‘Sống chung’ với ‘nỗi khốn khổ’ vảy nến sao cho không… trầm cảm?
‘Sống chung’ với ‘nỗi khốn khổ’ vảy nến sao cho không… trầm cảm?
Bệnh vảy nến gây các mảng màu đỏ, có vảy trên da rất khó che giấu, đặc biệt là vào mùa hè khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ, lo âu, sợ hãi. Về lâu dài, điều này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý họ.
Do đó, ngoài việc quan tâm đến sức khỏe thể chất, người bệnh cần được lưu ý đến sức khỏe tinh thần để hỗ trợ cho việc hồi phục và phòng ngừa tái phát, cũng như giúp người bệnh có một cuộc sống tươi vui, dễ chịu với bệnh.
“Thủ phạm” làm tăng nguy cơ trầm cảm
Bệnh còn gây những triệu chứng khó chịu khiến người bệnh dễ bị trầm cảm: ngứa ngáy, chảy máu, sưng, đau khớp (có tới 42% người mắc bệnh vảy nến bị sưng, đau khớp do viêm khớp vảy nến).
Không chỉ vậy, các triệu chứng này còn khiến người bệnh hạn chế hoạt động thể chất, ngại giao tiếp hay tránh tiếp xúc thân mật như quan hệ tình dục. Một nghiên cứu năm 2018 chỉ ra rằng hơn 60% người mắc bệnh vảy nến có thể gặp một số dạng rối loạn chức năng tình dục. Một nghiên cứu năm 2007 cũng cho thấy ít nhất 80% người bị bệnh vảy nến giảm năng suất làm việc, học tập.
Bệnh vảy nến còn ảnh hưởng đến hóa chất não của người bệnh. Cụ thể, các tế bào miễn dịch giải phóng các chất gọi là cytokine, làm cho các tế bào da phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành các mảng vảy, chúng cũng thay đổi mức độ hóa chất trong não ảnh hưởng đến tâm trạng người bệnh.
Cạnh đó, mọi người xung quanh có thể hiểu sai bệnh vảy nến là một bệnh truyền nhiễm và xa lánh, kỳ thị người bệnh. Các khảo sát cho thấy 1 trong số 5 người bị bệnh vảy nến đã phải đối mặt với sự kỳ thị và đôi khi họ cảm thấy không được chào đón vì bệnh này.
Tất cả những điều trên đều khiến người bị bệnh vảy nến dễ rơi vào trầm cảm. Mỗi người bệnh sẽ có những dấu hiệu trầm cảm khác nhau, tuy nhiên phần lớn họ có chung các dấu hiệu như: cáu gắt, mệt mỏi; thay đổi khẩu vị; không thể tập trung hoặc chú ý…
Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng trên, người bệnh nên gặp bác sĩ hoặc bác sĩ tâm lý để nhận được lời khuyên.
“Sống chung” với bệnh vảy nến
Hiện nay vẫn chưa có bất cứ loại thuốc nào điều trị dứt điểm bệnh vảy nến. Mọi phương pháp chữa bệnh chỉ là tạm thời kiểm soát sự tiến triển của bệnh. Bệnh dễ tái phát nhiều lần nếu người bệnh không kiểm soát sớm. Ngoài ra, việc điểu chỉnh lối sống cũng giúp hỗ trợ kiểm soát bệnh.
Điều trị tại chỗ
Nếu bệnh chỉ xuất hiện ở một vùng da nhất định, người bệnh sẽ được chữa trị tại chỗ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân tuyệt đối không được thay đổi thuốc cũng như phương pháp chữa bệnh. Thông thường, người bệnh sẽ sử dụng một số loại thuốc chữa trị bệnh vảy nến như:
Thuốc mỡ Salicylé: Đây là thuốc giúp làm bong lớp vảy nến có màu trắng trên da.
Thuốc mỡ Corticoid: Có tác dụng chống viêm, giảm đau và ngăn ngừa các tổn thương xuất hiện trên da. Tuy nhiên, người bệnh không được lạm dùng vì loại thuốc này có tác dụng phụ, dễ khiến bệnh chuyển biến nặng hơn.
Thuốc mỡ có Vitamin A: Loại thuốc này giúp ổn định các tế bào bị sừng hóa trên da, ngăn ngừa tình trạng khô da, ngứa ngáy ở da.
Các loại kem bôi: Giúp làm mềm da, ngăn ngừa hình thành các mảng bong tróc.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp quang trị liệu bằng tia cực tím (dùng tia UVB, UVA với bước sóng ngắn và dài giúp loại bỏ những mảng vảy nến trên da). Lưu ý liệu pháp này phải thực hiện đúng cách để tránh biến chứng hoặc tác dụng phụ có thể xảy ra, và chỉ áp dụng cho những trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ hoặc bệnh mới khởi phát.
Điều trị toàn thân
Khi bị vảy nến toàn thân, người bệnh sử dụng một số loại thuốc giúp kiểm soát bệnh như Soritane, Cyclosporin, Methotrexate, Tigasone… Những loại thuốc này có tác dụng nhanh trong việc điều trị bệnh, tuy nhiên lại có tác dụng phụ nếu người bệnh lạm dụng thuốc thường xuyên (gây rối loạn chức năng của gan, suy thận, giảm bạch cầu, quái thai…).
Riêng thuốc Corticoid thường được chỉ định cho những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến toàn thân ở mức độ nặng vì tác dụng vượt trội, song dễ gây biến chứng nếu dùng không đúng liều. Do đó, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của vảy nến
Để hạn chế diễn tiến của bệnh vảy nến, bạn nên duy trì các thói quen sinh hoạt sau:
Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ;
Báo bác sĩ về tất cả các thuốc đang sử dụng;
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên và hợp lý;
Giữ vệ sinh da;
Tái khám đúng hẹn;
Tránh nhiễm khuẩn;
Tránh để da tổn thương và khô;
Nên báo bác sĩ nếu có dấu hiệu nhiễm trùng: đỏ quanh vùng da bệnh, sưng mủ, đau hay sưng vùng da tổn thương; bệnh nặng hơn, hoặc xuất hiện tổn thương mới trong quá trình điều trị; thấy mụn mủ trên da, kèm sốt, kiệt sức hoặc đau cứng khớp.