Vòi bạch tuộc bẫy nợ – Kỳ 1: giám đốc lãnh 80 triệu/tháng mà vợ lau nhà cho người ta
Vòi bạch tuộc bẫy nợ – Kỳ 1: giám đốc lãnh 80 triệu/tháng mà vợ lau nhà cho người ta
“Lẽ ra tôi phải rất sướng, nhìn bề ngoài đâu ai nghĩ sự thật bên trong lại khốn cùng như vậy. Làm giám đốc mà vợ lại đi lau nhà, rửa chén cho người ta” – An đỏ mắt tâm sự nhưng giọng vẫn đanh lại như không còn cảm xúc gì.
Nợ! Nợ! Nợ! Suốt 20 năm nay, từ lúc Trần Văn An có việc làm tốt, lương cao thì lại chìm ngập trong nợ nần. Nợ sau đắp nợ trước, lãi mẹ đẻ lãi con, thậm chí đẻ ra cả lãi cháu chắt…
Lãi cắt cổ 20% vẫn là “tử tế”, nhiều mức lãi lên đến 25-30% mỗi tháng, thậm chí cao hơn nữa. Nhiều người sa chân vào đó có nhà thì mất nhà, còn không thì chỉ có cách trốn biệt tích.
Những chuyện thực tế đến rợn người từ vị giám đốc, kẻ khởi nghiệp, dân lao động nghèo lỡ dính vào vòi bạch tuộc bẫy nợ như chính kẻ cho vay nặng lãi nói: “Còn cái mả cha nhà mày mà khiêng được thì tao cũng xiết”.
Nợ! Nợ! Nợ! Suốt 20 năm nay, từ lúc Trần Văn An có việc làm tốt, lương cao thì lại chìm ngập trong nợ nần. Nghịch lý kỳ lạ này hoàn toàn là sự thật khi hầu hết đồng lương giám đốc anh ta làm ra đều vào thẳng tay chủ nợ.
Một lần treo cổ tự sát được cứu kịp, một lần An rạch cổ tay cũng không chết. Sau đó, con nợ này còn mấy lần leo lên sân thượng chung cư định kết thúc đường cùng của mình nhưng chính con thơ đã khiến anh ta quay đầu lại.
Ráng đừng bao giờ phải vay nóng bên ngoài. Nó như cái vòi bạch tuộc chết chóc. Chục người sa vào thì cùng đường chục kẻ.
Trần Văn An
20 năm chìm ngập trong nợ!
Biết An đã lâu, nhưng tôi vẫn rất khó khăn mới thuyết phục gã đàn ông tự nhận mình là “đốn mạt đến tận cùng” này chịu kể về cuộc đời cứ mở mắt ra là bị nợ ám ảnh! Hiện làm giám đốc phụ trách nhà máy sản xuất của một tập đoàn lớn ở phía Nam Sài Gòn, An quản lý hơn 1.000 công nhân ở cả hai phân xưởng tại Đồng Nai và Bình Chánh.
Anh ta đi làm bằng xe hơi riêng của công ty đưa đón và mỗi tháng đang lãnh lương khoảng 80 triệu đồng sau thuế, chưa kể các khoản thưởng cũng gần nửa thu nhập từ lương.
“Lẽ ra tôi phải rất sướng, nhìn bề ngoài đâu ai nghĩ sự thật bên trong lại khốn cùng như vậy. Làm giám đốc mà vợ lại đi lau nhà, rửa chén cho người ta” – An đỏ mắt tâm sự nhưng giọng vẫn đanh lại như không còn cảm xúc gì.
Ngay thời điểm này, khi căn nhà duy nhất của cha mẹ già ở quận Tân Phú phải bán để trả khoản nợ gần 10 tỉ đồng cho “thằng con làm giám đốc”, An vẫn đang sa lầy trong khoản nợ hơn 3 tỉ còn lại mà chưa biết thoát ra bằng cách nào …
20 năm trước, khi An từ một công nhân ngồi máy dập sản phẩm lên làm tổ trưởng, rồi quản đốc phân xưởng sản xuất cũng là lúc anh ta rơi vào vòi bạch tuộc nợ nần. An kể từ năm 2000 mà đã lãnh lương hơn 9 triệu đồng là khá cao vào thời điểm đó.
Đi làm việc xa nhà, ban đầu anh ta chỉ dính vào bài bạc “chơi chơi” với anh em công ty trong giờ rảnh buổi trưa và chiều tối, sau đó dần dính vào “độ banh” và chính những trận đấu ở tít sân cỏ châu Âu đã làm An “chết đuối” vì nợ. Từ vay quanh mượn quẩn anh em công ty, An hết mối mượn phải vay tiêu dùng ở ngân hàng, rồi sau đó là đâm đầu đi vay nóng bên ngoài.
“Đời tôi bắt đầu khốn nạn từ khi đặt bút ký những tờ giấy vay của dân anh chị xã hội. Ban đầu chỉ chục triệu, hai chục triệu rồi cứ tăng dần lên, nợ sau đắp nợ trước, lãi mẹ đẻ lãi con, thậm chí đẻ ra cả lãi cháu chắt!” – An kể ban đầu mình được vay ở mức lãi “tử tế” 8% mỗi tháng vì lý lịch “con nợ khá đẹp” với công việc lương cao. Nhưng từ khi anh ta trả nợ không đúng hạn, mức lãi này đã nhảy lên 12%, rồi đến mức cắt cổ 18-25% mỗi tháng như hiện nay.
Chủ nợ của An giờ là dân “anh chị xã hội” có máu mặt trong giới vũ trường, đề đóm và cá độ banh. An thua độ, họ tung tiền cho mượn trả nợ. An không trả nổi hết nợ, họ lại cho mượn nợ sau để đắp trả nợ trước. Cứ thế nợ luẩn quẩn chồng nợ!
“Tự tôi cũng thấy mình nhục và ngu cùng cực. Biết đâm đầu vào chỗ chết mà cứ đâm!” – An kể thật ra khi chủ nợ nhả tiếp cục tiền sau cho mình là lúc cục gốc tiền trước đã trả gần xong hoặc xong rồi và chỉ còn kẹt ở lãi suất khủng khiếp.
Một trong nhiều khoản vay của An như cục 200 triệu đồng lãi 20% thì chỉ cần anh ta trả góp vài tháng, chủ nợ đã thu đủ vốn, nhưng do lãi quá cao (và còn nhiều khoản vay khác) nên An không thể nào trả nổi dứt nợ. Một hôm tay chủ nợ là Khánh “bê” ở Bình Chánh gằn giọng nói: “Tui cho ông vay cục mới để xử dứt cục cũ”. Bí quá, An phải gật đầu và thế là “chết đuối” với món nợ sau trả nợ trước!
“Anh nợ tổng cộng bao nhiêu tiền, bao nhiêu chỗ?” – tôi hỏi. “Hiện giờ thì còn 9 cục, tổng cộng hơn 3 tỉ đồng, còn trước đây thì không nhớ” – An cho biết mình nợ “9 cục”, tức là 9 khoản nợ ở năm chủ nợ khác nhau. Ai có thể tin được vợ của một giám đốc công ty trực thuộc tập đoàn lớn lại đang “chạy sô” lau dọn nhà cửa cho ba gia đình mỗi ngày để kiếm tiền chợ và đóng học phí cho con.
Tự sát vì nhục và cùng đường
Thật ra, với mức tổng thu nhập từ lương, thưởng của An hơn 100 triệu đồng hiện nay thì khoản nợ hơn 3 tỉ còn lại không phải quá khó nếu đó là nợ ngân hàng, thậm chí nợ bên ngoài với mức lãi suất vừa phải. Vấn đề nghiêm trọng là số tiền này chỉ bằng một phần rất nhỏ mà anh ta đã kiệt cùng vay nợ khắp nơi và tái đi tái lại suốt 20 năm qua.
Nợ này chưa dứt thì nợ khác lại tròng vào cổ. Ngoài tiền lương làm được bao nhiêu chảy thẳng vào tay chủ nợ, anh ta còn được cha mẹ “giải cứu” đến bốn lần với gần 6 tỉ đồng trả nợ.
Đến lần thứ năm thì căn nhà duy nhất của cha mẹ An cũng phải bán để cứu con. Ông bà không thể còn bình tĩnh khi cháu mình, tức con nhỏ của An tự dưng bị kẻ nào đó chụp cả bộ hình đường đi học và cổng trường để gửi về nhà kèm lời đe dọa: “Mày trả nợ hay muốn con mày phải trả nợ thay?”.
An đã hai lần tự sát bằng treo cổ và cắt tay nhưng không chết khi chuyện nợ nần bị bung bét. “Tôi tìm cái chết khi cùng đường, nhục nhã và không muốn làm khổ lụy cha mẹ, vợ con nữa. Gia đình họp mặt nói rằng nếu không có cháu nhỏ thì đã đuổi tôi ra khỏi nhà và từ mặt vĩnh viễn. Còn mấy anh chị thì tuyên bố mai mốt cha mẹ chết, sẽ không cho tôi về thắp nhang vì tôi là đứa con đại bất hiếu” – An tâm sự thêm bên gia đình vợ thì chửi mình là “thằng chồng, thằng cha bất nghĩa, bất nhân” vì chỉ biết làm khổ vợ, khổ con.
Mới đây, An đã leo lên sân thượng chung cư mình ở định tự sát nữa nhưng vợ và con gái phát hiện, ngăn cản kịp. Vợ An nói rằng nếu anh ta chọn đường chết để “rửa nợ và rửa nhục thì ráng đợi con lớn thêm chút nữa”…
Vợ lạy lục xin giảm lãi nợ cho chồng!
Hiện người đàn ông cùng đường vì cờ bạc, cá độ đá banh và nợ nần này đã tạm không còn nghĩ quẩn, nhưng vẫn chưa biết cách nào để trả hết nợ. Số tiền hơn 3 tỉ đồng anh ta đang vay chỉ có một ít là nợ ngân hàng, còn lại đều là nợ bên ngoài với mức lãi suất từ 18-25%/tháng. Toàn bộ thu nhập từ công ty của An đều dành cho trả nợ mà còn chưa đủ trả lãi. Vợ An hôm rồi phải đi lạy lục, khóc lóc với mấy mối nợ lớn để xin giảm lãi cho chồng nhưng vẫn không được!
Chỉ 5 triệu, 10 triệu đồng giải quyết việc khẩn mà nhiều công nhân, người nghèo phải bỏ trốn biệt tích vì dính tới kẻ cho vay nặng lãi.
Kỳ tới: Bỏ trốn vì bẫy nợ