Trình Quốc hội bỏ sổ hộ khẩu từ 2021
Trình Quốc hội bỏ sổ hộ khẩu từ 2021
Chính phủ chính thức trình Quốc hội dự án luật Cư trú sửa đổi, trong đó đề xuất bỏ sổ hộ khẩu từ năm 2021 khi luật có hiệu lực. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lo lắng về tiến độ thực hiện chính sách này.
Ngày 23.5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Quốc hội (QH) dự án luật Cư trú sửa đổi.
Bãi bỏ 13 thủ tục liên quan hộ khẩu
Một trong những chính sách quan trọng được Chính phủ đề xuất lần này là bỏ sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú (STT) trong quản lý dân cư. Thay vào đó, việc quản lý sẽ được thực hiện bằng mã số định danh cá nhân cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú chạy trên internet. Trên cơ sở này, dự thảo luật Cư trú cũng bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định về SHK, SHK cấp cho gia đình, cá nhân, tách SHK, giấy chuyển hộ khẩu, điều chỉnh những thay đổi trong SHK, trách nhiệm xuất trình SHK, STT khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu; trách nhiệm cấp SHK, STT của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú…
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc thực hiện quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân. Trong đó, có 7 nhóm thủ tục được bãi bỏ toàn bộ, gồm: cấp đổi SHK; cấp lại SHK; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi STT; cấp lại STT; điều chỉnh những thay đổi trong STT; gia hạn tạm trú.
Ngoài ra, tờ trình của Chính phủ cũng đề xuất bỏ các quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, TP trực thuộc T.Ư là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.
Lo không đảm bảo tiến độ
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của QH do Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng trình bày sau đó khẳng định nhất trí với các đề xuất của Chính phủ, nhất là việc bỏ SHK, STT, đổi mới phương thức quản lý cư trú. Tuy nhiên, theo ông Tùng, phương thức quản lý mới chỉ có thể được vận hành thông suốt trên cơ sở tất cả công dân VN đã được cấp số định danh cá nhân.
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân và dự kiến đến tháng 12.2020 sẽ hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam. “Theo báo cáo của Bộ Công an thì công tác này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra”, ông Tùng nói.
Cũng theo ông Tùng, qua khảo sát thực tế việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú tại Bộ Công an cho thấy, một số gói thầu có liên quan mới đang trong giai đoạn đàm phán ký hợp đồng; đồng thời, kinh phí đầu tư xây dựng các cơ sở dữ liệu này cũng chưa được cấp đủ.
Vì vậy, để bảo đảm tiến độ hoàn thành việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án xây dựng các cơ sở dữ liệu này. Ngoài ra, ủy ban này cũng đề nghị Chính phủ quy định rõ trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin dữ liệu về cư trú giữa các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cho công dân khi cần sử dụng thông tin về nhân thân, nơi thường trú, tạm trú… trong các cơ sở dữ liệu khi cần thiết.
Xây dựng nhà ở nông thôn, miền núi, hải đảo không cần xin giấy phép xây dựng
Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xây dựng, chiều 23.5, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ – môi trường QH Phan Xuân Dũng cho hay, dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn cho phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, dự thảo luật quy định không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa. Tuy nhiên, thảo luận sau đó, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh tình trạng một số cá nhân, tổ chức tự ý xây dựng các công trình, nhà ở với quy mô, diện tích lớn sử dụng với nhiều mục đích khác, có thể gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự, khó khăn trong quản lý ở khu vực nông thôn và đề nghị cần phải giới hạn quy mô đối với các công trình được miễn giấy phép xây dựng này.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, việc dự luật cho phép chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ không cần thông báo thời điểm khởi công cũng như hồ sơ thiết kế sẽ dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự, cần phải cân nhắc. Tương tự, ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) cũng phản ánh tình trạng nhiều công trình không cần giấy phép được xây dựng tại các khu ven biển, biên giới ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh và đề nghị Chính phủ quy định chi tiết về các trường hợp miễn giấy phép xây dựng để hạn chế tình trạng này.
Ủng hộ Đà Nẵng thí điểm chính quyền đô thị
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác sáng 23.5, đa số các đại biểu (ĐB) đều tán thành với tờ trình của Chính phủ.
Trước đó, trình bày thẩm tra dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Chính phủ đề nghị thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng theo mô hình và phạm vi ở khu vực đô thị thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cấp.
Tại TP.Đà Nẵng, tổ chức cấp chính quyền địa phương (HĐND, UBND); tại các quận và phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. Ở H.Hòa Vang và các xã trực thuộc, vẫn tiếp tục giữ mô hình cấp chính quyền địa phương, gồm HĐND và UBND. Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 3 cấp chính quyền ở nông thôn tại TP.Đà Nẵng như đề xuất.
Theo các ĐB, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng do Chính phủ đề xuất khác với mô hình của Hà Nội. Đó là không tổ chức HĐND ở cả quận nhưng vẫn thấp hơn so với mô hình thí điểm tại Nghị quyết 26 của QH trước đó. Đây là mô hình phù hợp vì trước đó Đà Nẵng đã từng thực hiện mô hình tương tự và cho kết quả tốt, có sự tách bạch rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.
LÊ HIỆP – ANH VŨ
TNO