26/12/2024

Bé trai 5 tuổi chết nghi do bị nam sinh nghiện game ‘giấu’: Một căn bệnh mới đang bị lơ là?

Bé trai 5 tuổi chết nghi do bị nam sinh nghiện game ‘giấu’: Một căn bệnh mới đang bị lơ là?

Nghi phạm khai giấu bé trai 5 tuổi dẫn tới cái chết thương tâm là do ‘làm theo game’. Nếu lời khai ban đầu này là đúng, thì có thể thấy tác động khủng khiếp của game online, nhất là ở lứa tuổi học sinh.

 

 

 

Bé trai 5 tuổi chết nghi do bị nam sinh nghiện game giấu: Một căn bệnh mới đang bị lơ là? - Ảnh 1.

Học sinh chơi game, nghiện game hiện không còn là cá biệt – Ảnh: HÀ QUÂN

Việc nghiện game và gây nên những hành động phạm pháp, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng không phải lần đầu tiên ở nước ta mà đã từng có nhiều vụ việc đau lòng.

Từ hồ sơ những vụ án đến bệnh án của những đứa trẻ

Tháng 5-2019, một thanh niên xông vào Trường tiểu học Đồng Lương (Lang Chánh, Thanh Hóa) dùng dao đâm chém loạn xạ vào học sinh. Sự việc khiến một học sinh lớp 5 tử vong, 4 học sinh và 1 cô giáo bị thương. Điều tra của công an cho thấy thanh niên trên có biểu hiện nghiện game. Đối tượng không có việc làm, ít nói, nhốt mình trong phòng chơi game suốt ngày.

Năm 2018, một vụ án mạng xảy ra ở huyện Quế Phong, Nghệ An: một cậu bé 11 tuổi dùng dao chém vào đầu bạn gây tử vong. Sự việc xuất phát từ một nguyên nhân lãng xẹt: nạn nhân tranh luận với hung thủ về một nhân vật trong game dẫn tới xích mích.

Cũng năm 2018, hai học sinh 13 tuổi ở Thái Nguyên đã sát hại một người bà họ để cướp tiền chơi game.

Năm 2017, ở Mũi Né, TP Phan Thiết, hai thiếu niên 14 tuổi cùng chơi game trong một quán Internet và xảy ra mâu thuẫn. Một trong hai cậu thiếu niên đã rút dao đâm bạn dẫn tới tử vong…

Đây chỉ là một vài câu chuyện trong nhiều hồ sơ vụ án được cơ quan công an các tỉnh, thành phố lưu giữ.

Trong nghiên cứu về vấn nạn nghiện game ở thanh thiếu niên, PGS.TS Trần Thành Nam – chủ nhiệm khoa các khoa học giáo dục – Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – cho biết không riêng Việt Nam, thế giới cũng ghi nhận nhiều vụ án nghiêm trọng do trẻ vị thành niên gây ra dưới tác động tiêu cực của việc chơi game.

“Có những vụ án được hung thủ lấy ý tưởng từ game. Những trò chơi, hành động trên các game đã trở thành gợi ý cho nhiều đối tượng thực hiện các vụ bắt cóc, giết người dã man. Những kẻ phạm tội có ảnh hưởng từ game đều rơi vào trạng thái không phân định được thế giới ảo và thật.

Game thỏa mãn cho người chơi những điều không làm được ở ngoài đời thật như kết hôn, nuôi con, xây ngôi nhà mơ ước, hay trở thành vua, thành anh hùng, bắn giết, chiến thắng kẻ khác. Nhưng khi không dứt ra được thế giới ảo đó, người nghiện game có thể mất kiểm soát hành vi, cảm xúc ở cuộc sống thật”, PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.

Còn theo các bác sĩ ở các bệnh viện Nhi, Bệnh viện Tâm thần trung ương thì đã có nhiều trẻ ở lứa tuổi thiếu niên phải đến điều trị vì nghiện game. Trước đó, những bệnh nhân này cũng gây nên nhiều chuyện: bỏ học, đánh nhau gây thương tích cho bạn, ăn cắp, cướp giật…

Bác sĩ Tô Thanh Phương – Bệnh viện Tâm thần trung ương 1, kể về một bệnh nhân học lớp 6. Gia đình khá giả, cậu bé được chiều chuộng, trang bị thiết bị công nghệ đắt tiền như điện thoại thông minh, máy tính. Gia đình chắc mẩm rằng con sử dụng các thiết bị này vào việc học cho tới một ngày phát hiện con học sa sút, mệt mỏi, bỏ học thường xuyên… vì nghiện game.

Theo bác sĩ Phương, những bệnh nhân nghiện game nhập viện với thông tin như trên rất phổ biến. Điều đáng nói là từ biểu hiện sa sút học hành, sức khỏe, nói dối, ăn cắp tiền của cha mẹ… những đứa trẻ có biểu hiện nghiện game sẽ “tiến xa hơn”.

Theo bác sĩ Ngô Anh Vinh – khoa sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi trung ương, khi nghiện game trẻ có thể mắc chứng trầm cảm, lo âu, mất tự tin. Cũng vì thế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp nghiện game vào dạng rối loạn tâm lý, tương tự như bệnh lý trầm cảm hay tâm thần phân liệt, cần điều trị chuyên khoa giúp các “con nghiện” thoát khỏi ám ảnh tâm lý.

Bé trai 5 tuổi chết nghi do bị nam sinh nghiện game giấu: Một căn bệnh mới đang bị lơ là? - Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ, trong đó có không ít học sinh mê chơi game đến quên mọi thứ xung quanh – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ranh giới mong manh

Bác sĩ Nguyễn Tất Định – khoa tâm thần Bệnh viện 103, kể về một thiếu niên 16 tuổi nhưng trí tuệ, khả năng tương tác chỉ như trẻ 5 tuổi. Bố mẹ cậu bé ly hôn, người mẹ ngoài việc sắm máy tính cho con thì không có thời gian quan tâm, kiểm soát giờ giấc sinh hoạt của con. Cậu bé mải mê với game đã quên cả ăn, ngủ, kiệt sức, mất khả năng tương tác với mọi thứ xung quanh. Khi vào viện, cậu bé phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần nhẹ.

TS Trần Thành Nam cũng kể về một ca do ông đang hỗ trợ can thiệp tâm lý. Cậu bé được đưa đến nhà tâm lý với biểu hiện nghiện game rất rõ, chỉ có hứng thú khi dán mắt vào một game trên điện thoại. Ngoài việc đó, chỉ thấy ở cậu bé sự chán nản, mệt mỏi, vô cảm.

Gia đình cậu bé này có 3 người con, đều học giỏi. Cách đây không lâu, đứa con đầu tự tử vì bị trầm cảm nhưng bố mẹ không biết. Quá đau buồn và tự trách mình không quan tâm tới con, bắt con học nhiều nên mới xảy ra hậu quả, người mẹ đã thay đổi ứng xử với hai con còn lại, tạo điều kiện cho các con chơi nhiều. Cậu con út được trang bị máy tính và thả nổi trong việc chơi game. Kết quả, cậu bé bỏ bê học hành, cũng không thích giao tiếp với xung quanh, dành thời gian chủ yếu trong ngày chơi game..

Ranh giới của việc chơi game và nghiện game mong manh nhưng nếu lơ là, những đứa trẻ khi đã bước qua giới hạn sẽ chịu những tác động lớn.

Thế nào là nghiện game?

Luôn nghĩ về game, lúc nào cũng tìm cơ hội để chơi, sử dụng.

Cảm thấy bồn chồn, ủ rũ, khó chịu hoặc dễ bị kích thích khi giảm thời gian, không được chơi, không được sử dụng.

Sa sút học tập, giảm chất lượng công việc, mất các mối quan hệ có ý nghĩa do dành nhiều thời gian cho game, Internet, mạng xã hội.

Chơi game quá 6 tiếng/ngày.

Nghi phạm ‘giấu’ bé trai 5 tuổi thường cúp học chơi game

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 11-6, thầy Cao Thanh Tuấn – hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 4, Nghệ An (nơi nghi phạm Đ.N.H., 17 tuổi, theo học) – cho biết: “Chúng tôi rất bất ngờ và không nghĩ H. lại đem giấu cháu bé hàng xóm làm cháu chết là thực hiện theo trò chơi game online”.

Theo thầy Tuấn, H. chuyển vào trường từ giữa năm học lớp 10, có học lực trung bình và tham gia nhiều hoạt động ở trường lớp. Qua nắm bắt từ giáo viên chủ nhiệm, H. có biểu hiện “nghiện” trò chơi điện tử với các trò bạo lực, trinh thám.

Nhiều buổi học, H. cúp tiết trốn ra tiệm Internet chơi game online. Cô giáo chủ nhiệm đã khuyên nhủ nam sinh và thông báo cho gia đình biết nhưng H. vẫn “ngựa quen đường cũ”. (DOÃN HÒA)

Lừa tiền bố mẹ, giả chữ ký, cúp học… chơi game

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương (45 tuổi), Hồng Ngự, Đồng Tháp, chia sẻ từng khóc không biết bao nhiêu đêm vì 2 đứa con mê game. Hai anh em hơn nhau chỉ 1 tuổi, đứa anh mê game khi học lớp 8 rồi rủ luôn em chơi. Có giai đoạn, 2 anh em xin tiền chị rất nhiều, vẽ ra những khoản tiền nhà trường yêu cầu, nói dối thầy cô dạy thêm tăng học phí… nhưng lại lấy tiền đó vào các tiệm game.

“Mỗi tháng 2 đứa nó đòi thêm vài trăm ngàn, tôi thấy không lớn lắm nên cũng không sinh nghi. Nhưng rồi đến tháng nó đột nhiên đòi thêm tới 1 triệu, tôi bất ngờ đi tìm hiểu thì tá hỏa biết mình bị lừa gần nửa năm”, chị Hương nói.

Từ khi biết chuyện, chị Hương vừa dỗ ngọt, vừa dùng đòn roi nhưng 2 con vẫn chứng nào tật nấy. Chị kể có hôm 2 đứa còn nhân giờ chơi trốn khỏi trường vào tiệm game. Kinh khủng hơn, 2 đứa còn tự động viết đơn xin nghỉ học, giả chữ ký phụ huynh. Mỗi ngày chị chở 2 con đến trường nhưng chúng vào rồi lén trốn ra, cứ thế suốt một tuần thì bị phát hiện.

“Có lúc tôi muốn buông xuôi nhưng nghĩ lại tụi nó đang tuổi mới lớn, mình mà bỏ giữa chừng sau này chúng mất tương lai. Giờ tôi phải lập mạng lưới thép gồm gia đình, thầy cô, bạn bè của chúng để quản lý chúng, hễ có ai méc thấy chúng bước vào tiệm điện tử là tôi đến ngay”, chị Hương nói. (TRỌNG NHÂN)

VĨNH HÀ
TTO