24/12/2024

Tháng 4-2021, ‘rốn ngập’ ở đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập?

Tháng 4-2021, ‘rốn ngập’ ở đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập?

“Rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã được đầu tư máy bơm, triển khai dự án nâng đường nhưng mưa xuống vẫn ngập sâu.

 

Tháng 4-2021, rốn ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập? - Ảnh 1.

Ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM chiều 4-6 – Ảnh: LÊ PHAN

Rất nhiều cư dân sống trong khu vực cũng như người dân đi lại hằng ngày trên tuyến đường này đều ngán ngẩm tự hỏi: Bao giờ mới hết phải bì bõm?

Thi công ì ạch, dân còn bì bõm

Những ngày cuối tháng 5, TP.HCM bắt đầu những trận mưa với lượng mưa lớn, hàng loạt tuyến đường lặp lại “điệp khúc” đường biến thành sông. Tuổi Trẻ đã ghi nhận tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh trong những ngày qua và đều thấy hễ cứ mưa lớn là ngập.

Đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nặng nhất kéo dài khoảng 500m, có nơi ngập sâu hơn nửa mét do địa hình trũng, nước thoát không kịp. Có những trận mưa trút xuống giờ tan tầm khiến người dân đi làm về phải bì bõm lội nước. Nhiều người lắc đầu ngao ngán vì lỡ chạy vào khu vực ngập đành chôn chân tại chỗ, tới lui đều không được.

“Bình thường nơi đây cũng ngập lắm nhưng nước rút nhanh. Tuy nhiên gần đây đoạn đường này bị đào xới nên ngập sâu hơn, nước rất lâu rút. Trời mưa ai mà lỡ chạy vô chỗ ngập là chết máy chắc vì chỗ đó (dọc dạ cầu Nguyễn Hữu Cảnh hướng từ đường Điện Biên Phủ về cầu Thủ Thiêm) ngập sâu lắm” – chị Trang, một người bán quán nước tại khu vực, cho biết.

Để khắc phục tình trạng ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, từ tháng 10-2017, TP.HCM đã chấp thuận cho Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đầu tư dự án đặt máy bơm nước tại đây. Thế nhưng tình trạng ngập khu vực này vẫn diễn ra khi trời mưa. TP.HCM tiếp tục phê duyệt thêm dự án nâng một phần đường Nguyễn Hữu Cảnh để chống ngập.

Tháng 10-2019 dự án sửa chữa nâng cấp “rốn ngập” này với tổng mức đầu tư 472 tỉ đồng được khởi công do Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Theo giấy phép thi công của Sở Giao thông vận tải, dự án này sẽ hoàn thành trong vòng 14 tháng.

Thế nhưng qua nhiều lần kiểm tra, sở liên tục nhắc chủ đầu tư nhanh chóng triển khai vì dự án này đang ì ạch chưa biết khi nào xong. Nhiều đoạn dù đã được sở này cấp phép thi công nhưng việc thi công diễn ra ì ạch.

“Dự án này lãnh đạo TP.HCM rất quan tâm. Vì vậy việc triển khai thi công trên tuyến đường này cần phải làm tích cực, thi công cuốn chiếu để đảm bảo giao thông thuận lợi” – lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh công tác thi công.

Tháng 4-2021, rốn ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập? - Ảnh 2.

Tình trạng ngập thường xuyên diễn ra khi trời mưa tại đường Nguyễn Hữu Cảnh khiến người dân ngao ngán – Ảnh: LÊ PHAN

Tới tháng 4-2021 hết ngập?

Trước tình trạng thi công ì ạch trên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải đã đề nghị chủ đầu tư khẩn trương chấn chỉnh lại công tác tổ chức điều hành, rà soát lại năng lực đơn vị thi công để đẩy nhanh thực hiện dự án. Sở sẽ theo dõi và đánh giá định kỳ tiến độ từng hạng mục cụ thể.

Trả lời về việc dự án chậm tiến độ, ông Lương Minh Phúc – giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông – lý giải việc thi công nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh bị chậm vì đang chờ một dự án khác có cùng phạm vi thi công trên tuyến.

“Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh COVID-19 hoành hành, đơn vị vừa tổ chức thi công vừa chống dịch tại công trường. Ngoài ra một số công nhân xin tạm nghỉ về quê. Chính điều này đã dẫn đến tiến độ thi công các hạng mục công trình bị ảnh hưởng ít nhiều” – ông Phúc nói.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Phúc cho biết tới thời điểm này, các đơn vị đang chuẩn bị bổ sung đá, rải nhựa, nâng độ cao… và tăng khối lượng thi công cả ngày lẫn đêm từ cuối tháng 5 đến nay. Dự kiến đến ngày 2-9 sẽ được hoàn thiện cơ bản một số hạng mục trước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (đoạn từ cầu Văn Thánh đến đường Tôn Đức Thắng).

Ông Phúc cũng cam kết trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ toàn dự án bằng cách tăng quân số cho các mũi thi công trên công trường. Hiện dự án này có 7 mũi thi công, gồm 5 vị trí thi công cống thoát nước, 1 vị trí làm đường, 1 vị trí rào chắn xử lý cọc ở khu đất lún (trước tòa nhà The Manor). Theo ông Phúc, từ tháng 6-2020, đơn vị này đã tăng cường thêm 4 vị trí thi công để đẩy nhanh tiến độ công trình.

Riêng đoạn thi công trên đường Điện Biên Phủ, hiện có 2 công trình thi công song song với nhau (làm cầu cạn bảo vệ đường ống cấp nước 2.000 tại đầu đường D1 và thi công thoát nước trên đường Điện Biên Phủ – đoạn từ cầu Văn Thánh đến đường Nguyễn Hữu Cảnh) thuộc dự án nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Do đó để đảm bảo không gây kẹt xe trầm trọng trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh), ông Phúc cho biết ưu tiên thi công cầu cạn trước. Sau khi cầu cạn hoàn tất vào tháng 8-2020, việc thi công tiếp dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh mới tiếp tục xúc tiến mạnh hơn.

Theo ông Phúc, dự kiến toàn bộ dự án này sẽ hoàn thành vào dịp 30-4-2021.

Tháng 4-2021, rốn ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập? - Ảnh 3.

Dữ liệu: THU DUNG – Đồ họa: NHƯ KHANH

Đại công trình chống ngập 10.000 tỉ đồng “hẹn” tháng 10 vận hành

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 trên địa bàn TP.HCM với số vốn đầu tư gần 10.000 tỉ đồng, chống ngập cho khoảng 6,5 triệu người. Dự án được khởi công từ ngày 26-6-2016. Chủ đầu tư công trình trên là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 cho biết dự kiến tháng 10-2020 sẽ đưa dự án vào hoạt động.

929f22aeb31576b97339c9a212556251a 3(read-only)

Chủ đầu tư dự án cống kiểm soát triều Tân Thuận, TP.HCM hứa sẽ vận hành dự án này vào tháng 10 nếu mặt bằng được bàn giao sớm (ảnh chụp ngày 6-6) – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thế nhưng cho đến nay, dự án mới đạt hơn 78% khối lượng thi công công trình. Theo báo cáo, hiện nay dự án trên còn vướng việc bàn giao mặt bằng ở quận 4, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh. Lãnh đạo ba địa phương này cũng cam kết sẽ giải quyết và bàn giao cho chủ đầu tư mặt bằng để việc thi công không trì trệ, kéo dài thêm nữa.

Trong buổi làm việc với chủ đầu tư mới đây, ông Nguyễn Thành Phong – chủ tịch UBND TP.HCM – cũng đã chỉ đạo các quận, huyện liên quan phải vận động bà con để họ hiểu sự quan trọng của dự án và hợp tác. Đối với chủ đầu tư phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ vận hành dự án để chuyển giao lại cho TP dự án này.

Hà Nội còn 16 điểm úng ngập cục bộ

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội – cho biết ở khu vực nội thành hiện còn 16 điểm úng ngập cục bộ, trong đó có nhiều điểm úng ngập tồn tại nhiều năm nay.

Tại điểm úng ngập ở ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), nhiều năm qua khu vực này cũng chỉ triển khai được việc nạo hút bùn, khơi thông cống thoát nước trên các tuyến phố Phan Bội Châu, Lý Thường Kiệt, Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo.

Tương tự, các khu vực ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa, phố Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Thụy Khuê, đường Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy), Vũ Trọng Phụng cũng thường xuyên xảy ra ngập do mưa lớn. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những khu vực này vẫn bị ngập là do một số dự án thoát nước chưa hoàn thành đầu tư.

Với điểm ngập trên đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, nút giao An Khánh) thì chưa được đầu tư hệ thống thoát nước. Do đó khi trời mưa, việc thoát nước tại đây vẫn chủ yếu là đắp đập bằng bao tải cát, lắp bơm di động.

Theo ông Sơn, để khắc phục tình trạng úng ngập tại những khu vực trên, trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án nhằm khắc phục…

XUÂN LONG

Cần Thơ triển khai dự án kiểm soát ngập hơn 2.600ha vùng lõi đô thị

Ông Bùi Thái Thượng – phó giám đốc Ban quản lý dự án ODA Cần Thơ – cho biết đang triển khai dự án “Phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị” với tổng mức đầu tư hơn 322 triệu USD. Dự án này nhằm giảm rủi ro ngập lụt trong khu vực đô thị trung tâm Cần Thơ…

Một số hạng mục của dự án như công trình kè sông Cần Thơ, kè rạch Cái Sơn, cống ngăn triều trên đường Cách Mạng Tháng Tám… đang được thi công. Các hạng mục khác như cống kết hợp âu thuyền Hàng Bàng, cống kết hợp âu thuyền Cái Khế đang trong giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế.

“Khi dự án này hoàn thành sẽ tạo ra một hệ thống đê bao khép kín, bảo vệ 2.675ha vùng lõi thuộc quận Ninh Kiều và Bình Thủy. Tình trạng ngập lụt đô thị khi đó sẽ được kiểm soát” – ông Thượng cho biết.

LÊ DÂN

THU DUNG – LÊ PHAN – ĐỨC PHÚ
TTO