23/01/2025

Nhan nhản kênh YouTube hài bôi nhọ người dân tộc thiểu số

Nhan nhản kênh YouTube hài bôi nhọ người dân tộc thiểu số

Khi kênh YouTube A Hy TV với nhiều clip “dán nhãn” người dân tộc thiểu số là ngô nghê, kém văn hoá đã được rút đi thì nhiều kênh khác bôi nhọ cộng đồng này vẫn ngang nhiên tồn tại.
Nhan nhản kênh YouTube hài bôi nhọ người dân tộc thiểu số

Kiểu hài xúc phạm

Sau khi có văn bản đề nghị xem xét xử lý kênh A Hy TV của Ủy ban Dân tộc gửi Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT), kênh này đã gỡ rất nhiều nội dung hài. Đó đều là những nội dung đưa ra hình ảnh người dân tộc vừa ngô nghê vừa “ki bo”, mê rượu, hám gái, lạc hậu… Tuy nhiên, những nội dung đó lại được chuyển dần sang các kênh khác. Có thể dễ dàng xem lại được nhiều nội dung như Vợ ông chủ xây dựng phải lòng anh phụ hồ, Anh tộc đi đổi ngựa bạch lấy ngựa sắt, Cười sặc sụa khi xem anh chàng đi xe đạp bán kem mút… trên các kênh YouTube Mường Thanh TV, hay Trần Anh Tuấn…
Kênh YouTube Chị sóc đen có một nhóm nội dung hài liên quan đến người dân tộc thiểu số, chẳng hạn: A Phủ đi cày thuê gặp gái xinh và cái kết, Anh H’Mông đi bán kem gặp cô chủ tốt bụng, Giấu tiền thử vợ – A Phủ đi bán gà mất tích một nửa tiền và cái kết. Những clip này được ghi chú thích: hài miền núi hay nhất, hài dân tộc, phim ngắn hay…
Nhan nhản kênh YouTube hài bôi nhọ người dân tộc thiểu số1

Nhiều nội dung của kênh A Hy TV được chuyển sang kênh Mường Thanh TV và Trần Anh Tuấn

Một kênh YouTube khác là Dân tộc Việt Nam cũng có các clip hài liên quan đến người dân tộc thiểu số. Trong clip Vì vợ bỏ rượu của kênh này, 2 nhân vật chính người dân tộc được xây dựng là nát rượu. Một trong 2 anh này tìm cách ăn trộm gà của vợ giấu trong áo mang đi bán sau khi hai vợ chồng đánh chửi nhau.
LS Vlog lại là một kênh khác cũng có nội dung bám vào từ khóa “hài dân tộc”. Tại kênh này, người xem có thể chứng kiến những màn đấu khẩu qua lại tục tĩu giữa các cặp vợ chồng người dân tộc. Họ thậm chí còn mạt sát nhau về việc lấy nhau lâu rồi mà “có đẻ được đâu”.
Về vấn đề này, TS Mai Thanh Sơn, Viện Dân tộc học, cho biết: “Đó là một kiểu hài xúc phạm, “dán nhãn” người dân tộc thiểu số là lạc hậu, tham lam, nghiện rượu, mê gái, quan hệ tình dục bừa bãi, thiếu hiểu biết”.
TS Vi Văn An, Bảo tàng Dân tộc học, thì cho rằng không thể coi những nội dung như thế là hài, là vui được. “Người dân tộc thiểu số không thấy vui khi bị mang ra làm nhân vật như thế”, ông nói.

Bị ngoài lề hoá

Theo TS Nguyễn Công Thảo, Viện Dân tộc học, những nội dung hài như trên có nguyên nhân sâu xa là do nhận thức không đúng về người dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, nhiều người vẫn nghĩ rằng họ lạc hậu, thua kém người Kinh. Chính vì thế, mới có những khẩu hiệu kiểu “để miền núi tiến kịp miền xuôi”, hay để “thiểu số tiến kịp đa số”.
Nhan nhản kênh YouTube hài bôi nhọ người dân tộc thiểu số2
TS Nguyễn Công Thảo cho biết trong một khảo sát được thực hiện hồi năm 2013, những quan điểm định kiến như thế khiến nhiều cộng đồng bị ngoài lề hóa, tự tụt lùi so với người Kinh trên nhiều khía cạnh kinh tế, văn hóa và xã hội. “Khảo sát trên 2.196 người ở 7 tỉnh cho thấy: tỷ lệ người đánh giá người dân tộc thiểu số luôn cả tin là 57%, dễ lừa: 63%, lạc hậu: 63%, hay phá rừng và uống nhiều rượu: 80%”, TS Thảo cho hay.
Nhắc lại, về nội dung bôi nhọ hình ảnh người dân tộc thiểu số của kênh A Hy TV, văn bản Ủy ban Dân tộc cho rằng việc này đi ngược lại nội dung khoản 2 điều 5 Hiến pháp năm 2013: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”. Chưa kể, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, những tiểu phẩm như trên còn gây hiểu lầm về văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc thiểu số của Việt Nam.
Mặc dù vậy, cho tới nay vẫn chưa có một văn bản xử phạt nào được ban hành liên quan đến các nội dung chia rẽ đại đoàn kết dân tộc. Trong khi đó, theo TS Mai Thanh Sơn, hoàn toàn có thể xử phạt theo luật An ninh mạng.
Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ các nội dung dạng số được đưa lên YouTube hiện còn chưa rõ sẽ xử phạt theo quy định cụ thể nào. Chẳng hạn, tuy nhiều nội dung được gắn nhãn là phim ngắn, song theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, thì cục không có thẩm quyền để xử phạt. “Nếu có phạt và xử lý phải là thanh tra Bộ TT-TT phối hợp thanh tra Bộ VH-TT-DL”, ông Thành nói, đồng thời cho biết: “Sắp tới sửa đổi luật Điện ảnh cũng phải tính đến những việc như thế này dù nó thực sự phức tạp. Khả năng là luật Điện ảnh cũng khó “ôm” được mảng phim phát trên mạng”.
TRINH NGUYỄN
TNO