27/12/2024

Bác sĩ nhãn khoa chỉ mẹo chữa lẹo mắt hiệu quả

Bác sĩ nhãn khoa chỉ mẹo chữa lẹo mắt hiệu quả

Tiến sĩ Amy Lin, bác sĩ nhãn khoa tại Đại học Utah (Mỹ), cho biết lẹo mắt (mụt lẹo) là vết sưng đỏ, đau trên mí mắt và mọi người đều có thể bị mụt lẹo.
Không nên nặn mụt lẹo, vì sẽ làm cho nó bị viêm nhiều hơn và bệnh sẽ nặng hơn. Hãy để yên trong khoảng 2 - 3 tuần, chỉ đắp gạc ấm để đẩy nhanh quá trình chữa bệnh /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Không nên nặn mụt lẹo, vì sẽ làm cho nó bị viêm nhiều hơn và bệnh sẽ nặng hơn. Hãy để yên trong khoảng 2 – 3 tuần, chỉ đắp gạc ấm để đẩy nhanh quá trình chữa bệnh  ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Điều gì gây ra lẹo mắt?

Các tuyến dầu trong mí mắt bị nhiễm trùng là nguyên nhân gây ra mụt lẹo. Những tuyến dầu này có nhiệm vụ ngăn nước mắt bay hơi quá nhanh và làm khô mắt, nhưng những tuyến này cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn.
Có một loại vi khuẩn đặc biệt dẫn đến nhiễm trùng – Staphylococcus aureus. Theo tiến sĩ Tina Singh, từ Trung tâm Mắt Duke (Mỹ), đây là một trong những vi khuẩn phổ biến nhất trên da, mí mắt và lông mi, làm tắc nghẽn tuyến dầu, theo Insider.

1. Vệ sinh kém

Dụi mắt khi chưa rửa tay. Tay chứa rất nhiều vi khuẩn và dễ lây nhiễm cho mí mắt và lông mi, tiến sĩ Singh cho biết.
Vệ sinh kính áp tròng không đúng cách cũng có thể là nguyên nhân, vì vậy nên vệ sinh kính áp tròng hằng ngày. Không nên đeo kính áp tròng khi ngủ vì vi khuẩn thích môi trường ẩm ướt, theo Insider.

2. Chất clo hoặc mồ hôi

Nên rửa mí mắt sau khi ra khỏi bể bơi, tiến sĩ Singh nói, vì có những vi khuẩn kháng clo có thể gây nhiễm trùng mắt. Nếu bị đổ mồ hôi do tập thể dục, nên rửa mí mắt sau khi tập, vì mồ hôi có thể làm tắc nghẽn tuyến dầu của mí mắt và dẫn đến nhiễm trùng.

3. Trang điểm

Lông mi giả thu hút rất nhiều bụi bẩn và vi khuẩn, có thể làm tắc nghẽn các tuyến dầu. Trang điểm mắt cũng vậy, có thể dẫn đến nhiễm trùng tuyến dầu và gây ra mụt lẹo. Nên thay thế bộ trang điểm mắt 6 tháng một lần để tránh sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh mắt.

4. Bệnh về da

Viêm da tiết bã nhờn cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bệnh viêm da mạn tính này có thể dẫn đến sưng mí mắt và tiết dịch nhờn.

5. Bệnh khác

Viêm mí mắt có thể làm tăng nguy cơ phát triển mụt lẹo. Viêm mí mắt làm chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, đỏ mắt và có thể gây ra mụt lẹo. Những người mắc bệnh tiểu đường dễ bị nhiễm trùng hơn và có nguy cơ bị mụt lẹo cao hơn, theo Insider.

Mẹo chữa lẹo mắt

Nếu đã bị lẹo mắt, sẽ rất dễ bị tái phát. Nên dùng thuốc mỡ kháng sinh, thuốc nhỏ mắt, thuốc viên hoặc thậm chí là tiêm steroid, theo Phòng khám Cleveland (Mỹ).
Để ngăn không bị lẹo mắt, phải vệ sinh mí mắt đúng cách.
Nên rửa mí mắt bằng dầu gội trẻ em – ít gây hại cho mắt hơn và nước ấm để làm sạch dọc theo mí mắt – nơi mụt lẹo có thể hình thành.

Các bác sĩ nhãn khoa chỉ mẹo sau:

Cách tốt nhất là đắp miếng gạc ấm lên mí mắt, độ ấm khiến các tuyến dầu tiết ra một cách tự nhiên, theo Insider.
• Lấy miếng gạc sạch, ngâm trong nước nóng. Vắt ráo.
• Đắp lên mí mắt trong 10 – 15 phút. Làm ấm miếng gạc lại bằng cách nhúng vào nước nóng.
• Đắp từ 3 – 5 lần một ngày
Lưu ý: Không nên nặn mụt lẹo, vì sẽ làm cho nó bị viêm nhiều hơn và bệnh sẽ nặng hơn. Hãy để yên trong khoảng 2 – 3 tuần, chỉ đắp gạc ấm để đẩy nhanh quá trình chữa bệnh.
Mụt lẹo thường tự lành, tiến sĩ Singh lưu ý, nên đi khám bác sĩ nếu gặp vấn đề về thị lực. Mặc dù mụt lẹo không ảnh hưởng đến nhãn cầu, nhưng nó có thể gây sưng và hạn chế thị lực, theo Insider.

Thiên Lan

Nguồn Insider

 

TNO