Học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học
Học sinh tiểu học có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học
Một trong những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT mới công bố là học sinh tiểu học có thể học vượt cấp trong phạm vi cấp học.
Bộ GD-ĐT vừa công bố lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, để thay thế thông tư hiện hành. Theo Bộ GD-ĐT, sau 10 năm tồn tại, thông tư hiện nay đã có nhiều nội dung không còn phù hợp với các văn bản quy pháp luật hiện hành, không đáp ứng được các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như yêu cầu của thực tế cuộc sống.
Kế thừa quy định trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, thực hiện luật Giáo dục 2019, dự thảo thông tư mới cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo 3 bước. Thứ nhất, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường.
Bước thứ hai, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội. Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.
So với điều lệ hiện hành, dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó tập trung đổi mới quản lý nhà trường. Theo đó, nhà trường tiểu học được trao quyền tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội nhiều hơn; các hoạt động giáo dục được chuyển từ tập trung truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực; công tác kiểm tra đánh giá được đổi mới; các yêu cầu về hồ sơ sổ sách được giảm tải, tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà trường…
Thay vì chỉ thực hiện trách nhiệm “huy động trẻ đi học đúng độ tuổi, vận động và tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt tới trường…” như điều lệ hiện hành, dự thảo đã bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm “thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn” của các trường tiểu học. Điều này có ý nghĩa xã hội quan trọng, nhất là với đối với các khu vực đông dân cư, giúp tránh được tình trạng học sinh không được nhận vào học trường tại địa bàn mình cư trú.
Trường học phải triển khai dạy sách giáo khoa theo quyết định của UBND cấp tỉnh
Một điểm mới rõ rệt khác trong quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học, là các nhà trường phải có trách nhiệm triển khai dạy học sách giáo khoa theo quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; lựa chọn xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Theo Bộ GD-ĐT, điều này nhằm đáp ứng chủ trương một chương trình, nhiều sách giáo khoa, quy định UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo luật Giáo dục 2019.
Dự thảo thông tư Điều lệ trường tiểu học bổ sung một điều khoản có nội dung hoàn toàn mới so với điều lệ hiện hành. Đó là quy định “xây dựng và phát triển văn hoá đọc” (điều 26). Theo đó, việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc, thói quen đọc sách được áp dụng cho tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường tiểu học.
Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học có thời gian góp ý đến ngày 6.7.2020.
Giáo viên chủ nhiệm được quyền cho học sinh nghỉ học tối đa 3 ngày liên tục
Dự thảo quy định cụ thể trách nhiệm và quyền hạn với từng đối tượng giáo viên, giáo viên cốt cán, giáo viên chủ nhiệm. Trong đó, giáo viên được trao quyền mới là “tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường”. Giáo viên chủ nhiệm được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày liên tục.
TUỆ NGUYỄN
TNO