22/01/2025

Vì sao bệnh vảy nến là ‘nỗi khốn khổ của con người’?

Vì sao bệnh vảy nến là ‘nỗi khốn khổ của con người’?

Bệnh vảy nến là bệnh da tự miễn rất khó điều trị. Ngoài những biểu hiện trên da như tróc vảy, đỏ da, có mủ… vô cùng ngứa ngáy, khó chịu, mất thẩm mỹ, người bệnh còn phải chịu đựng tâm lý bị kỳ thị.

 

Vì sao bệnh vảy nến là nỗi khốn khổ của con người? - Ảnh 1.

Ngoài việc gây ngứa ngáy, khó chịu… vảy nến còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tâm lý của người bệnh, làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm – Ảnh minh họa: finance.yahoo.com

Bệnh thường tiến triển thành nhiều đợt. Hiện tại vẫn chưa có thuốc chữa trị bệnh vảy nến nhưng người bệnh có thể kiểm soát căn bệnh này bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày.

Bệnh vảy nến là gì? Có lây không?

Vảy nến là một căn bệnh da liễu mãn tính. Đây là bệnh lý được xem là “nỗi khốn khổ của con người”.

Một số tài liệu cho thấy vảy nến là căn bệnh tự miễn với sự gia tăng tốc độ sản sinh các tế bào da trên cơ thể. Những tế bào này nhanh chóng chồng chất lên nhau tạo nên các mảng da có màu trắng đục trên bề mặt da. Hệ miễn dịch sẽ nhanh chóng tấn công các tế bào da khỏe mạnh. Khi làn da không có sự cân bằng giữa việc sản sinh các tế bào với tiêu hủy các tế bào mới sẽ khiến người bệnh mắc phải bệnh vảy nến.

Theo thống kê, Việt Nam có số lượng bệnh nhân mắc bệnh vảy nến chiếm 5-7% trong số những người mắc bệnh da liễu.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, và có thể gặp ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng phổ biến nhất là ở da đầu. Một số bệnh nhân mắc bệnh vảy nến toàn thân sẽ khó chữa trị hơn.

Bệnh vảy nến không lây, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại rất dai dẳng, khó chữa trị dứt điểm và để lại nhiều di chứng.

Vì sao bệnh vảy nến là nỗi khốn khổ của con người? - Ảnh 2.

Vảy nến có thể xuất hiện theo từng khu vực nhất định hoặc toàn thân

Dấu hiệu bị bệnh vảy nến

Ngứa da: Thông thường, triệu chứng ngứa của vảy nến thường nhẹ. Tuy nhiên ở một số bệnh nhân triệu chứng ngứa có thể xảy ra dữ dội. Những cơn ngứa xuất hiện thường xuyên khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý.

Xuất hiện mảng trắng: Trên bề mặt da bị vảy nến có rất nhiều mảng trắng đục như những lớp vảy. Nếu cạy lớp vảy này sẽ thấy những lớp sừng chồng chất lên nhau. Các lớp vảy này rất dễ bị bong tróc.

Sẩn, mảng đỏ da: Đây là dấu hiệu vảy nến thường hay gặp nhất. Vùng da bị tổn thương, ửng đỏ. Tùy thuộc vào kích cỡ mà mảng đỏ nhiều hay ít. Lớp vảy trắng dường như bao phủ toàn bộ phần da đỏ.

Tổn thương khớp: Bệnh nhân mắc bệnh vảy nến có thể bị viêm khớp. Bên cạnh đó, có gần 20% người bệnh bị cứng khớp, biến dạng khớp, gây khó khăn cho việc đi lại.

Vì sao mắc bệnh? 

Di truyền: Nếu cha mẹ mắc bệnh vảy nến thì khả năng con cái cũng sẽ mắc phải căn bệnh này. Các thông tin cho thấy 29,8% bệnh nhân mắc bệnh vảy nến là do yếu tố di truyền.

Nhiễm khuẩn: Bệnh vảy nến có thể do một số loại virus có gen mã hóa ngược khiến hệ miễn dịch bất thường. Bên cạnh đó, các liên cầu khuẩn cũng gây nhiễm khuẩn ở da và gây bệnh.

Tâm lý bất ổn: Tình trạng căng thẳng, stress kéo dài sẽ gây kích ứng da và bùng phát bệnh vảy nến. Với những bệnh nhân mắc phải căn bệnh này nhưng lo lắng quá mức sẽ khiến bệnh chuyển biến nặng hơn.

Rối loạn nội tiết tố nữ: Phụ nữ bị vảy nến, mề đay, viêm da cơ địa… có thể do rối loạn nội tiết tố cơ thể. Tình trạng này có thể tiếp diễn nếu nội tiết tố không ổn định.

Chấn thương ngoài da: Một số chấn thương bên ngoài đã tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn tấn công và gây tổn thương nghiêm trọng đến da khiến người bệnh bị vảy nến.

Rối loạn hệ thống chuyển hóa: Những người bị rối loạn chuyển hóa đạm hoặc đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh vảy nến.

Sử dụng bia rượu thuốc lá: Một số chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá… có thể gây kích ứng da, hình thành vảy nến.

Tiếp xúc hóa chất: Các loại mỹ phẩm, sữa tắm, bột giặt… chứa nhiều hóa chất gây kích ứng da. Nếu người bệnh sử dụng thường xuyên có thể mắc bệnh vảy nến.

Béo phì, thừa cân: Đây cũng là một trong những nguyên nhân tác động gây bệnh vảy nến. Nếu bị tăng cân quá nhanh, bạn có nguy cơ mắc bệnh cao.

Nguy hiểm ở chỗ không chỉ bệnh ở da

Tuy là bệnh ngoài da, bệnh vảy nến lại ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng cuộc sống và có thể gây ra hàng loạt ảnh hưởng nguy hiểm như suy thận, suy tim, đột quỵ, huyết áp thấp…

1. Ảnh hưởng trên xương khớp

Viêm khớp do vảy nến xảy ra ở 10-30% bệnh nhân mắc bệnh vảy nến. Các triệu chứng của viêm khớp do vảy nến là:

Đỏ và sưng các khớp ở ngón tay, ngón chân, khuỷu tay, cột sống.

Các khớp bị đau và cứng, đặc biệt là vào buổi sáng khi thức dậy.

Những cơn đau xuất hiện nhiều ở gót chân, dây chằng bám xương, mặt trong của bàn chân và những nơi có gân.

Người bệnh bị giảm khả năng vận động, mệt mỏi.

Khi vảy nến phát triển nặng có thể dẫn đến viêm cột sống, đau vùng cột sống, xương chậu, viêm cột sống dính khớp gây ảnh hưởng đến dây chằng, khớp và gân ở cột sống.

2. Ảnh hưởng hệ tim mạch

Bệnh vảy nến có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch và tăng nguy cơ cao huyết áp. Một số nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh vảy nến có số lần lên cơn đau tim cao gấp 3 lần bình thường. Tỉ lệ người cao huyết áp ở người mắc bệnh vảy nến là 20% và mắc vảy nến thể nghiêm trọng là 47%.

Bên cạnh đó, một số thuốc được sử dụng để điều trị vảy nến có tác dụng phụ làm tăng cholesterol máu, tăng nguy xảy ra các ảnh hưởng tim mạch như đột quỵ, đau tim…

3. Ảnh hưởng nội tiết

Bệnh vảy nến làm tăng nguy cơ phát triển đái tháo đường type 2. Nguyên nhân do bệnh vảy nến có thể làm tăng nồng độ insulin trong máu, làm cơ thể đề kháng với insulin. Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tăng lên theo mức độ nghiêm trọng của vảy nến.

Bệnh vảy nến cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa khác như béo phì, tăng lipid máu, gan nhiễm mỡ…

4. Ảnh hưởng trên thận

Một số bệnh nhân vảy nến xuất hiện ảnh hưởng gây ra tình trạng suy thận. Ngoài ra, nếu bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc điều trị, điều trị không đúng theo hướng dẫn của bác sĩ thì nguy cơ tổn thương thận do thuốc là rất cao. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng tổn thương trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ thận tổn thương không hồi phục.

5. Ảnh hưởng thị lực

Nếu mắc bệnh vảy nến ở mí mắt có thể dẫn đến ngứa, nóng rát, khô mắt và rối loạn chuyển động của đồng tử. Bệnh vảy nến cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm màng bồ đào, viêm bờ mi, viêm kết mạc. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy giảm thị lực, thậm chí mù.

Bệnh vảy nến có chữa được không? Nếu lỡ mắc bệnh, làm sao để “sống chung” an toàn với nó? Mời đón đọc kỳ tới: ‘Sống chung’ với vảy nến

Ths.BS TẠ QUỐC HƯNG (Khoa Thẩm mỹ, Da liễu – BV ĐH Y dược)
TTO