24/12/2024

Cẩm nang hữu ích về hoá văn Việt Nam

Cẩm nang hữu ích về hoá văn Việt Nam

Giới hạn ở việc phân tích hoa văn trên lĩnh vực mỹ thuật cổ truyền của người Việt nhưng cuốn ‘Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến’ xứng đáng là cẩm nang cần thiết cho những ai làm việc trong lĩnh vực văn hoá.

 

Cẩm nang hữu ích về hoa văn Việt Nam - Ảnh 1.

Một trang sách Hoa văn Việt Nam – Ảnh: Đ.Q.T.H.
…Nguyễn Du Chi chọn lựa đề tài Hoa văn Việt Nam như dấu ấn tổng kết cả quá trình nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam suốt mấy chục năm của mình. Đây là việc không dễ vì hoa văn chiếm tỉ lệ rất lớn trong số tư liệu lưu trữ được, cần phải có sự cảm nhận tinh tế và cần mẫn mới có thể đảm đương công trình này.

PGS Nguyễn Lương Tiểu Bạch (nguyên viện trưởng Viện Mỹ thuật)

Gần 40 năm nghiên cứu mỹ thuật, phó giáo sư Nguyễn Du Chi đã cùng đồng nghiệp góp phần xây dựng phòng trưng bày Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, làm báo cáo điền dã hàng trăm di tích, thực hiện mấy nghìn bản rập hoa văn họa tiết mỹ thuật cổ; thực hiện chụp ảnh, đo đạc về các kiến trúc, điêu khắc cổ sau đó chú thích tư liệu ảnh và tư liệu Hán văn trên văn bia để lập thư mục tra cứu di tích cho kho tư liệu của Viện Mỹ thuật.

Tâm huyết cả cuộc đời ấy của ông được thể hiện sinh động trong cuốn sách Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến (NXB Hồng Đức).

Sách dày gần 300 trang, có gần 600 hình minh họa, chia làm ba chương: Hoa văn thời tiền sử, Hoa văn thời sơ sử, Hoa văn nửa đầu thời phong kiến.

Ở mỗi chương, tác giả đều khái quát tình hình xã hội, bối cảnh lịch sử rồi mới đi sâu mô tả, phân tích các hoa văn, biểu tượng của nó trong xã hội, mối quan hệ giữa hoa văn đó với các nền văn hóa khác trong khu vực.

Các hoa văn được ông mô tả chi tiết, thể hiện trên đa dạng loại hình nghệ thuật của cuộc sống, từ công cụ lao động, đồ trang trí đến vật thiêng để thờ tự như: rìu đá, trán bia, trống đồng, đĩa gốm, gạch, mảng chạm trên đình làng, tượng…

Về hoa văn lấy từ đề tài hiện thực, theo ông, dù là đề tài hiện thực, các hoa văn vẫn có tính chất biểu tượng thâm thúy.

“Ví dụ cây trúc chẳng hạn. Cây trúc mình thẳng ngọn uốn cong la đà trước gió đẹp là thế nhưng người ta chạm trúc ở đây là biểu tượng cho người quân tử. Trúc mọc thẳng, lòng lại rỗng như tâm hồn của người quân tử, ngay thẳng trong sạch không vụ lợi.

Còn con chim bay lượn dành cho kẻ tiểu nhân, lòng dạ hẹp hòi… Bởi vậy không bao giờ được chạm con chim đậu trên cành trúc vì kẻ tiểu nhân không thể đậu lên người quân tử…”.

Rất tiếc là viết đến mục Hoa văn hình hoa mẫu đơn, tác giả đột ngột ốm nặng rồi qua đời vì bạo bệnh vào năm 2000. Cuốn sách vì vậy thiếu hẳn phần hoa văn từ thế kỷ 16 đến hết thời Nguyễn, nửa đầu thế kỷ 20.

Chỉ giới hạn ở việc khảo sát, phân tích hoa văn trên lĩnh vực mỹ thuật cổ truyền của người Việt nhưng cuốn sách xứng đáng là cuốn cẩm nang cần thiết, hữu ích cho những ai yêu thích và làm việc trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
TTO