23/01/2025

Tuổi Trẻ tư vấn tuyển sinh tại 17 tỉnh, thành

Tuổi Trẻ tư vấn tuyển sinh tại 17 tỉnh, thành

Trong năm 2020, báo Tuổi Trẻ tổ chức các chương trình và ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại 17 tỉnh thành trên cả nước, bắt đầu từ ngày 13-6 đến 19-7.

 

 

Tuổi Trẻ tư vấn tuyển sinh tại 17 tỉnh, thành - Ảnh 1.

Học sinh Bà Rịa – Vũng Tàu tại chương trình tư vấn tuyển sinh 2020 ở tỉnh này sáng 13-6 – Ảnh: DUYÊN PHAN

“Chủ nhân của Bà Rịa – Vũng Tàu tương lai dứt khoát phải được học hành đàng hoàng, được đào tạo chuyên sâu và đi vào các lĩnh vực tỉnh đang cần”.

Đó là lời nhắn nhủ của ông Nguyễn Hồng Lĩnh, bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, với 3.000 học sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2020 của báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức tại tỉnh này sáng qua 13-6.

Đây là địa điểm khởi động của chương trình tổ chức trên 17 tỉnh, thành cả nước.

Quả ngọt học hành

Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, chương trình thu hút gần 3.000 học sinh từ 21 trường THPT ở tỉnh. Chuẩn bị cho chương trình, học sinh Trường THPT Châu Thành đã làm tiểu phẩm “Cây nghề nghiệp” nhằm gửi đi thông điệp là hãy chọn ngành theo đam mê của mình và chăm chỉ học hành sẽ mang lại quả ngọt.

Ngoài những câu hỏi về kỳ thi, học sinh Bà Rịa – Vũng Tàu còn quan tâm đến những ngành như năng lượng tái tạo, tự động hóa và những ngành thiên về kỹ năng ngoại ngữ…

Ông Vũ Văn Hà, phó vụ trưởng Vụ Pháp chế – thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), nhắn gửi hiện có rất nhiều con đường để đi đến thành công, không phải chỉ có vào ĐH. Hệ thống tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp với khoảng 2.000 cơ sở, trong đó có 400 trường CĐ và 400 trường trung cấp, năm nay cũng ổn định, không có gì thay đổi.

Đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THPT theo hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi và xét tuyển. Luật giáo dục có hiệu lực từ 1-7 mở thêm nhiều cơ hội cho học sinh khi chưa hoàn thành tốt nghiệp THPT được tiếp tục học nâng cao trình độ.

Tuổi Trẻ tư vấn tuyển sinh tại 17 tỉnh, thành - Ảnh 2.

Thầy Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, lắng nghe và giải đáp thắc mắc của học sinh tại Bà Rịa – Vũng Tàu sáng 13-6 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Hỗ trợ sinh viên nghèo ra sao?

Cũng tại buổi tư vấn, nhiều học sinh quan tâm tới mức học phí mới các trường vừa công bố. Một nữ sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) cho biết bạn dự định thi Trường ĐH Y dược TP.HCM, nhưng hiện nay trường tăng học phí quá cao nên không đủ khả năng theo học.

“Nhà trường có các hình thức nào để hỗ trợ sinh viên nghèo như cấp học bổng để giảm bớt gánh nặng học phí cho người học?” – nữ sinh này thắc mắc.

Bà Đỗ Thị Bích Thủy – cán bộ phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho biết trường đã công bố bốn loại học bổng dành cho tân sinh viên khóa 2020. Đồng thời trường cấp học bổng cho sinh viên từ năm 2 đến năm cuối với hai loại học bổng là “Học bổng khuyến học” và “Học bổng vượt khó”.

Học bổng dành cho sinh viên trúng tuyển năm 2020 có 800 suất (15% tiền thu học phí), giá trị mỗi suất từ 25% đến 100% học phí năm học. “Hiệu trưởng nhà trường khẳng định sẽ không có học sinh giỏi nào thi đậu vào trường mà không học được vì nghèo” – bà Thủy nói.

Nên đăng ký bao nhiêu nguyện vọng?

Giải đáp những băn khoăn của nhiều học sinh về việc lựa chọn nguyện vọng đăng ký xét tuyển, ông Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho biết mặc dù thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng tất cả các nguyện vọng đều có giá trị như nhau.

“Điều này có nghĩa khi thí sinh đã đậu nguyện vọng 1 thì sẽ không được xét các nguyện vọng tiếp theo. Ngược lại, nếu rớt nguyện vọng 1 mới được xét tiếp các nguyện vọng tiếp theo đến khi trúng tuyển. Vì vậy, cần phải chọn ngành mình yêu thích nhất trước tiên. Theo tôi, mỗi em nên chọn 4 nguyện vọng là vừa đủ” – thầy Hùng khuyên.

Cô Nguyễn Hải Trường An – giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cũng cho hay những năm trước cho thấy rất nhiều thí sinh sợ rớt ĐH nên đã đăng ký hàng chục nguyện vọng, đến khi trúng tuyển vào ngành không yêu thích lại xin chuyển ngành nhưng không được trường giải quyết…

Tuổi Trẻ tư vấn tuyển sinh tại 17 tỉnh, thành - Ảnh 3.

Học sinh Quảng Trị tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh 2020 – Ảnh: Tấn Lực

Bất ngờ học sinh Quảng Trị

Đây là năm đầu tiên chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Quảng Trị. Vì là lần đầu tiên nên chương trình bắt đầu trong sự dè dặt của học sinh. Tuy nhiên, không khí bắt đầu nóng lên sau vài chục phút. Càng về cuối chương trình, số lượng câu hỏi gửi cho ban tư vấn càng dồn dập. Năm thành viên tổ tư vấn phải thay nhau liên tục trả lời cho học sinh.

Vấn đề được nhiều học sinh tại Quảng Trị quan tâm là xu hướng nghề nghiệp trong tương lai cũng như cách thức xét tuyển của các trường ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP.HCM. TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) – nói ông khá bất ngờ về không khí của chương trình tư vấn tuyển sinh tại Quảng Trị.

“Điều này chứng tỏ dù học sinh hiện tại có nhiều kênh thông tin trực tuyến để tham khảo kiến thức thi cử nhưng có nhiều vấn đề các em vẫn cần sự giải đáp trực tiếp của các chuyên gia tư vấn. Tư vấn trực tiếp vẫn có giá trị của nó trong thời đại thông tin” – ông Chính nói.

Tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh tại Quảng Trị có khoảng 2.000 học sinh trong tỉnh. Trong đó có hai trường ở khá xa trung tâm là Trường THPT Cam Lộ và Trường THPT Thị xã Quảng Trị. Hai trường này mỗi trường có 200 học sinh được các giáo viên đưa về điểm tư vấn.

Cô Nguyễn Thị Minh Châu – giáo viên Trường THPT Cam Lộ – cho biết toàn bộ học sinh lớp 12 của trường hiện có hơn 300 em. Vì điều kiện nên chương trình chỉ huy động được 200 em đến dự trực tiếp.

Ngồi ở ghế dành cho đại biểu, cô Châu chuẩn bị sẵn giấy bút. Cô chăm chú nghe các câu hỏi và câu trả lời của các chuyên gia tư vấn và ghi chép lại đầy đủ từ câu hỏi đầu tiên đến câu hỏi cuối cùng. “Phải ghi lại những thông tin này. Nhiều em không đến nghe trực tiếp được thì mình về phổ biến lại cho các em” – cô Châu nói.

* Ông Nguyễn Hồng Lĩnh (bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu):

Chuẩn bị hành trang để làm chủ

nguyenhonglinh-a 1(read-only)

Tôi vinh dự được đến dự Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp với các em học sinh, bởi các em chính là chủ nhân tương lai của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Các em biết là Thủ tướng vừa về làm việc với Bà Rịa – Vũng Tàu và khẳng định tỉnh không được phép nhận các dự án có hàm lượng chất xám kém mà chỉ được phép thu hút dự án đòi hỏi nhân lực chất lượng cao. Điều chắc chắn là chúng ta phải chuẩn bị hành trang để làm chủ vùng đất này. Không thể chấp nhận công dân ở đây nhưng không làm chủ. Muốn làm chủ phải lo học, có kiến thức để chuẩn bị tương lai tươi sáng.

Chủ nhân của Bà Rịa – Vũng Tàu tương lai dứt khoát phải được học hành đàng hoàng, được đào tạo chuyên sâu và đi vào các lĩnh vực tỉnh đang cần. Do vậy, học sinh của tỉnh cần xác định cho mình ngành nghề tương lai, nâng cao giá trị bản thân và hiệu quả phục vụ xã hội tốt hơn.

Địa phương này có bốn trụ cột kinh tế quan trọng các em cần quan tâm. Thứ nhất, ngành công nghiệp có khai thác dầu khí, hóa dầu và những ngành của hóa dầu (vải sợi nhân tạo, cao su nhân tạo), công nghiệp nặng, công nghiệp hàng xuất khẩu.

Thứ hai, tỉnh có cảng biển với 20km có thể đón tàu trọng tải lớn nhất thế giới lên tới 200.000 tấn. Đây là một trong 21 cảng toàn cầu đón được loại tàu đó, sẽ mở ra dịch vụ logistics hậu cầu sau cảng để thúc đẩy phát triển cảng biển. Cả phía Nam chỉ có cảng Cái Mép của Bà Rịa – Vũng Tàu mới có thể đón được loại tàu này, trở thành cửa ngõ quan trọng giao lưu kinh tế quốc tế.

Thứ ba, tỉnh đang phát triển mạnh mẽ ngành du lịch và đang cần nguồn nhân lực phát triển du lịch chuyên nghiệp lớn, giỏi ngoại ngữ để làm chủ các cơ sở du lịch cao cấp trong tương lai. Thứ tư là nông nghiệp công nghệ cao, tiết kiệm đất, nước, nhân công, ứng dụng công nghệ 4.0.

Ngoài bốn trụ cột kinh tế trên, tỉnh còn thúc đẩy, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tỉnh đang nỗ lực đào tạo đội ngũ làm giáo dục thật tốt, chăm sóc sức khỏe, hoạt động văn hóa và thể thao để chăm lo người dân.

Tôi hi vọng các em chọn cho mình một nghề tương lai để nâng cao giá trị bản thân và phục vụ xã hội ngày càng tốt hơn.

* Ông Phạm Xuân Thu (viện phó Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp):

Trả lương không dựa vào bằng cấp

phamxuanthu-a 1(read-only)

Tại một số nước trong khu vực, hiện các doanh nghiệp có xu hướng trả lương dựa trên vị trí việc làm và năng lực, kỹ năng của người lao động, không dựa vào bằng cấp như trước đây.

Đồng thời, hiện các hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc có thể giúp sinh viên tích lũy kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu người sử dụng lao động.

Hiện học sinh tốt nghiệp THPT có xu hướng chọn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học nghề. Các cơ sở sử dụng lao động có nhu cầu tuyển dụng người có kỹ năng nghề hiện rất cao.

Do đó, cơ hội việc làm đang rất tốt cả trong nước và nước ngoài.

* Bà Lê Thị Hương (giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị):

Định hướng tương lai cho học sinh

thuhuong-a 1(read-only)

Học sinh Quảng Trị hiếm khi được tiếp cận thông tin trực tiếp từ những chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp như thế này. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng có nhiều thay đổi. Không ít học sinh có những cân nhắc, băn khoăn về chọn trường, chọn ngành.

Ban tư vấn đã giúp học sinh những thông tin cần thiết về kỳ thi cũng như định hướng cho các em con đường tương lai phù hợp năng lực, sở trường.

Ngày mai 15-6, thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT

Trao đổi với học sinh về những điểm mới cần lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH năm nay, bà Hoàng Thúy Nga – chuyên gia tư vấn đến từ Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) – cho biết từ ngày 15-6 thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, cùng đăng ký xét tuyển ĐH.

“Về cơ bản, kỳ thi năm nay vẫn như các năm trước. Đề thi giảm độ khó so với năm 2019, nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 đã được Bộ GD-ĐT giảm tải. Kết quả thi sẽ được công bố trước 27-8” – bà Nga lưu ý.

Sáng nay 14-6, tư vấn tuyển sinh tại Bình Dương và Thừa Thiên Huế

Sáng nay 14-6, chương trình tiếp tục diễn ra tại Trường ĐH Thủ Dầu Một (số 6 Trần Văn Ơn, P.Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) và Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên Thừa Thiên Huế (57 Lâm Hoằng, P.Vỹ Dạ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Trong năm 2020, báo Tuổi Trẻ tổ chức các chương trình, ngày hội tại 17 tỉnh thành trên cả nước, bắt đầu từ ngày 13-6 đến 19-7. Tuần sau, chương trình sẽ diễn ra tại Quảng Nam (ngày 20-6), Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM (ngày 21-6).

Những tuần sau đó, chương trình sẽ tiếp tục đến với học sinh Tiền Giang, Cần Thơ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Kiên Giang, Bình Định, Phú Yên.

TRẦN HUỲNH – QUỐC NAM – ĐÔNG HÀ
TTO