B. Kashdan viết trên PT: “Hãy hoài nghi. Những con số tròn trĩnh hoàn hảo này đưa ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, và cho đến hôm nay, tôi vẫn không tin tưởng chúng”.
Trên hết, điều đáng nói là mọi người vẫn có thể tác động đến hạnh phúc của chính họ. Thực tế, hành động của chúng ta có thể không có nhiều tác dụng như suy nghĩ ban đầu (có thể chỉ khoảng 15%, theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Hạnh phúc). Nhưng quan trọng là hãy tiếp tục cố gắng. Có thể theo đuổi hạnh phúc thành công dù có thể không dễ dàng, theo TH.
TẠ BAN
TNO