Khen và chê thế nào đề không gây tác hại cho trẻ?
Khen và chê thế nào đề không gây tác hại cho trẻ?
Khen và chê, rộng hơn là thưởng và phạt, đối với trẻ con có ý nghĩa như thế nào? Làm thế nào để khen con mà không khiến con ‘tự mãn’ và khi bị ‘chê’ con sẽ không tự ti, là rất khó.
Khen có lợi hay hại?
Thường thì ai cũng nghĩ khen là dễ, nhưng không hẳn là như vậy. Thường đứa trẻ luôn thích được khen hơn là bị chê, ngay cả người lớn cũng vậy. Nhưng để một lời khen mang lại lợi ích cho sự phát triển của đứa trẻ thì cha mẹ phải cực kỳ khéo léo.
Chắc chắn một lời khen sẽ rất lợi, nếu phù hợp với hành động, sự việc liên quan, đúng với hành vi, kết quả và đúng mức. Nhưng thế nào là đúng, thế nào là phù hợp và thế nào là đúng mức?
Đúng với hành vi là khi có cố gắng vượt qua khả năng cũng như yêu cầu bình thường với chúng. Đứa trẻ 3 tuổi tự xúc cơm ăn rất đáng khen, kể cả khi nó làm đổ hơn nửa bát cơm ra bàn. Nhưng nếu đã 4 tuổi thì đó là yêu cầu tối thiểu phải biết, không có gì để khen cả.
Khen thưởng đúng mức cũng quan trọng. Như đứa trẻ cố gắng tự xúc cơm ăn trên đây, một lời khen của bố mẹ có tác dụng động viên, khuyến khích việc cố gắng làm những việc nó có thể làm trước hết là cho chính nó. Nhưng nếu cả bố mẹ, ông bà đều hồ hởi vỗ tay, rồi tự hào đi kể đi kể lại,… thì là quá mức.
Khen ngợi quá mức sẽ dẫn đến việc đứa trẻ sẽ hành động chỉ để được khen, không phải điều đáng làm, nên làm hay cần phải làm. Khen thưởng không đúng có tác hại rất lớn, nó triệt tiêu động lực dành cho những việc làm đúng đắn.
Khen đã vậy, chê còn khó hơn
Khen thưởng là một dạng quà tặng. Mà quà cáp nói chung đúng việc, đúng người, đúng mức thì tốt. Nếu không đúng thì rất nguy hiểm. Trong một bộ phim truyền hình của Mỹ, một trùm băng đảng Mexico có nói một câu đáng suy nghĩ, đó là “quà cáp tạo ra nô lệ”. Một đứa trẻ được khen nhiều, được tung hô nhiều, có thể sẽ thành tự mãn, hoặc hình thành thói quen “làm việc đó là để được khen thưởng” chứ không phải làm vì một lý tưởng nào khác. Và lời khen tặng lúc đó đối với chúng sẽ trở nên “tất yếu”, không còn quý nữa.
Cái khó là ở chỗ không ai thích bị chê hay trách phạt. Phản ứng khi nghe lời chê thường là tiêu cực. Hơn nữa cũng như khen, việc chê cũng thường chủ quan và thiên vị. Chẳng hạn, cùng một hành động như đánh bạn chẳng hạn, nếu là con người khác thì cần trừng phạt, nhưng khi là con mình thì lại nghĩ “do nó còn bé và bị bạn xui thôi”.
Nhưng trách, phạt hay biểu lộ thái độ không đồng ý là điều cực kỳ cần thiết cho sự phát triển. Chúng ta không nên đồng tình với kiểu “yêu cho roi vọt”, nhưng không thể không có sự trách phạt với những hành vi sai trái. Cách thức có thể khác nhau, nhưng quan trọng vẫn là: đúng hành vi, đúng mức và không thiên vị.
Bên cạnh những lợi ích rõ ràng, việc trách phạt còn giúp đứa trẻ hiểu rằng nó không phải là “thượng đế” mà là một thành viên bình thường của xã hội. Qua đó nó cần học một trong những kỹ năng xã hội quan trọng: thoả hiệp. Điều đó đặc biệt quan trọng để cân bằng lợi ích khác nhau của những người khác nhau.
KHÚC TRUNG KIÊN
TNO