22/01/2025

TP.HCM: Mỏi mòn ngóng tiền hỗ trợ

TP.HCM: Mỏi mòn ngóng tiền hỗ trợ

Đến nay, tại TP.HCM, một số đối tượng vẫn chưa nhận được tiền từ gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vì… ‘vướng đủ thứ’.
Người bán hàng rong thuộc nhóm lao động tự do được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ /// Ảnh: Ngọc Dương
Người bán hàng rong thuộc nhóm lao động tự do được nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội của Chính phủ  ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Đã hơn 1 tháng kể từ ngày điền thông tin vào tờ khai nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) bị mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Thu Hương (quê Bến Tre, tạm trú P.Thạnh Mỹ Lợi, Q.2, TP.HCM) vẫn chưa nhận được phản hồi nào của địa phương.

Hồ sơ được giải quyết còn rất thấp

Bà Hương làm việc cho một nhà hàng ở P.Thảo Điền (Q.2) từ giữa năm 2019; đến đầu tháng 3.2020, quán đóng cửa, bà mất việc làm. Ngày 21.4, Ban điều hành khu phố hướng dẫn vợ chồng bà Hương làm thủ tục để nhận hỗ trợ. Sau đó, phường thông báo yêu cầu nộp thêm giấy xác nhận chưa nhận hỗ trợ tại nơi thường trú. Bà Hương cũng về Bến Tre làm giấy xác nhận nhưng đến nay tiền hỗ trợ… vẫn chưa có.
Ông Trần Văn Tú (chồng bà Hương) cho biết thời gian qua chỉ nhận được hỗ trợ bằng hiện vật, như: mì gói, gạo… Bản thân ông Tú cũng bị mất việc do công ty thu hẹp quy mô, nhưng ông không làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần mà muốn tìm công việc mới rồi nối thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu sau này.
Cả hai vợ chồng cùng mất việc làm, cuộc sống trở nên khó khăn hơn bởi tiền nhà trọ, ăn uống hằng ngày không giảm. “Quan trọng là tiền hỗ trợ này phải kịp thời. Chờ kiểu này, nếu dịch bệnh vẫn còn thì khi nhận được tiền, chắc vợ chồng tôi cũng ngắc ngoải”, ông Tú ngao ngán.
Những trường hợp như bà Hương không phải hiếm, bởi theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đến ngày 28.5, trong số 7.040 NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động (LĐ) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, TP.HCM mới chi hỗ trợ cho 232 người. Tương tự, đối với NLĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không lương, TP cũng mới chi hỗ trợ cho 6.225/55.533 (11,2%) NLĐ. Còn đối với NLĐ tự do, toàn TP có gần 284.000 người nhưng mới chỉ có hơn 22.000 người (7,8%) được nhận hỗ trợ. Các quận huyện có tỷ lệ giải ngân thấp, như: Q.1, H.Nhà Bè…; riêng H.Hóc Môn và H.Bình Chánh chưa giải quyết cho trường hợp nào.
Tại Q.Bình Tân, mới có 9 NLĐ của 2 doanh nghiệp (DN) được nhận hỗ trợ; quận đang hướng dẫn 166 DN làm thủ tục cho gần 1.600 NLĐ nhận hỗ trợ. Đối với giáo viên, nhân viên trường mầm non và nhóm trẻ gia đình, quận đã chi hỗ trợ cho 179 giáo viên, nhân viên của 22 trường mầm non và nhóm trẻ gia đình; đồng thời đang thẩm định 211 hồ sơ khác. Dù có gần 15.000 NLĐ tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng số hồ sơ được giải quyết vẫn còn rất thấp.

Người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được công đoàn hỗ trợ 500.000 đồng

Ngày 28.5, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN cho biết cơ quan này vừa có quyết định về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, công đoàn sẽ hỗ trợ NLĐ bị mất việc, thiếu việc làm dẫn đến mất thu nhập, thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức lương cơ sở (1,49 triệu đồng/tháng), có hoàn cảnh khó khăn tại thời điểm xét hỗ trợ và không nằm trong đối tượng được nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, công đoàn cũng sẽ hỗ trợ những trường hợp đã được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 42 nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: LĐ nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 trở lên, hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi; NLĐ bị mắc bệnh hiểm nghèo đang được điều trị; đoàn viên có vợ, chồng, con, bố, mẹ già (đang ở cùng và phải nuôi dưỡng) bị bệnh hiểm nghèo; đoàn viên là người khuyết tật, người bị tai nạn LĐ chưa được hưởng trợ cấp; trường hợp đặc biệt khó khăn khác ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lao động, sức khỏe, đời sống…
Mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người (chỉ một lần). Thời gian được tính ảnh hưởng từ 1.3 – 31.5; thời gian chi trả trước ngày 30.7. Tiền chi từ nguồn tài chính tại LĐLĐ các tỉnh, TP; công đoàn ngành T.Ư và tương đương…
T.Hằng

Thủ tục nhiêu khê

Lý giải cho tiến độ giải ngân chậm, ông Đỗ Đình Thiện, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho rằng do người dân chậm kê khai. Theo ông Thiện, ban đầu nhiều người đăng ký danh sách nhận hỗ trợ, nhưng khi đưa các mẫu kê khai thì NLĐ nhận thấy không đáp ứng được các tiêu chí. “Khi hồ sơ nộp về quận, các phòng chuyên môn sẽ thẩm định và giải quyết từng ngày. Đối với hồ sơ không đạt thì quận có văn bản trả lời cho người dân”, ông Thiện thông tin.
Đại diện Phòng LĐ-TB-XH Q.3 cho biết điều kiện đóng BHXH đến hết tháng 3.2020 đang khiến nhiều NLĐ không tiếp cận được gói hỗ trợ. Nguyên nhân do DN gặp khó khăn nên chần chừ đóng BHXH, gây khó cho NLĐ khi làm thủ tục để được nhận hỗ trợ.
Lý giải về nguyên nhân, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, viện dẫn do DN chậm đối chiếu danh sách NLĐ bị ngừng việc, hoãn việc với cơ quan BHXH; thậm chí không đóng BHXH cho NLĐ dẫn đến số lượng hồ sơ giải quyết trên thực tế thấp hơn số thống kê ban đầu. Đối với chính sách hỗ trợ cho NLĐ tự do, ông Tấn cho hay nhóm đối tượng này phần lớn là LĐ chân tay, trình độ không cao nên hồ sơ đề nghị chưa đảm bảo; phải điều chỉnh nhiều lần, khiến thời gian giải quyết kéo dài. Mặt khác, phần lớn LĐ tự do đến từ các tỉnh, TP khác nên cần phải có xác nhận chưa nhận hỗ trợ của địa phương… Điều này cũng khiến người dân gặp khó.
Trong khi đó, TP.HCM có khoảng 30.000 giáo viên, nhân viên các cơ sở mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình nghỉ việc không lương nhưng chỉ có hơn 14.000 người đủ điều kiện. Đối với giáo viên, nhân viên chưa đủ điều kiện do chưa tham gia BHXH bắt buộc, Sở LĐ-TB-XH đề xuất UBND TP xem xét hỗ trợ luôn cho nhóm đối tượng này.

Không để người lao động phải chờ lâu

Liên quan đến phản ánh người dân nộp hồ sơ cả 2 tháng nhưng vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ, ông Lê Minh Tấn cho biết TP.HCM đã ủy quyền thủ tục chi hỗ trợ cho NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 về cho 24 quận, huyện. Do đó, các địa phương phải chủ động rà soát, xác định đối tượng để chi hỗ trợ, đảm bảo kịp thời, không để NLĐ phải chờ lâu.
SỸ ĐÔNG
TNO