Kích thích bệnh viện công thay đổi
Kích thích bệnh viện công thay đổi
Bác sĩ Cao Minh Chu – giám đốc Sở Y tế Cần Thơ – cũng cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các bệnh viện ngoài công lập đã tạo ra sự cạnh tranh và những hiệu ứng tích cực đối với các cơ sở y tế công lập.
Theo bác sĩ Huỳnh Minh Phúc – giám đốc Sở Y tế Long An, việc phát triển hệ thống y tế tư nhân đã giúp hệ thống bệnh viện công dần thoát ra khỏi “lối mòn” do hoạt động lâu năm trong cơ chế được bao cấp nguồn kinh phí hoạt động.
“Ví dụ như thái độ phục vụ đối với người dân thôi thì đến khi các bệnh viện tư làm rất tốt, các bệnh viện công mới quán triệt thay đổi một cách cấp thiết hơn. Khi bệnh nhân có sự lựa chọn khác thì khó mà tồn tại theo kiểu cũ” – bác sĩ Phúc nhận định.
Tương tự, bác sĩ Cao Minh Chu – giám đốc Sở Y tế Cần Thơ – cũng cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống các bệnh viện ngoài công lập đã tạo ra sự cạnh tranh và những hiệu ứng tích cực đối với các cơ sở y tế công lập.
Nhiều đơn vị y tế công lập thời gian qua đã phải nhanh chóng đổi mới lề lối, tác phong phục vụ, đầu tư trang thiết bị hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng khám, điều trị để cạnh tranh. Điều này giúp đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế để người dân lựa chọn.
“Bệnh viện công muốn phát triển phải thay đổi về chế độ đãi ngộ, thay đổi cung cách phục vụ để thu hút người bệnh thì mới có nguồn thu.
Hầu hết các bệnh viện công ở Cần Thơ đã thay đổi cách thức phục vụ, năng động hơn trong tiếp cận người bệnh để từng bước tự chủ tài chính, đó cũng chính nhờ sự tác động của hệ thống y tế tư nhân trong việc tạo ra sân chơi bình đẳng trong lĩnh vực chăm sóc y tế” – bác sĩ Chu nói.
Bác sĩ Thạch Khuôn – phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng – nói rằng khi có bệnh viện tư hoạt động trên địa bàn, bệnh viện công phải “chạy đua” theo.
Ông thẳng thắn nhìn nhận: “Cạnh tranh lành mạnh không có gì phải lo. Nhờ đó mà chúng tôi phải cố gắng hơn từng ngày, làm tốt các khâu để có tiền nuôi nhân viên. Điều này hoàn toàn có lợi cho người bệnh.
Hiện bệnh viện chúng tôi đã tự chủ về tài chính, điều kiện vật chất, thiết bị cho phép bệnh viện đủ sức cạnh tranh.
Về mặt bác sĩ chuyên môn, chúng tôi cũng còn lợi thế, nên điều tập trung cải tổ mạnh mẽ nhất hiện nay vẫn là khâu chăm sóc, dịch vụ và thái độ phục vụ. Nếu không làm tốt việc này để thu hút người bệnh thì rất khó để cạnh tranh mà tồn tại”.
Theo ông Khuôn, những bệnh viện công ngày nay phải thay đổi từng khâu phục vụ cơ bản nhất, ông ví dụ: “Như nhà vệ sinh, không chỉ giữ sạch sẽ cho từng phòng bệnh mà ngay nhà vệ sinh chung của mỗi tầng, chúng tôi đều phải sắp xếp thêm nhân viên dọn vệ sinh trực 24/24 giờ, vệ sinh liên tục, trang bị dép riêng, xà phòng rửa tay, khăn lau chùi, đảm bảo lúc nào cũng sạch, cũng thơm tho.
Về phục vụ, phải để bệnh nhân thấy không có khoảng cách giữa bệnh viện công và bệnh viện tư nữa”.
Ngoài ra, trước việc nhiều bệnh nhân có điều kiện sẵn sàng chi tiền để đến những nơi có chất lượng phục vụ tốt, hệ thống bệnh viện công nhiều tỉnh cũng phải đầu tư thêm nhiều khu điều trị và phòng khám dịch vụ, đủ sức “cạnh tranh” với những bệnh viện mới, hiện đại do tư nhân đầu tư.
Ông Lữ Quang Ngời – chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – chia sẻ: “Đứng ở cương vị lãnh đạo, nhiều khi làm việc với các bệnh viện công, tôi cũng đưa các điều tốt của hệ thống bệnh viện tư nhân ra làm gương, làm động lực cho họ có những mục tiêu phấn đấu, thay đổi”.
Phát triển hài hòa, tránh cạnh tranh không lành mạnh
Ông Lữ Quang Ngời – chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long – cho biết trong quy hoạch hệ thống y tế tương lai, tỉnh vẫn tiếp tục có sự thu hút y tế tư nhân phát triển.
“Tuy nhiên, việc thẩm định năng lực chủ đầu tư phải hết sức cẩn trọng. Mục tiêu cao nhất vẫn là để người dân hưởng lợi chứ không phải hoàn toàn vì lợi nhuận của nhà đầu tư.
Tại TP Vĩnh Long hiện đã có 3 bệnh viện lớn, nhưng vẫn còn nhiều nhà đầu tư muốn khai thác thêm bệnh viện tư.
Chúng tôi phải phân tích kỹ cho họ thấy việc cạnh tranh y tế đang ngày càng cao ở trung tâm TP để họ đánh giá tổng quát trước khi đầu tư, tránh việc cạnh tranh quá mức gây nên cảnh bát nháo, đẩy giá dịch vụ y tế lên cao gây thiệt thòi cho người dân.
Bên cạnh đó là làm sao để tránh trường hợp lợi dụng chính sách kêu gọi, khuyến khích đầu tư xã hội hóa y tế, việc lợi dụng xin chủ trương xây bệnh viện để hưởng ưu đãi, khi xây dựng bệnh viện lại lấy tên khác với danh mục kêu gọi ban đầu, thậm chí chuyển hướng đầu tư từ chuyên khoa sang đa khoa để kiếm lợi nhuận…” – ông Ngời nói thêm.