23/12/2024

Các Giám mục Hàn Quốc: Phải bảo vệ môi trường trong khi khôi phục kinh tế

Các Giám mục Hàn Quốc: Phải bảo vệ môi trường trong khi khôi phục kinh tế

Phải bảo vệ môi trường trong khi khôi phục kinh tế
Sau một thời gian phải ngưng một số các hoạt động kinh tế xã hội do đại dịch, Hàn Quốc đang chuẩn bị cho những kế hoạch khôi phục nền kinh tế. Tuy nhiên theo các Giám mục, do ý muốn vực dậy nền kinh tế quá cấp tốc, chính phủ đề ra những kế hoạch gây nguy hiểm cho hệ sinh thái.

Các Giám mục đã bày tỏ lo ngại trên trong một tuyên bố được đưa ra trong những ngày gần đây. Trong tuyên bố, các Giám mục đưa những cảnh báo và khuyến nghị cho động thái hấp tấp này.

Các Giám mục viết: “Nếu chúng ta tiếp tục thúc đẩy các chính sách kinh tế như giai đoạn trước Covid-19, chúng ta sẽ phải đối mặt với những thảm họa nghiêm trọng hơn.” Để minh chứng cho điều này, các Giám mục đề cập đến Báo cáo của Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), nói về nhiệt độ trung bình đã tăng lên 1.5 độ.

Các Giám mục viết tiếp: “Với xu hướng này, vào năm 2030 chúng ta sẽ đi đến đỉnh điểm của những khủng hoảng. Và người dân phải lãnh hậu quả trước hết, nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiếu nước trầm trọng. Tất cả chúng ta sẽ đối mặt với hậu quả là cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có trước đây.”

Các Giám mục cảnh báo: “Trong khi đó, con người tiếp tục làm chủ, lạm dụng, cướp bóc đất đai. Ngôi Nhà Chung đang gặp nguy hiểm và tiếp tục bị đe doạ. Trái đất không phải của chúng ta. Do đó, chúng ta được kêu gọi quản lý nó bằng cách sống chung và bảo vệ các loài khác đang sinh sống trên mặt đất này. Đó là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi phải thay đổi lối sống của mình.”

Tiếp theo, các Giám mục chỉ ra con đường chính phải theo vì “vẫn chưa quá muộn, nhưng cần phải hành động ngay lập tức”. Các khuyến nghị của Giáo hội địa phương bắt đầu từ một lời kêu gọi dành cho tất cả Kitô hữu: “Phải cảm thấy mình có liên quan trong cách tiếp cận với môi trường.”

Cuối cùng, các công dân có thiện chí và các tổ chức được yêu cầu “cam kết giảm khí thải và tập trung vào năng lượng tái tạo” và thành lập một “cơ quan quốc gia” đối phó với khủng hoảng khí hậu.

Ngọc Yến