26/12/2024

Game show nhí và nỗi lo về sự phát triển của trẻ

Game show nhí và nỗi lo về sự phát triển của trẻ

Không như hình ảnh lung linh trên sân khấu của các thí sinh nhí với những “tài năng” cần được chứng minh, hậu trường các cuộc tranh tài ấy lại là “cuộc chiến” của phụ huynh với những tiếng đập bàn, quát tháo…
Trẻ nức nở khóc khi biết mình bị loại /// CHỤP MÀN HÌNH, T.L
Trẻ nức nở khóc khi biết mình bị loại  CHỤP MÀN HÌNH, T.L

Bắt trẻ con “kiễng chân” làm người lớn

Một thí sinh 4 tuổi trong game show Biệt tài tí hon cất giọng với bản bolero “Vàng cây lá bay đôi tay ngây buồn mang suy tư về. Đầy đôi mắt nhung kiêu sa môi mềm tìm đến cơn mê…”. Những bé gái mới 7 – 8 tuổi mắt kẻ đậm, môi son đỏ sải bước với đường cong cố gắng tạo ra cho giống “model” trên sàn diễn chương trình Model Kid Vietnam. Ngày hôm trước, những huấn luyện viên tâng bốc “lên mây” giọng ca nhí, nhưng ngay sau đấy, có thể “loại” chúng khỏi cuộc chơi. Theo nhạc sĩ Thụy Kha: “Nhiều chương trình bắt trẻ con “kiễng chân” lên làm “người lớn”. Người ta không tính đến tâm lý của trẻ con chưa ổn định, cần phải rèn giũa, mà lại làm những danh hiệu như của người lớn”. Ông Kha còn nhấn mạnh: “Nhiều khi đó là cuộc thi của những ông bố, bà mẹ”.
Quả thực, theo tìm hiểu của chúng tôi, hậu trường của một game show mà đối tượng chính là thế hệ tiếp nối phát huy truyền thống nghệ thuật gia đình đã không ít lần vang lên những tiếng la lối nặng lời, đập bàn đập ghế của phụ huynh (có khi là cha nuôi, mẹ nuôi) khi thấy ban giám khảo chấm điểm thấp cho tiết mục con em mình, thậm chí còn giận dỗi gây áp lực với giám khảo, đòi bỏ thi… Ngoài ra, rất hiếm chương trình quay hình ngày cuối tuần mà hầu như đều xếp lịch quay dồn, nên các thí sinh nhí phải xin nghỉ học là chuyện thường. Chưa kể, chuyện mòn mỏi chờ đến lượt mình tới tận 2, 3 giờ sáng không còn lạ với những ai từng “thấm đòn dây thun” ở các trường quay.
Game show nhí và nỗi lo về sự phát triển của trẻ1

Trẻ con “hóa già” khi hát “nỗi niềm” quá sức, bắt chước động tác của người lớn

Kiệt sức tinh thần, rối loạn chức năng tâm lý

Nhạc sĩ Thụy Kha cho rằng không ít bố mẹ muốn con trở thành “siêu phàm” mà quên mất trẻ con cần được sống hồn nhiên. Bên cạnh đó, theo ông, nhiều nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế đang quá chú ý đến yếu tố lợi nhuận. Đạo diễn Việt Tú từng nhìn nhận nhà sản xuất chương trình luôn chịu áp lực tăng rating quảng cáo nhằm thu hồi vốn đầu tư. “Nó cũng giống thời trang thôi, hết quần ống loe thì chuyển sang mặc quần bó, miễn sao là tạo ra sự thu hút với người tiêu dùng”, anh chia sẻ.
Game show nhí và nỗi lo về sự phát triển của trẻ2
Không chỉ game show, gần đây, thế giới đã có những YouTuber nhí kiếm được hàng triệu đô la mỗi năm. Cùng với sự thành công của những YouTuber nhí “triệu đô” đó là những câu chuyện mặt trái, như bị cha mẹ bóc lột, lạm dụng kiếm tiền. Ở Việt Nam hiện bắt đầu bùng phát xu hướng trẻ em làm YouTuber (có thể kể đến những kênh quen thuộc như: Thơ Nguyễn, Chị Bí Đỏ, An An TV, Hau Hoang…).
“Quá trình trải nghiệm xã hội cũng như sự trưởng thành thật sự của các em về mặt tâm lý lẫn sinh học trong giai đoạn tuổi mới lớn vẫn chưa dừng lại và vẫn còn có sự dao động khá mạnh mẽ. Vì vậy, nếu cho phép các em tham gia vào hoạt động này (văn hóa giải trí: đóng phim, chơi game show, lập kênh YouTube…) mà không có sự đồng hành, gạn lọc từ người lớn có thể dẫn đến việc cản trở sự phát triển ở các em: lựa chọn giá trị không phù hợp, tổn thương tâm lý, hình thành những tính cách không thuận lợi cho việc kết nối xã hội, kiệt sức tinh thần, thậm chí dẫn đến các rối loạn chức năng tâm lý”, TS tâm lý – giảng viên Tô Nhi A nhìn nhận. TS Tô Nhi A cũng cho rằng: “Suy cho cùng, hào quang lớn nhất đối với trẻ là được sống, được chơi, được học một cách hết mình nhưng cân bằng, hạnh phúc”.
Từ lâu trên thế giới, câu hỏi chương trình truyền hình thực tế cho trẻ em là giải trí hay bóc lột những đứa trẻ nhiều lần được đưa ra. Chính phủ Mỹ đã xem xét lại các quy định về việc quản lý trẻ em biểu diễn. Báo New York Times trích dẫn báo cáo cho biết nhiều bậc cha mẹ được trả 25.000 – 50.000 USD/tập chương trình khi cho con tham gia. Nhiều ngôi sao như Drew Barrymore, Michael Jackson… cũng thường xuyên phải “đối phó” với sự nổi tiếng từ sớm.
Năm ngoái, các biên đạo múa Ấn Độ đã phản ứng với chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa cho trẻ em khi xuất hiện những hình ảnh phản cảm, trong đó nhiều em bắt chước, diễn lại động tác của vũ công “người lớn”. Bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình nước này đã đưa ra cảnh báo đài truyền hình phát sóng chương trình. Trung Quốc hiện đã yêu cầu hạn chế, kiểm soát kỹ những chương trình có trẻ em dưới tuổi thành niên tham gia…
Người ta chưa quên câu chuyện những đứa trẻ ở kênh YouTube Fantastic Adventures bị mẹ nuôi tra tấn, bỏ đói, không cho đi vệ sinh… khi không diễn theo đúng ý, quên kịch bản, bị bắt ép quay video… hồi năm ngoái. Cha mẹ của những đứa trẻ ở kênh YouTube Daddy O Five cũng đã bị kết án 5 năm tù treo và bị tước quyền nuôi 2 đứa con mà họ lôi vào những video không lành mạnh kiếm tiền trên mạng. (Ngọc An)
NGUYÊN VÂN – NGỌC AN
TNO