24/01/2025

Chúa Nhật V PS A 2020: Đức Giêsu là con đường dẫn ta gặp được Chúa Cha

Hôm nay là Chúa Nhật đặc biệt, vì chúng ta họp mặt trong thánh đường này, sau 5 tuần phải cách ly vì dịch bệnh Covid 19, không thể cử hành các nghi thức trang trọng của lễ Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta cảm nhận được sự hiện diện lạ lùng của Đức Giêsu Phục Sinh trong từng ngày sống dù ở bất cứ nơi nào và cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha như bài Tin Mừng gợi ý.

Chúa Nhật V PS A 2020

Đức Giêsu là con đường dẫn ta gặp được Chúa Cha

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Hôm nay là Chúa Nhật đặc biệt, vì chúng ta họp mặt trong thánh đường này, sau 5 tuần phải cách ly vì dịch bệnh Covid 19, không thể cử hành các nghi thức trang trọng của lễ Chúa Phục Sinh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta cảm nhận được sự hiện diện lạ lùng của Đức Giêsu Phục Sinh trong từng ngày sống dù ở bất cứ nơi nào và cảm nghiệm được tình yêu của Chúa Cha như bài Tin Mừng (x. Ga 14,1-12) vừa gợi ý: “Ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha”.

1. Ước vọng của các tôn giáo là trông thấy Thiên Chúa và đạt được thiên đường

Chúng ta vừa chia vui với tín đồ Phật giáo trong lễ Phật Đản ngày thứ Năm tuần này, 7/5/2020, và đang sống trong tháng ăn chay Ramadan của anh em Hồi giáo bắt đầu từ 23/4 đến 23/5/2020. Người ta tin Đức Phật Thích Ca chỉ đường cho con người thoát cảnh luân hồi để vào được cõi Niết Bàn. Người ta tin Đức Mohammad là vị tiên tri sau cùng chỉ đường cho con người bước vào thiên đường. Rất nhiều tôn giáo khác cũng giới thiệu những con đường dẫn đến đời sống hạnh phúc vĩnh hằng. Người ta ước tính có cả ngàn tôn giáo khác nhau trên thế giới và đều là những con đường có thể dẫn con người đến thiên đường, nếu người ta theo đạo với lương tâm ngay chính. Giáo hội Công giáo cũng xác nhận điều này trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô II, như Hiến chế Lumen Gentium, số 16; Hiến chế Gaudium et Spes, số 22; SL Ad Gentes, số 7; TN Nostra Aetate, số 2; sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2609.

Người ta thường hiểu rằng thiên đường là tình trạng sống của con người, sau cái chết, được kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa là nguồn của mọi hiện hữu, của hạnh phúc vô tận, của chân thiện mỹ vô biên, sau khi đã thanh luyện mình khỏi mọi vết nhơ vấy bẩn trong cuộc đời trần thế. Lúc đó, con người không còn bị vật chất ngăn cản, nên có thể trông thấy Thiên Chúa và cảm nghiệm được sự sống kỳ diệu của Ngài, được Ngài chia sẻ mọi ân huệ lạ lùng. Đó là hạnh phúc thiên đường.

Tuy nhiên do lòng tin, tình yêu và nhận thức khác nhau của mỗi người về Thiên Chúa, nên tình trạng thiên đường của họ cũng khác nhau. Đó là những “chỗ ở khác nhau” qua lời Chúa Giêsu nói hôm nay: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở”. Đó cũng là những tầng trời khác nhau mà con người có thể vươn tới như thánh Phaolô lên tới tầng trời thứ ba (x. 2Cr 12,2).

Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu “ra đi để dọn chỗ cho chúng ta” không có nghĩa là Người về một nơi nào đó ở trên trời để sắp đặt phòng ăn, phòng ngủ, lắp ráp máy lạnh, máy nóng với các phương tiện giải trí, vui chơi, cho ta sống hạnh phúc,… theo cách tưởng tượng của con người. Người nói đến cuộc “ra đi” là sẽ chịu chết ở Giêrusalem và khuyên các môn đệ “đừng xao xuyến, sợ hãi” vì Người sẽ sống lại để ta biết Người đi đâu và tìm được thiên đường của mình: “Thầy đi đâu anh em đã biết đường rồi”.

Chẳng có tôn giáo nào giới thiệu con đường “chết đi-sống lại” để đạt được thiên đường như Đức Giêsu, vì các nhà sáng lập tôn giáo đó đã không sống lại để làm chứng về con đường dẫn đến thiên đường của họ. Còn Đức Giêsu đã sống lại thật sự, và đang sống giữa chúng ta, nên Người đã nói với Tôma cũng như với chúng ta hôm nay rằng: đừng nghĩ đến một con đường vật chất đo bằng cây số, cũng đừng nghĩ đến con đường tâm linh là các tôn giáo với những nguyên tắc, luật lệ, nghi thức phụng vụ như Do Thái giáo hay các tôn giáo khác.

Con đường này là một con người sống động đang ở trước mặt ông: “Chính Thầy là con đường”. Vài tuần sau đó, Con người sống động này chiến thắng cái chết và mời gọi ông: “Hãy nhìn xem tay Thầy, hãy đặt bàn tay vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).

Tổng thống Nga Vladimir,Thủ tướng Dmitry Medvedev cùng phu nhân Svetlana và Thị trưởng Matxcơva Sergei Sobyanin tại lễ Phục Sinh trong nhà thờ Chúa Cứu Thế.

2. Đức Giêsu là con đường đưa ta đến với Chúa Cha

Trong câu chuyện với ông Nicôđêmô, Đức Giêsu nói rằng: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Mục đích của các tôn giáo là giúp cho con người gặp gỡ được Thiên Chúa và cảm nhận được hạnh phúc của thiên đường khi gắn bó với Thiên Chúa. Vì thế, với cuộc sống lại, Đức Giêsu là con đường duy nhất, chắc chắn nhất dẫn con người đến với Chúa Cha, “vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời, và thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ” (x. Ga 3,16-17). Khi đã tin vào Đấng Phục Sinh, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc thiên đường nhờ tận mắt trông thấy Người, vì “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” và ai thấy Chúa Cha là cảm nhận được thiên đường.

Thiên Chúa là tinh thần tuyệt đối, vô hình, vô lượng, vô biên. Trước đây con người có thể cảm nhận được Thiên Chúa, nhờ tinh thần Ngài ban, như Ađam Evà mỗi chiều đi dạo và nói chuyện với Chúa trong vười Eđen (x. St 3,8). Nhưng sau khi phạm tội, con người đã đánh mất khả năng nhìn thấy Thiên Chúa, họ đánh mất thiên đường. Vì thế, Chúa Cha đã cho Con Một của Ngài làm người để trở thành con đường cụ thể, hữu hình, dẫn ta đến với Chúa Cha vì “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga, 14 ,6). Người Con đó hy sinh chịu chết để đền tội cho ta và tái tạo lại thiên đường ở nơi ta. Cuộc ra đi của Chúa Giêsu là để dọn chỗ thiên đường cho ta theo nghĩa đó.

Rồi Người đã sống lại và đang sống để nhắc ta hiểu rằng: thiên đường không còn phải là một chốn xa xôi, trải qua nhiều kiếp mới đạt tới, hay có dòng sông chảy sữa và mật với những tiên đồng, ngọc nữ thoả mãn mọi khát vọng của con người. Nhưng thiên đường ở ngay đây, ngay khi ta nhận ra Đức Giêsu đang sống trong mình, trong vạn vật tươi đẹp quanh mình, nhất là trong những con người mà chúng ta gặp gỡ, yêu thương, đón nhận, thứ tha, phục vụ.

Cảm nhận được thiên đường là cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc giống như những bác sĩ, nhân viên y tế khi chữa trị cho bệnh nhân Covid 19. Cảm nhận được niềm vui của thiên đường mới thúc đẩy hàng trăm linh mục, tu sĩ ở Ý, ở Tây Ban Nha, ở Pháp và nhiều nơi trên thế giới luôn túc trực với bệnh nhân, khi họ bị cách ly vì dịch bệnh Covid 19, để rồi cùng chết với những bệnh nhân ấy. Cảm nhận được hạnh phúc thiên đường mới thúc đẩy người ta chia sẻ những ký gạo, gói mì, hộp sữa, chai nước tương cho đồng bào nghèo khổ trong dịch bệnh. Như thế, thiên đường không ở đâu xa. Nó ở ngay trong lòng khi ta cảm nghiệm được niềm hạnh phúc, an vui, bởi vì gặp được Thiên Chúa trong con người và vạn vật nhờ nhận ra Đức Giêsu đang sống.

Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin cho ta cảm nghiệm được Người trong từng giây phút sống. Tuy nhiên, không phải chúng ta chỉ đi tìm thiên đường cho mình, ta còn phải tạo nên thiên đường, còn đi dọn chỗ cho anh chị em bằng những hành động tốt đẹp, bằng “tình yêu đến cùng” như cuộc “ra đi” của Đức Giêsu. Người nói với chúng ta hôm nay: “Ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm được những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12).

Lời kết

Cầu chúc từng anh chị em cảm nhận được thiên đường cho mình và xây dựng thiên đường cho người khác.

Thế giới Chính Thống giáo đón mừng lễ Phục Sinh

 

HKK