23/01/2025

‘Bác sĩ không tên’ làm tiền trên bàn mổ?!: Liên tục sai phạm vẫn hoạt động bình thường

‘Bác sĩ không tên’ làm tiền trên bàn mổ?!: Liên tục sai phạm vẫn hoạt động bình thường

Thanh Niên đã phản ánh về “những bác sĩ không tên” làm tiền trên bàn mổ xảy ra tại các phòng khám đa khoa ở TP.HCM: Thái Bình Dương, Hoàn Cầu. Đáng lưu ý, hai phòng khám này liên tục có những sai phạm lặp lại.
Bệnh nhân N.Đ.Q.N đang làm việc tại Thanh tra Sở Y tế thì bị người tự xưng là của Phòng khám Thái Bình Dương gọi ra “thương lượng” /// Ảnh: DUY TÍNH
Bệnh nhân N.Đ.Q.N đang làm việc tại Thanh tra Sở Y tế thì bị người tự xưng là của Phòng khám Thái Bình Dương gọi ra “thương lượng”  ẢNH: DUY TÍNH
Trên số báo ra ngày 25.5, Thanh Niên đã phản ánh về việc “những bác sĩ không tên” làm tiền trên bàn mổ xảy ra tại các phòng khám đa khoa ở TP.HCM: Thái Bình Dương, Hoàn Cầu. Đáng lưu ý, hai phòng khám này liên tục có những sai phạm lặp đi lặp lại.
Theo tài liệu PV Thanh Niên thu thập được, Phòng khám (PK) đa khoa Thái Bình Dương (34 – 36 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM; gọi tắt là PK TBD) và PK đa khoa Hoàn Cầu (80 Châu Văn Liêm, Q.5; gọi tắt là PK HC) có nhiều vi phạm khá giống nhau. Cụ thể, từ tháng 2.2018 – 1.2020, PK TBD bị phạt 5 lần với tổng cộng gần 195 triệu đồng. Các vi phạm lặp lại nhiều nhất là: quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) không đúng phạm vi chuyên môn; chỉ định sử dụng dịch vụ KCB vì mục đích vụ lợi; sửa chữa hồ sơ bệnh án làm sai lệch thông tin KCB; không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trong quá trình hoạt động; thu giá cao hơn giá niêm yết; không đeo bảng tên…
Tương tự, từ tháng 2.2018 – 2.2020, PK HC bị phạt 8 lần với tổng số tiền trên 507 triệu đồng. Hành vi vi phạm nhiều nhất của PK HC vẫn là: quảng cáo dịch vụ KCB không đúng phạm vi chuyên môn; chỉ định sử dụng mục đích KCB vì vụ lợi; sửa chữa hồ sơ bệnh án làm sai lệch thông tin về KCB; thu giá cao hơn giá niêm yết; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; không đảm bảo về cơ sở vật chất, nhân lực hoạt động trong quá trình hoạt động… PK HC từng bị đình chỉ hoạt động ở thời điểm tháng 10.2018.
'Bác sĩ không tên' làm tiền trên bàn mổ?! 1

Bên trong Phòng khám Thái Bình Dương  ẢNH: BNCC

Cuộc gặp “tình cờ” trong Sở Y tế

Chiều 15.5, Thanh tra Sở Y tế TP mời bệnh nhân (BN) N.Đ.Q.N lên hợp tác làm rõ vấn đề mà chị phản ánh về PK TBD làm tiền trên bàn mổ (Thanh Niên đã phản ánh ngày 25.5).
Chị N. kể khi chị ngồi trong phòng thanh tra Sở Y tế TP, thì xuất hiện một người phụ nữ trùm kín mít đề nghị chị N. ra ngoài nói chuyện. Khi chị N. từ chối, thì một phụ nữ lạ khác vào mời, nhưng chị vẫn không đồng ý gặp. Sau hơn 1 giờ đồng hồ làm tường trình, chị N. bước ra, người phụ nữ trùm kín mặt lúc nãy gặp tự giới thiệu là Phạm Tuyết Nhung, ở PK TBD. Người này “phủ đầu” khi nói rằng biết lý do chị N. đến Sở Y tế khiếu nại là “có những khó khăn cần được giải quyết”. Chị N. “vặn” lại tại sao bà Nhung biết được mình lên Sở Y tế khiếu nại thì bà này nói “tình cờ lên đây”.
“Tôi không biết em tên gì, chỉ thấy có cuốn sổ PK TBD. Em vào thanh tra là khiếu nại PK chị… Điều em mong muốn là gì để chị giải quyết cho em. Thí dụ em tới PK khám gì đó, điều trị gì đó, bây giờ PK đã làm cho em cái đó phát sinh bao nhiêu tiền em không đồng ý chị hoàn trả số tiền cho em”, bà Nhung nói.
Chị N. trả lời rằng tiền thì mình cũng đã nộp cho PK hơn 13 triệu đồng; nếu PK giải quyết ổn thỏa thì được. “Vì biết trước sau gì PK cũng đề cập đến tiền, nên tôi nói nếu vậy PK đền bù 130 triệu đồng… Tôi chỉ bực tức và nói số tiền đó chứ không phải muốn tiền của PK này. Tôi muốn mọi việc được các cơ quan chức năng làm rõ”, chị N. nói với PV Thanh Niên.

Một khi BN nằm trên bàn mổ, họ rất sợ. Dưới tác dụng của thuốc tiền mê, gây mê, đầu óc BN sẽ không bình thường; ai nói gì cũng nghe theo và dễ dàng đồng ý. Do vậy các PK đã chọn đúng điểm này để “làm tiền” BN. Rất bài bản! Nếu trước đó giải thích cho BN chưa chắc BN đã chịu mổ

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam

Liên quan việc người của PK TBD bất ngờ xuất hiện trong phòng thanh tra của Sở Y tế gặp chị N., bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết chiều 15.5 có mời 2 nhóm đối tượng khác nhau lên làm việc. “Người ở PK TBD đi ngang thấy chị N. cầm cuốn sổ PK TBD nên lập tức gọi ra. Không có chuyện “trong, ngoài” ở đây”, BS Mai nói.

Dụng “chiêu” bài bản

Khi nói về PK hoạt động kiểu “làm tiền” BN trên bàn mổ, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, cho rằng bản thân ông là một phẫu thuật viên nên rất hiểu tâm lý BN. “Một khi BN nằm trên bàn mổ, họ rất sợ. Dưới tác dụng của thuốc tiền mê, gây mê, đầu óc BN sẽ không bình thường; ai nói gì cũng nghe theo và dễ dàng đồng ý. Do vậy các PK đã chọn đúng điểm này để “làm tiền” BN. Rất bài bản! Nếu trước đó giải thích cho BN chưa chắc BN đã chịu mổ”, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam nói.
BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) phụ sản Từ Dũ TP.HCM, cho rằng dường như các PK như trên chỉ có một bài bản chung khi khám phụ khoa là: đặt mỏ vịt vào âm đạo để nhìn thấy cổ tử cung, sau đó chụp hình lại cổ tử cung đưa cho BN xem (mặc dù hình ảnh cổ tử cung không xuất hiện bệnh lý).
'Bác sĩ không tên' làm tiền trên bàn mổ?! 2

Hóa đơn và thuốc đông y không nhãn mác của Phòng khám Hoàn Cầu  ẢNH: DUY TÍNH

Sau đó, BS không ghi chẩn đoán rõ ràng là bệnh gì của cổ tử cung. Tiếp theo, họ sử dụng một “bài” điều trị đó là truyền kháng sinh nhiều ngày; đốt điện cổ tử cung; “làm thuốc” cổ tử cung… Các ca này khi đến tái khám, thường sẽ thấy cổ tử cung bị tổn thương do đốt lan rộng, tróc mô bị đốt gây chảy máu, tiết dịch bội nhiễm…
Không ít ca phá thai tại các PK này đã có các biến chứng, như sót nhau, sót thai. BN đã phải tự tìm đến Khoa Kế hoạch gia đình của BV Từ Dũ hút nạo lại. Tình huống này đẩy nguy cơ nhiễm trùng và nguy cơ tổn thương tử cung lên cao do phải can thiệp nhiều lần vào buồng tử cung. Có ca suýt mất mạng vì những người được gọi là “BS” ở các PK dạng này gắp luôn cả ruột của BN ra do bị thủng tử cung – ruột lòng thòng trong âm đạo.
Theo một chuyên gia về bệnh lý “thầm kín” nam giới ở BV Bình Dân, ông đã khám cho rất nhiều nam “nạn nhân” của PK kiểu như vậy. Bất kể BN đau “của quý”, bệnh lý nam khoa nào… thì đều bị cắt bao quy đầu – dù bao quy đầu của BN bình thường. Họ lấy lý do dài, hẹp để… cắt. Đa số, các PK này điều trị không đúng chỉ định; chủ yếu lấy tiền thông qua “quy trình” hù dọa BN.
“Cơ quan nhà nước làm chưa hết trách nhiệm, bởi các PK “quen tên” này sai phạm nhiều lần; phạt rồi hoạt động, rồi tái phạm. Cũng cần làm rõ trách nhiệm của những người đứng tên về chuyên môn vì để PK sai phạm xảy ra liên tục ảnh hưởng tính mạng BN và uy tín ngành y”, PGS-TS Hoài Nam đề xuất.
Các BS khuyến cáo, người dân nên tìm hiểu các cơ sở khám phụ khoa, nam khoa đáng tin cậy; không nên lo lắng mặc cảm khi đi khám bệnh phụ khoa, nam khoa vì đó là điều rất bình thường. Mạnh dạn trao đổi giải pháp điều trị nào là tốt nhất và có lợi nhất với BS mà mình đang khám và điều trị. Có quyền từ chối hay trì hoãn điều trị khi chưa hiểu rõ và chưa an tâm về bệnh của mình.
(còn tiếp)
PK TBD thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế TBD do Vũ Trọng Anh đứng tên giấy phép kinh doanh. PK được Sở Y tế TP.HCM cấp Giấy phép hoạt động số 05420 ngày 13.1.2016. Người đứng tên phụ trách chuyên môn là BS Phạm Thị Kim Loan; Chứng chỉ hành nghề số 0016 do Sở Y tế Bình Dương cấp. Còn PK HC thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ y tế HC. Người đứng tên giấy phép kinh doanh là Vầy Chấn Trí. PK được Sở Y tế TP thẩm định lại và cấp giấy phép hoạt động mới nhất là vào ngày 30.1.2020, Số giấy phép 04991. Người phụ trách chuyên môn là BS Nguyễn Chiến có Chứng chỉ hành nghề số 005966 do Sở Y tế Đồng Nai cấp.
DUY TÍNH
TNO