22/12/2024

ĐTC Phanxicô: Hãy dạy các trẻ em biết làm dấu Thánh Giá

ĐTC Phanxicô: Hãy dạy các trẻ em biết làm dấu Thánh Giá

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng bất chấp tội lỗi lan tràn, có những người “có khả năng cầu nguyện với Thiên Chúa một cách chân thành, có khả năng viết số mệnh của con người theo một cách khác”. Và ngài yêu cầu dạy các trẻ em làm dấu Thánh Giá, “lời cầu nguyện đầu tiên”.

Sáng thứ Tư 27/05, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn tiếp tục buổi tiếp kiến chung trực tuyến từ Thư viện Dinh Tông Toà. Trong bài giáo lý, ngài nói về chủ đề lời cầu nguyện của những người công chính.

Đức Thánh Cha nhắc lại các chương đầu của Kinh Thánh với sự xuất hiện và lan rộng của sự dữ và tội lỗi trong thế giới con người. Dù chúng ta cảm thấy sự hiện diện của sự ác trên thế giới, nhưng kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người là tốt lành. Bên cạnh Cain ganh tị ác độc, có Abel, Sết, Ênốt và Nôê, những người khiêm nhường, chân thành cầu nguyện với Thiên Chúa. Những người công chính này là người kiến tạo hoà bình và họ cho thấy rằng lời cầu nguyện đích thực giải thoát khỏi khuynh hướng bạo lực; nó là cái nhìn hy vọng hướng về Thiên Chúa; nó có thể nuôi dưỡng sự sống mới thay cho sự khô cằn của hận thù.

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu, như những người công chính trong Kinh Thánh không ngừng cầu khẩn, hãy cầu nguyện để chính mình được biến đổi, vâng theo ý Chúa, và cầu nguyện cho thế giới, xin Thiên Chúa hoàn thành hoạt động biến đổi trái tim con người. Ngài cũng nhắc hãy dạy cho trẻ em cầu nguyện, trước hết là biết làm dấu Thánh Giá. Đức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau:

Tội lỗi lan tràn trong thế giới con người

Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người là tốt lành, nhưng trong cuộc sống hàng ngày chúng ta lại nhận thấy có sự hiện diện của sự dữ. Những chương đầu tiên của sách Sáng Thế miêu tả sự phát triển, lan rộng của tội lỗi trong cuộc sống con người. Ông Adam và bà Evà (x. St 3,1-7) nghi ngờ ý định nhân lành của Thiên Chúa, nghĩ rằng họ đang gặp một vị thần ghen tương, ngăn cản họ được hạnh phúc. Từ đó, họ nổi loạn: họ không còn tin vào một Đấng Tạo Hóa quảng đại, mong muốn họ được hạnh phúc. Tâm hồn họ chiều theo cám dỗ của kẻ xấu, bị ảo tưởng về sự toàn năng: “Nếu chúng ta ăn trái của cây, chúng ta sẽ trở nên giống Thiên Chúa.” (c. 5). Đây là cám dỗ, là tham vọng len vào tâm hồn. Nhưng họ đã gặp phải điều ngược lại: mắt họ mở ra và họ thấy mình trần truồng (xc. 7).

Sự dữ càng trở nên tàn phá hơn trong thế hệ con người thứ hai: đó là câu chuyện về Cain và Abel (x. St 4,1-16). Cain ghen tị với em mình; mặc dù là con đầu lòng, anh coi Abel là đối thủ, người đe doạ quyền trưởng tử của anh ta. Sự ác xuất hiện trong trái tim Cain và anh ta không thể chiến thắng nó. Sự ác bắt đầu đi vào tâm lòng, nhìn người khác với những ý tưởng xấu, nghi ngờ: “Tên này là người xấu, sẽ hại mình.” Và thế là câu chuyện về tình huynh đệ đầu tiên kết thúc bằng một vụ giết người. Tôi nghĩ về tình huynh đệ nhân loại ngày nay: chiến tranh ở khắp nơi.

Hậu duệ của Cain phát triển các nghề thủ công và nghệ thuật, nhưng cũng phát triển bạo lực, được thể hiện qua bài ca độc ác của Laméc, nghe như một bài thi ca báo thù: “Vì một vết thương, ta đã giết một người; vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng Laméc thì gấp bảy mươi bảy lần!” (St 4,23-24). Báo thù là thế này: bạn gây ra thì bạn phải đền trả. Nhưng quan toà không nói điều này, mà là tôi nói. Tôi biến mình thành quan tòa. Và thế là tà ác lan truyền như dầu loang, cho đến khi nó chiếm trọn bức tranh: “Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu.” (St 6,5). Các bức bích họa lớn về trận đại hồng thuỷ (chương 6-7) và tháp Babel (chương 11) cho thấy rằng cần có một khởi đầu mới, như một sáng tạo mới, sẽ được hoàn thành trong Chúa Kitô.

Lời cầu nguyện của những người công chính

Tuy nhiên, trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh, một câu chuyện khác cũng được thuật lại, ít nổi bật hơn, khiêm tốn và đạo đức hơn nhiều, đại diện cho sự cứu rỗi của hy vọng. Ngay cả khi hầu hết mọi người cư xử một cách tàn bạo, tạo nên thù hận, vẫn có những người có thể cầu nguyện với Thiên Chúa một cách chân thành, có khả năng viết lại số phận của con người theo một cách khác. Abel dâng cho Thiên Chúa của lễ hy sinh là những hoa trái đầu mùa. Sau khi Adam chết, ông Adam và bà Evà có người con thứ ba, đó là Sết, người sinh ra Ênốt, và Sách Thánh nói: “Lúc đó, người ta bắt đầu kêu cầu danh Đức Chúa.” (4,26). Sau đó, Khanốc ra đời; ông là một người “bước đi với Chúa” và được Thiên Chúa “bắt cóc” đưa lên thiên đàng (x. 5,22.24). Và cuối cùng là câu chuyện về ông Nôê, một người công chính đã “bước đi với Chúa” (6,9); qua ông, Thiên Chúa đã rút lại ý định xóa sổ loài người (x. 6,7-8).

Cầu nguyện giải thoát khỏi bản năng bạo lực, hướng về Thiên Chúa xin Người biến đổi trái tim chúng ta

Đọc những câu chuyện này, chúng ta có ấn tượng rằng cầu nguyện vừa là bờ đê vừa là nơi ẩn náu của con người trước làn sóng tràn đầy sự ác đang phát triển trên thế giới. Quan sát kỹ hơn, chúng ta cũng cầu nguyện để được cứu khỏi chính mình. “Lạy Chúa xin cứu con khỏi chính con, khỏi những tham vọng, đam mê của con.” Những người cầu nguyện trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh là những người hoạt động vì hoà bình: thực tế, khi lời cầu nguyện là đích thực, nó giải thoát khỏi bản năng bạo lực và nó là một cái nhìn chăm chú vào Thiên Chúa, xin Người quay lại chăm sóc trái tim của con người. Sách Giáo lý viết: “Phẩm chất cầu nguyện này được sống bởi vô số người công chính trong tất cả các tôn giáo.” (GLHTCG, 2569). Cầu nguyện vun trồng những bông hoa tái sinh ở những nơi mà lòng thù hận của con người chỉ có thể làm cho sa mạc lan rộng. Lời cầu nguyện có sức mạnh, bởi vì nó lôi kéo quyền năng của Thiên Chúa và quyền năng của Chúa luôn ban sự sống. Đó là Thiên Chúa của sự sống và làm cho tái sinh.

Đây là lý do tại sao vương quyền của Thiên Chúa đi qua những thế hệ con người nam nữ này, những người thường bị hiểu lầm hoặc bị loại ra ngoài lề trên thế giới. Nhưng thế giới sống và phát triển nhờ sức mạnh của Thiên Chúa được ban nhờ lời cầu nguyện của những người phục vụ Người. Họ là những con người không ồn ào, hiếm khi trở thành các tiêu đề, nhưng điều rất quan trọng là họ khôi phục niềm tin cho thế giới!

Hãy dạy trẻ em làm dấu Thánh Giá – lời cầu nguyện đầu tiên

Giải thích cho điều vừa nói, Đức Thánh Cha kể câu chuyện về một nhà lãnh đạo vô thần. Trong lòng ông không có cảm thức tôn giáo, nhưng ông đã nghe bà của mình cầu nguyện từ khi còn nhỏ và lời cầu nguyện đó đọng lại trong lòng ông. Rồi trong một thời điểm khó khăn trong cuộc sống, kỷ niệm đó trở lại trong lòng ông. Ông bắt đầu cầu nguyện như bà của ông và ông đã tìm gặp được Chúa Giêsu. Đức Thánh Cha nhận định: Lời cầu nguyện là một chuỗi cuộc sống. Nhiều người cầu nguyện và gieo rắc sự sống… Và ngài nhắc nhở: “Dạy cho trẻ em cầu nguyện là điều quan trọng. Tôi thấy đau lòng khi gặp các trẻ em và bảo ‘con hãy làm dấu Thánh giá’ và các em không biết làm. Hãy dạy các em làm dấu Thánh giá, đó là lời cầu nguyện đầu tiên. Có thể các em sẽ quên, sẽ đi theo con đường khác. Nhưng điều đó lưu lại trong lòng các em, bởi vì đó là hạt giống sự sống, hạt giống đối thoại với Thiên Chúa.”

Hành trình của Thiên Chúa trong lịch sử đã đi ngang qua họ: nó đã đi qua một “phần còn lại” của loài người, những người không khuất phục trước luật lệ của kẻ mạnh nhất, nhưng cầu xin Thiên Chúa thực hiện các phép lạ của Người, và trên hết là biến đổi trái tim bằng đá của chúng ta thành trái tim bằng thịt (x. Ed 36,26). Và điều này giúp cho việc cầu nguyện, bởi vì cầu nguyện mở lòng ra với Thiên Chúa, biến đổi trái tim cứng cỏi của chúng ta thành trái tim con người.

Hồng Thuỷ