24/01/2025

TP.HCM xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết

TP.HCM xuất hiện một số ổ dịch sốt xuất huyết

Ngày 7.5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết từ đầu năm đến nay, TP có 6.500 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), giảm 70% so với cùng kỳ năm 2019 (21.631 ca); chưa có trường hợp nào tử vong.
Mùa mưa là thời điểm TP.HCM bước vào mùa dịch sốt xuất huyết, với số ca mắc đã bắt đầu tăng /// Ảnh minh họa: Nguyên Mi
Mùa mưa là thời điểm TP.HCM bước vào mùa dịch sốt xuất huyết, với số ca mắc đã bắt đầu tăng  ẢNH MINH HỌA: NGUYÊN MI
Theo giám sát dịch tễ, mùa dịch SXH thường rơi vào tháng 8 hằng năm, còn hiện nay là giai đoạn SXH thấp nhất trong năm.
Hiện TP.HCM mỗi tuần có khoảng 50 – 60 ca SXH, trong đó số ca nội trú chiếm 50%”, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, HCDC cho biết.
Tuy nhiên trong tuần qua, TP.HCM đã ghi nhận 6 ổ dịch nhỏ SXH mới phát sinh ở 7 phường, xã thuộc 4 quận, huyện – tăng 2 ổ dịch mới so với tuần trước (2 ca lâm sàng trở lên trong vòng 7 – 14 ngày trong bán kính 200 m hoặc 1 ca được xét nghiệm chẩn đoán SXH được xem là 1 ổ dịch nhỏ). Các ổ dịch nhỏ đã được điều tra dịch tễ, xử lý phun hóa chất, diệt lăng quăng.
“HCDC cập nhật thông tin tất cả ca bệnh lên webgis (bản đồ số về chống dịch của TP.HCM), xác định phạm vi điều tra, xuống địa bàn điều tra dịch tễ từng ca (để xác định nguồn lây), điều tra côn trùng; truyền thông nguy cơ tại chỗ và phun hóa chất diệt muỗi theo chỉ định. Tiếp tục theo dõi diễn tiến ổ dịch qua webgis để mở rộng phạm vi xử lý (nếu có ổ dịch lan rộng)”, bác sĩ Lê Hồng Nga nói về phương pháp xử lý ca bệnh, ổ dịch SXH của TP.HCM.
Mặc dù không phải là mùa cao điểm SXH nhưng lại xuất hiện một số ổ dịch nhỏ, HCDC cũng đã có công văn gửi Trung tâm y tế quận huyện đề nghị chủ động phòng chống SXH trong tình hình chống dịch Covid-19.
Theo đó, HCDC đề nghị rà soát và xử lý 100% các điểm nguy cơ gây dịch SXH. Thực hiện đầy đủ quy trình xử lý điểm nguy cơ, nhưng quan trọng nhất là truyền thông thay đổi hành vi của chủ sở hữu điểm nguy cơ hoặc người quản lý điểm nguy cơ… Bên cạnh đó là thực hiện xử phạt vi phạm trong phòng chống dịch bệnh SXH.
Cũng trong ngày 7.5, thông tin từ các bệnh viện (BV) điều trị SXH trên địa bàn TP cũng cho biết, vào tháng 5 sau những cơn mưa đầu mùa thì bệnh nhân SXH bắt đầu nhập viện đông, nhưng năm nay nhập viện ít. Tại BV Nhi đồng 1, hiện có 11 ca SXH, đa số là ở TP.HCM, bệnh nhẹ. Tại BV Nhi đồng 2 có 8 ca SXH, trong đó 4 ca là ở tỉnh. Tại BV Bệnh nhiệt đới cũng đang điều trị cho khoảng 10 ca SXH người lớn.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa SXH, BV Nhi đồng 1 TP.HCM, khuyến cáo, triệu chứng của SXH là: sốt, mệt mỏi, lừ đừ, uể oải, ăn uống kém, buồn nôn, đau nhức… Nếu bị nặng thì có thể gây biến chứng các cơ quan dẫn đến tử vong. Do vậy, người dân khi bị sốt từ 2 ngày trở lên thì nên đi khám để được chẩn đoán, phát hiện điều trị kịp thời.
DUY TÍNH
TNO