23/12/2024

TP.HCM sẽ có chính sách khuyến sinh đặc thù

TP.HCM sẽ có chính sách khuyến sinh đặc thù

TP.HCM đang được xếp vào nhóm địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước. Và nếu điều này không được cải thiện sẽ là ‘thảm họa’ trong tương lai, khi tỉ lệ người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng.

 

TP.HCM sẽ có chính sách khuyến sinh đặc thù - Ảnh 1.

Trẻ em vui đùa bên khu nhà ở xã hội trên đường Tô Hiến Thành, phường 12, quận 10 – Ảnh: TỰ TRUNG

Ở các địa phương có mức sinh thấp sẽ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con như giảm thuế thu nhập cá nhân, mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em…

(trích nội dung trong quyết định về Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ)

Để cụ thể hóa quyết định 588 của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM sẽ tham mưu Sở Y tế TP kiến nghị thường trực UBND TP có buổi họp để lắng nghe ý kiến của các sở, ban ngành, đoàn thể TP trong việc đưa ra các giải pháp khuyến sinh mang tính đặc thù của TP.HCM.

TP.HCM có xu hướng kết hôn muộn

Theo ông Phạm Chánh Trung, phó chi cục trưởng Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, quyết định 588 có hành lang pháp lý chung cho TP.HCM cũng như các tỉnh, thành khác.

Quyết định này có tổng thể các giải pháp khuyến khích sinh con mà các chuyên gia đưa ra để khuyến khích tăng mức sinh trở lại như hỗ trợ mua nhà, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, tạo điều kiện cho trẻ học, thời gian nghỉ thai sản…

Tuy nhiên, mỗi tỉnh thành đều phải đưa ra những giải pháp liên quan đến mức sinh theo đặc điểm của mỗi tỉnh, thành.

TP.HCM là đô thị lớn nhất trong cả nước, có những nét đặc trưng riêng, nên sắp tới Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP sẽ tham mưu Sở Y tế, UBND TP trước mắt sẽ hỗ trợ, giảm chi phí lần sinh con thứ 2 cho người dân trên địa bàn TP.

Ông Phạm Chánh Trung cũng cho biết TP.HCM đang có xu hướng kết hôn muộn. Hiện tuổi kết hôn lần đầu của những người dân TP cao hơn mức trung bình của cả nước là khoảng 2 tuổi. Năm 2018, tuổi kết hôn lần đầu ở TP cho cả hai giới là 27,7 tuổi.

Trước đó, năm 2010 độ tuổi này chỉ là 26,6 tuổi. Như vậy, chỉ trong 8 năm, độ tuổi kết hôn trung bình đã tăng lên 1,1 tuổi.

Độ tuổi kết hôn muộn dẫn đến mức sinh thấp ở độ tuổi 20-25 và tập trung nhiều ở độ tuổi 25-34, khi các cặp vợ chồng đã ổn định về công việc và có xu hướng đầu tư chuyên môn cao cho công việc.

Đây cũng là một trong những giả thuyết dẫn đến các cặp vợ chồng này lựa chọn chỉ sinh một con.

Trên thực tế, việc kết hôn trước 30 tuổi có nhiều lợi ích như ở độ tuổi 20-30 người phụ nữ có thể sinh con khỏe mạnh nhất, chăm sóc con khi đang ở trong độ tuổi có sức khỏe tốt nhất. Lấy chồng và kết hôn quá muộn sẽ có nhiều nguy cơ về sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Mức sinh thấp sẽ tác động mạnh đến cơ cấu dân số thành phố trong tương lai. Tỉ lệ người trẻ và người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, trong khi tỉ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Điều này càng làm gia tăng tốc độ già hóa dân số.

Ông Phạm Chánh Trung (phó chi cục trưởng Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM)

Mức sinh thấp nhất cả nước

Các tỉnh thành trong cả nước hiện có mức sinh cao, thấp khác nhau. Cụ thể, có 33 tỉnh thành có mức sinh vẫn cao, có 9 tỉnh thành đạt mức sinh thay thế (2,1 con) và còn 21 tỉnh thành có mức sinh thấp. Trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp thì TP.HCM có mức sinh thấp nhất.

Từ kết quả điều tra dân số và nhà ở vào tháng 4-2019 tại TP.HCM, có một số con số đáng báo động về vấn đề dân số TP.HCM, trong đó tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 1,39.

Cho nên nếu TP không nâng được mức sinh lên sẽ ảnh hưởng tình trạng già hóa của dân số TP và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về kinh tế – xã hội của TP.

Kinh nghiệm tại một số quốc gia cho thấy từ mức sinh cao kéo giảm mức sinh xuống làm dễ, nhưng hiện chưa có một quốc gia nào thành công trong việc kéo mức sinh từ thấp lên cao.

Khi mức sinh đã thấp, các chính sách khuyến sinh mặc dù có chi phí đầu tư rất lớn nhưng khó tác động làm mức sinh tăng trở lại.

Xu hướng khôi phục theo chiều hướng tăng xảy ra rất ít. Ông Trung cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng này.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, phân tích có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan làm mức sinh giảm trên địa bàn TP, đó là do áp lực của cuộc sống và công việc khiến xuất hiện tình trạng xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng.

Việc nuôi dạy, chăm sóc con cái hiện nay đòi hỏi rất nhiều chi phí như ăn uống, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí…

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh và phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt.

Tình trạng phá thai, tỉ lệ vô sinh nguyên phát, thứ phát có xu hướng gia tăng cũng là những yếu tố tác động khiến nhiều gia đình không thể sinh con.

Một cảnh báo đáng chú ý mà ông Trung dẫn ra rằng nếu hôm nay “mỗi gia đình chỉ sinh một con” với công thức 4-2-1 (một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại) thì trong tương lai phải đối mặt với vấn đề mới “thảm họa” theo công thức ngược lại 1-2-4 (một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại).

Vì những đứa trẻ ngày hôm nay được “chăm sóc” rất kỹ lưỡng bởi sáu người lớn sẽ thiếu khả năng, kỹ năng chăm sóc lại sáu người cao tuổi trong tương lai.

“Việc sinh con không chỉ còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Việc sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số” – ông Trung khuyến cáo.

Do đó, song song với các giải pháp khác, thời gian qua TP.HCM khuyến khích “mỗi gia đình nên sinh đủ hai con” để duy trì mức sinh hợp lý.

Được vay mua nhà ở xã hội nếu sinh đủ 2 con?

ttr_chaunoingoai 2(read-only)

Cô Bích Thủy cùng các cháu nội, cháu ngoại sinh sống trong căn hộ chung cư An Lạc (Q.Bình Tân, TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau quyết định về Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, ông Trung nói rằng đó là sự lắng nghe, và tất cả các giải pháp đề xuất của TP.HCM đều được ghi nhận tiếp thu trong quyết định 588.

Vậy TP.HCM từng đề xuất gì? Không phải đến bây giờ, từ lâu để giải quyết thực trạng mức sinh thấp tại TP.HCM, Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình có đề xuất Sở Y tế TP trực tiếp tham mưu UBND trình HĐND TP ban hành nghị quyết về chính sách dân số và phát triển tại TP.HCM giai đoạn 2021-2025, qua đó quy định một số chính sách cụ thể áp dụng đối với người dân, ưu tiên giải quyết tình trạng mức sinh thấp.

Cụ thể là thực hiện giảm toàn bộ viện phí sinh con lần thứ hai đối với các trường hợp có hộ khẩu TP.HCM; cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con có hộ khẩu TP.HCM; miễn giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi.

Ngoài hỗ trợ về định mức học phí của TP.HCM, đề xuất bổ sung thêm chi phí bán trú, ăn trưa cho học sinh…

Bên cạnh đó, TP.HCM còn kiến nghị Bộ Y tế, Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình tham mưu cấp thẩm quyền trong triển khai thực hiện nghiên cứu, đề xuất đưa vào dự thảo Luật dân số nội dung: Mỗi cặp vợ chồng được quyền quyết định số con hoặc cân nhắc việc sửa đổi cho phép sinh con thứ ba tại các vùng mức sinh thấp; không xem xét kỷ luật, giảm mức đánh giá thi đua hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ ba trở lên…

THÙY DƯƠNG – HOÀNG LỘC
TTO