23/01/2025

Hậu COVID-19: Tương lai nào cho giáo dục trực tuyến?

Hậu COVID-19: Tương lai nào cho giáo dục trực tuyến?

Cho đến nay, giáo dục trực tuyến vẫn được xem như một loại hình không chính thống tại hầu hết các đại học. Nhưng đại dịch COVID-19 đã biến nó thành kế hoạch dự phòng, và còn hơn thế nữa.

 

 

 

Hậu COVID-19: Tương lai nào cho giáo dục trực tuyến? - Ảnh 1.

Dạy trực tuyến thời COVID-19 ở TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Minh Lê từ nước ngoài về sống ở ngoại ô Nha Trang đã gần 10 năm nay. Rảnh rỗi, cô dạy tiếng Anh cho các em nhỏ quanh nhà và học thêm qua mạng.

Dạy học trực tuyến không thể thay thế lớp học truyền thống hoàn toàn, bởi vì giao tiếp qua mạng có nhiều hạn chế. Ví dụ, không thể có đối thoại ngay, trực tiếp giữa người dạy và học viên được, trong khi đây lại là một trong những yếu tố quan trọng của đào tạo. Nó đã được sử dụng hàng ngàn năm nay, và sẽ còn được duy trì ít nhất là trong phần còn lại của thế kỷ 21.

Ông Nguyễn Trí Hiếu

Từ những khóa học ngắn

Cô cho biết: “Tôi bắt đầu học qua mạng khoảng 10 năm trước, đầu tiên với Coursera, sau đó là edX (Harvard và MIT chủ trương) và Future Learn (Anh). Với Coursera, khóa học mà tôi nhớ hoài là về lịch sử loài người với giáo sư Harari. Lúc đó thầy đã viết gần xong cuốn đầu tiên Sapiens – Lược sử loài người nên đem giảng trước cho chúng tôi.

Thầy khá trẻ, giọng nói điềm đạm, nhưng những gì thầy giảng là hết sức độc đáo và thuyết phục. Edx có hệ thống bài giảng và bài tập khá công phu và nghiêm túc, người học khi cần cũng phải làm bài viết và được hệ thống gửi cho ba bạn đồng học chấm điểm theo tiêu chí của giáo sư.

Tôi còn nhớ trong khóa học văn chương Anh với một giáo sư từ Đại học Pensylvania, đề của thầy yêu cầu phân tích một bài thơ của Emily Dickinson. Trong ba nhận xét trả về, có một người viết rất hay. Tôi lên diễn đàn làm quen và xin đọc bài văn của cô ấy, quả thật xuất sắc. Cô ấy cho biết mình là nội trợ, thời gian rảnh lên mạng học cho vui vì yêu thích văn chương.

Còn các khóa ở Future Learn cung cấp kiến thức và bài tập đơn giản hơn, dễ học và không đòi hỏi cao”.

Minh Lê nói thêm: “Hiện nay, edX và Coursera đều có các khóa học chuyên ngành cấp chứng chỉ với học phí khá rẻ so với khóa học truyền thống. Sinh viên và người đã đi làm có thể học các khóa này để nâng cao kiến thức và tăng giá trị bản thân, rất có ích nếu muốn có một việc làm tốt”.

Trên thực tế, việc học và dạy qua mạng ở một số đại học Mỹ đang trở thành chuyện thời sự bởi virus corona chủng mới hung hãn đã khiến nhiều lớp học phải đóng cửa. Việc học và dạy qua mạng sẽ còn được tiếp tục sau thời kỳ đại dịch COVID-19. Về mặt kinh tế, đó cũng là một cách để mở rộng “thị trường”.

Cũng nên biết, cách đây 40 năm, vào đại học ở Mỹ là việc không quá khó về mặt chi phí. Nhưng gần nửa thế kỷ qua, học phí ở các đại học Mỹ đã tăng vọt – trung bình đến 260%, hơn gấp đôi tỉ lệ lạm phát! Năm 2019 chẳng hạn, chi phí trung bình bốn năm học một đại học tư lên đến hơn 200.000 USD. Vào học bốn năm ở một đại học công, cũng phải tốn hơn 100.000 USD. Sinh viên quốc tế của các đại học Mỹ cũng phải thuộc tầng lớp khá giả, bởi phải trả học phí thường là cao hơn so với sinh viên quốc tịch Mỹ.

Đến lớp dài ngày

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng từ Mỹ về Việt Nam làm việc, nhận xét: “Nếu các đại học mở rộng con đường mới này – dạy trực tuyến, đó có thể sẽ là một chiến lược giúp tăng số lượng sinh viên, đồng thời kéo giảm chi phí. Cuối cùng, sẽ bảo vệ được… doanh thu, thậm chí tăng được doanh thu nữa; và mở rộng cả tầm ảnh hưởng”.

Theo tờ New York Times, tiềm năng của giáo dục trực tuyến vẫn còn ở phía trước, chờ được khai phá. Trong thời giãn cách xã hội, một giáo sư tại Trường Nghệ thuật Tisch thuộc Đại học New York đã hướng dẫn một khóa học về kịch nghệ cho phép sinh viên diễn xuất với nhau trong thực tế ảo bằng cách sử dụng tai nghe Oculus Quest. Một giáo sư âm nhạc tại Đại học Stanford cũng đào tạo sinh viên về sử dụng phần mềm giúp nhạc công ở nhiều nơi biểu diễn cùng nhau thông qua Internet.

Thật ra, đã nhiều năm rồi, một số đại học Mỹ đã cho phép giảng viên thực hiện một số lớp học trực tuyến, thông qua các nền tảng edX hoặc Coursera, mà cô Minh Lê có theo học. Theo ông Ngô Đức Hoàng – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (TP.HCM), trên thực tế đã xuất hiện một vài trường hợp đáng chú ý từ một số đại học danh tiếng phát triển theo con đường đào tạo trực tuyến.

Kể từ năm 2014, Georgia Tech, một đại học công nghệ tầm cỡ, đã tung ra khóa thạc sĩ trực tuyến về khoa học máy tính. Sinh viên chỉ phải tiêu tốn 7.000 USD, tương đương 1/6 chi phí của chương trình học tại giảng đường. Hiện nay, có gần 10.000 sinh viên theo học khóa này, biến nó thành khóa học về khoa học máy tính lớn nhất nước Mỹ.

Tương tự, kể từ năm 2015, Đại học Illinois đã tung ra khóa MBA – thạc sĩ quản trị kinh doanh trực tuyến học trong hai năm với chi phí 22.000 USD, tức chỉ chừng 1/5 chi phí sinh viên phải trả cho một trường kinh doanh “thường thường bậc trung” ở Mỹ.

Còn nhiều thách thức

Theo New York Times, để thực hiện những lớp trực tuyến, nhà trường phải định hướng lại các nguồn lực và cả hoạt động thường xuyên của mình. Sẽ phải trang bị công nghệ mới để bài giảng được gửi đồng thời cho sinh viên ngồi trong giảng đường cũng như sinh viên “ảo” trên toàn thế giới. Giảng viên sẽ cần được đào tạo về cách dạy sao cho hiệu quả một lớp học hỗn hợp – vừa trong giảng đường vừa qua mạng. Họ cũng phải được đào tạo cách soạn bài giảng kiểu mới.

NGỌC TRÂN
TTO