23/01/2025

8 sự thật về đại tiện mà nhiều người ngại nói

8 sự thật về đại tiện mà nhiều người ngại nói

Việc ‘giải quyết nỗi buồn’ của bạn có bình thường không? Nhiều người tránh nói đến vấn đề này, nên thường chỉ hiểu một cách mơ hồ, theo Yahoo Style.
Nhiều người tránh nói đến vấn đề đại tiện, nên thường chỉ hiểu một cách mơ hồ /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Nhiều người tránh nói đến vấn đề đại tiện, nên thường chỉ hiểu một cách mơ hồ  ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Hơn nữa, tỉ lệ dân số gặp các vấn đề về đường ruột là khá cao, vì vậy đây là điều mà chúng ta không nên né tránh.
Để giúp bạn biết rõ thêm về những gì xảy ra bên trong ruột của mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tham khảo ý kiến một vài bác sĩ tiêu hóa đáng tin cậy để có được sự thật, theo Yahoo Style.
Đây là những gì họ đã nói về điều tế nhị này.

1. Không có quy tắc nào cho rằng phải “đi” một lần một ngày

Trung bình, mọi người đi 1 – 2 lần một ngày, giáo sư Felice Schnoll-Sussman, giám đốc Trung tâm sức khỏe đường tiêu hóa Jay Monahan tại New York (Mỹ), cho biết.
Nhưng 3 lần cũng có thể tốt. Nếu không có vấn đề gì về đường ruột, thì không cần phải lo lắng.
Nhưng nếu thường đi 1 lần, bỗng tăng lên 3 – 4 lần, có thể do chế độ ăn uống hoặc tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm. Cần đi bác sĩ nếu kèm theo đau bụng liên tục, theo Yahoo Style.

2. Thành thông lệ thì tốt

Nếu cứ đúng giờ thì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nhưng đừng lo lắng nếu hơi thất thường. Có thể là vào bất cứ lúc nào, nhưng thường là vào sáng sớm.
Và lần thứ 2 thường là sau khi đi làm về, đơn giản là vì có thời gian để thư giãn và “giải quyết nỗi buồn”, Lisa Ganjhu, phó giáo sư y khoa tại Trung tâm y tế NYU Langone (Mỹ), nói.

3. Chạy vào nhà vệ sinh ngay sau bữa ăn cũng có thể là bình thường

Nếu vừa mới ăn vào đã “ra” ngay, thường là do một loại phản xạ từ thời sơ sinh – cho ra ngay sau khi bú xong. Đối với một số người, phản xạ đó vẫn tồn tại đến lớn. Và là điều hoàn toàn bình thường và không có gì phải lo lắng, giáo sư Schnoll-Sussman nói. Bởi vì, thật ra, chất thải vừa cho ra không phải từ thức ăn mới vào, theo Yahoo Style.
Vấn đề duy nhất là nếu chất thải lỏng, nổi và có mùi khủng khiếp, có nghĩa là cơ thể không hấp thu tốt chất béo thì nên đi khám bác sĩ tiêu hóa ngay, giáo sư Schnoll-Sussman cảnh báo.

4. Caffeine kích thích ruột

Giáo sư Ganjhu cho biết caffeine kích thích ruột, làm cho ruột co lại, từ đó đẩy phân về phía trực tràng.

5. Kinh nguyệt làm tăng số lần “đi”

Kinh nguyệt thường làm co thắt bụng, đầy hơi và dẫn đến “đi” nhiều hơn. Do có liên quan đến nội tiết tố nữ kích hoạt tử cung co bóp, và khiến ruột cũng co bóp. Rất nhiều phụ nữ nói rằng họ “đi” lỏng hơn khi “đến tháng”, theo Yahoo Style.

6. Do tư thế ngồi

Nếu ngồi suốt buổi mà bạn vẫn không thể “đi” được, bác sĩ Schnoll-Sussman nói rằng, nguyên nhân có thể là do bạn ngồi không đúng tư thế.
Khoa học đã chứng minh rằng vị trí hiệu quả nhất để “đi” không phải là ngồi tạo một góc 90 độ với nền nhà, mà là tạo một góc 45 độ so với nền nhà, nghĩa là hơi nghiêng về phía trước.
Điều này rất hợp lý, quay lại thời của tổ tiên, khi chưa có nhà vệ sinh và mọi người phải ngồi xổm.
Ngồi xổm làm thay đổi vị trí của trực tràng giúp cho việc đại tiện được dễ dàng nhất, bác sĩ Schnoll-Sussman nói, theo Yahoo Style.
Nếu bạn thường bị táo bón, hãy thử dùng ghế kê chân (Squatty Potty) để tạo tư thế ngồi xổm, Schnoll-Sussman cho rằng sẽ thực sự có hiệu quả.

7. Thay đổi nhịp sống, thay đổi thói quen đại tiện

Điều này rõ nhất là khi đi du lịch.
Nghiên cứu ước tính rằng có đến 40% trường hợp bị táo bón khi đi du lịch, mặc dù cả bác sĩ Schnoll-Sussman và giáo sư Ganjhu đều nói rằng con số thực có thể nhiều hơn.
Việc đến một nơi xa lạ, và cũng có thể ở một múi giờ khác, cũng khiến đại tràng “e ngại”.

8. Vấn đề về thời gian

Không có gì sai khi bạn “giải quyết nỗi buồn” cực nhanh. Nhưng 5 phút hay 20 phút thì cũng không sao, Schnoll-Sussman nói. Không có vấn đề gì phải lo lắng!
Giáo sư Ganjhu cho biết, đại tràng biết khi nào nó trống và cần được giải phóng.
Nhưng nếu cố mãi mà vẫn không thể “đi” được, dù bạn đã ráng hết sức, nên gặp bác sĩ tiêu hóa, theo Yahoo Style.
Khó “đi” có thể do có một số bất thường ở trực tràng, bác sĩ Schnoll-Sussman nói.
THIÊN LAN
TNO