19/11/2024

Kiến nghị nạp thẻ điện thoại trả trước phải nhập số CMND/thẻ căn cước/hộ chiếu

Yêu cầu người dùng điện thoại di động nhập số chứng minh nhân dân khi nạp thẻ. Đó là kiến nghị của thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông lên bộ trưởng, nhằm ‘cập nhật thông tin thuê bao’.

Kiến nghị nạp thẻ điện thoại trả trước phải nhập số CMND/thẻ căn cước/hộ chiếu

Yêu cầu người dùng điện thoại di động nhập số chứng minh nhân dân khi nạp thẻ. Đó là kiến nghị của thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông lên bộ trưởng, nhằm ‘cập nhật thông tin thuê bao’.

Tại Hội nghị tổng kết đợt thanh tra diện rộng về thuê bao di động trả trước ngày 4-6, thanh tra Bộ TT&TT đã đề xuất với lãnh đạo bộ giải pháp này nhằm hạn chế tình trạng SIM rác, thông tin thuê bao không chính xác. 

Theo đó, thanh tra bộ đề xuất trong một lần nạp thẻ cần yêu cầu chủ thuê bao nhập kèm số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu cùng ngày cấp để xác thực thông tin chủ thuê bao có chính xác hay không.

Khách hàng chỉ cần nhập số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu một lần khi nạp thẻ, nếu thông tin thuê bao đã chính xác thì những lần nạp tiền sau vào tài khoản sẽ diễn ra bình thường. Nếu thông tin chưa chính xác so với thông tin trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng, chủ thuê bao cần được thông báo đến điểm giao dịch của nhà mạng đó để cập nhật lại thông tin chính xác và mới được tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Theo thanh tra bộ, đây sẽ là một giải pháp hiệu quả để giảm tình trạng SIM rác. Trong đợt thanh tra diện rộng vừa qua, thanh tra Bộ TT&TT vẫn phát hiện tình trạng bán SIM rác của các mạng trên thị trường. 

Nguyên nhân của tình trạng này, theo thanh tra bộ, là do các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền thực chất là các hộ kinh doanh bán SIM, thẻ cào, điện thoại di động… trước đây được một doanh nghiệp khác thiết lập thành địa điểm kinh doanh trực thuộc.

Các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền đã lợi dụng quy định cá nhân, tổ chức có thể đăng ký sử dụng nhiều thuê bao để thực hiện các thủ tục đăng ký thông tin cho nhiều SIM rồi bán SIM đã kích hoạt trước; lợi dụng kẽ hở trong việc kiểm soát thông tin thuê bao đối với các thuê bao đăng ký theo doanh nghiệp, tổ chức, có doanh nghiệp đăng ký sử dụng nhiều nhất tới… 88.637 thuê bao di động.

Thanh tra cũng đã phát hiện các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền lợi dụng thông tin cá nhân của khách hàng đã đăng ký sử dụng dịch vụ trước đây để tiếp tục giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. 

Đồng thời, có tình trạng sao chép, trao đổi ảnh chụp chủ thuê bao, ảnh chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân giữa các chủ điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền để giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Thanh tra cũng nêu rõ tình trạng doanh nghiệp viễn thông chiết khấu trực tiếp cho các đại lý với mức chiết khấu cao cho phát triển thuê bao mới, dẫn đến các đại lý đăng ký và kích hoạt bán SIM rác.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Hữu Trí, phó chánh thanh tra Bộ TT&TT, cho rằng trong thời gian tới, các doanh nghiệp viễn thông cần tiếp tục nghiên cứu phát triển phần mềm AI nhận diện người sử dụng một cách thống nhất để góp phần hạn chế SIM rác.

“Đối với việc xử lý tin nhắn rác, các doanh nghiệp viễn thông cần tích cực vào cuộc hơn nữa nhằm đưa ra những giải pháp giải quyết một cách hiệu quả. Việc siết chặt SIM rác về thực chất mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp vì dư địa cho phát triển thị trường viễn thông không còn nhiều. Nếu các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến chi phí ngày càng lớn và lợi nhuận ngày càng giảm” – ông Trí nhấn mạnh.

T. HÀ

TTO