20/11/2024

Sr. Elizabeth Gathoni, người đồng hành giúp người nhiễm virus HIV

Sr. Elizabeth Gathoni, người đồng hành giúp người nhiễm virus HIV

Tại Jamaica, nhận xét nghiệm dương tính HIV giống như là nhận bản án kết thúc tương lai, bởi sự kỳ thị của người khác, thậm chí của chính gia đình. Sr. Elizabeth Gathoni đã giúp cho người dân hiểu rõ về căn bệnh này và giúp thay đổi định kiến về người bệnh cũng như chính người bệnh.

Sr. Elizabeth Gathoni 36 tuổi, người Kenya, thuộc Dòng các Nữ Đức Mẹ Lên Trời của Nairobi (ASN), đang phục vụ tại Jamaica. Gần một năm nay, Sr. Elizabeth đã nhận thấy sự thay đổi to lớn trong cuộc sống của các bệnh nhân sida thuộc một nhóm hỗ trợ do sơ điều hợp trong Giáo phận Mandeville ở Quốc đảo Jamaica vùng Caribê.

Tại Dự án về HIV/SIDA của Dòng Nữ Đức Mẹ Lên Trời của Nairobi, dự án duy nhất thuộc loại này trong giáo phận, các bệnh nhân có những bối cảnh cuộc đời khác nhau, nhưng điểm chung là cuộc sống của họ đã trở nên vô cùng tồi tệ khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính với virus ở một quốc gia mà người nhiễm HIV vẫn bị kỳ thị dưới mọi hình thức. Sr. Elizabeth chia sẻ: “Ở đây tôi nhìn thấy loại kỳ thị chỉ được biết vào những năm 1990. Những người bị bệnh bị gia đình họ đuổi đi và chết đơn độc trong cô quạnh. Cuộc sống của người dân hoàn toàn thay đổi khi họ biết mình bị nhiễm virus. Các bệnh nhân nhiễm HIV không bao giờ muốn xuất hiện công khai. Đây là một thử thách khi yêu cầu họ chụp hình theo yêu cầu của những người tài trợ.”

Dự án của nhà dòng cũng giúp cho các bệnh nhân nhiễm HIV ở Naivasha, một tỉnh thuộc Giáo phận Nakuru, cách thủ đô Nairobi của Kenya 100 cây số. Tại Naivasha, hàng trăm gia đình đã thay đổi cuộc sống nhờ dự án của các nữ tu; họ đã nói về các nữ tu, những người mang lại cho họ hy vọng để sống sau khi gia đình ruồng bỏ họ khi họ nhiễm virus HIV cách đây 2 thập niên.

Sr. Florence Muia, người giám sát các hoạt động của cơ sở, lưu ý rằng nhận thức cộng đồng về người nhiễm HIV đã được cải thiện. “So với những năm 90 khi còn thiếu sự hiểu biết về HIV và sự kỳ thị còn rất nhiều, tôi phải thú nhận rằng bây giờ chúng ta đang ở một nơi tốt hơn. Nhưng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc.”

Sr. Florence kể về những ngày đen tối ở Kenya khi những người bị nhiễm HIV đối mặt với sự kỳ thị dữ dội nhất. “Trước khi tổng thống tuyên bố HIV là một thảm hoạ quốc gia, khoảng năm 1999, người dân thiếu hiểu biết về tình trạng này. Có rất nhiều sự từ chối đối với những người bị nhiễm bệnh và họ phải đối mặt với sự từ chối từ những người gần gũi với họ.” Người ta gọi những người nhiễm HIV và bị SIDA bằng nhiều tên như “thú vật”, “quái vật”. Họ nghĩ rằng căn bệnh này dễ lây làn và vì vậy họ nhốt những người nhiễm virus ở trong những ngôi nhà nhỏ và để họ chết ở đó.  Sơ cho biết rằng thách thức duy nhất mà đất nước phải đối mặt hiện nay là ngăn chặn sự lây nhiễm mới. Sơ cũng cho biết những người bị nhiễm bị cách ly ngay cả khi chết. “Khi những người nhiễm HIV chết, họ được chôn trong túi polythene. Mọi người lo sợ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các xác chết.”

Qua dự án của Sr. Elizabeth, các nữ tu không đối xử phân biệt với những người bị nhiễm virus và dần dần đã được các bệnh nhân tin tưởng. “Theo thời gian, các bệnh nhân đã đến để tìm hiểu về chương trình do Giáo hội Công giáo điều hành và cách chúng tôi đề cao sự khác biệt. Họ biết rằng họ có thể tìm thấy sự đón nhận ở đây.” Sr. Elizabeth đã tham gia chương trình vào tháng 09/2019 sau khi thực hiện các dự án công tác xã hội khác nhau.

Tại Mandeville, các nữ tu Dòng Đức Mẹ Lên Trời làm việc với 150 bệnh nhân HIV, còn được gọi là khách hàng, để cung cấp Chương trình Giáo dục Toàn diện về HIV/AIDS cho các bệnh nhân vẫn xem HIV là một điều rất lớn trong cuộc sống của họ. Các bệnh nhân tham dự các cuộc họp nhóm hỗ trợ hằng tháng, nơi họ chia sẻ kinh nghiệm của họ, với sự có mặt chỉ của những người hiểu được cuộc đấu tranh hằng ngày của họ. Sau đó, họ chia sẻ một bữa ăn và chia tay vào cuối cuộc họp với đủ thực phẩm cho họ trong nhiều tuần cho đến cuộc họp tiếp theo của họ.

Những người bị đuổi khỏi nhà vì nhiễm HIV được tái định cư trong những ngôi nhà mới được xây dựng thông qua chương trình do Sr. Elizabeth phối hợp với Sr. Helen Kisolo, một y tá phụ trách phòng khám nơi khách hàng đến điều trị.

Dự án cũng điều hành các dự án tạo thu nhập nhỏ bao gồm nuôi dê và gia cầm và cũng cho vay đối với những người quan tâm đến kinh doanh. Cho đến nay, dự án đã giúp 100 người bắt đầu chăn nuôi gia cầm trong khi 20 người đã được ghi danh cho dự án nuôi dê. Khoảng 10 người đã được tăng cường tài chính để bắt đầu các doanh nghiệp nhỏ.

Khi đại dịch virus corona bùng phát, Sr. Elizabeth thăm viếng các gia đình để phân phát thực phẩm cho các bệnh nhân, khi họ không còn tham dự các buổi họp định kỳ do lệnh cấm tập họp của chính quyền. Sơ di chuyển rất nhiều nhưng vẫn chưa thăm được một nửa các gia đình.

Di chuyển xa không phải là thách đố duy nhất. Sơ chia sẻ: “Ở vùng này của đất nước tình hình rất bất an, và nó có thể do việc sử dụng ma tuý. Hồi đầu năm, một số người đã lấy trộm xe của chúng tôi và tôi phải ở nhà 2 tháng, không thực hiện bất cứ hoạt động tiếp cận nào. Tôi chỉ tiếp tục công việc sau khi chúng tôi mua một chiếc xe khác vì bệnh nhân của tôi đến từ rất xa.”

Là người duy nhất phụ trách chương trình trong toàn giáo phận nên Sr. Elizabeth luôn phải di chuyển bất chấp những thử thách. Sơ nói: “Có những lúc tôi thực sự cảm thấy công việc ngập đến cổ và sau đó tôi nhớ rằng nhiều người chờ đợi tôi khi thức dậy mỗi ngày và nhắc nhở họ rằng cuộc sống của họ có vấn đề. Và theo kinh nghiệm làm nhân viên xã hội, tôi luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người.”

Hồng Thuỷ