24/12/2024

Phụ nữ mang thai, sinh con sau 35 tuổi phải lưu ý những gì?

Phụ nữ mang thai, sinh con sau 35 tuổi phải lưu ý những gì?

Xu hướng xã hội hiện nay, phụ nữ sinh con muộn ngày càng nhiều. Khi mang thai muộn (sau tuổi 35) thai phụ càng cần phải lưu ý đến các vấn đề sức khoẻ của cả mẹ và thai nhi.
Sản phụ được siêu âm tầm soát sức khỏe thai nhi khi khám thai định kỳ /// Ảnh: Nguyên Mi
Sản phụ được siêu âm tầm soát sức khỏe thai nhi khi khám thai định kỳ  ẢNH: NGUYÊN MI
Theo bác sĩ Lê Tiểu My (Khoa Phụ sản – Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Mỹ Đức, TP.HCM): Xu hướng xã hội hiện nay, phụ nữ sinh con muộn ngày càng nhiều, điều này có thể giải thích bởi nhiều nguyên nhân: cá nhân, kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, về mặt y khoa, nếu phụ nữ từ 35 tuổi trở lên mang thai lần đầu, sẽ được lưu ý trong chẩn đoán, theo dõi thai kỳ là “con so lớn tuổi”. Các trường hợp này được xếp vào nhóm thai phụ lớn tuổi, có nhiều nguy cơ và cần được lưu ý nhiều vấn đề sức khỏe.

Tại sao lại cần lưu ý khi có thai muộn?

Có thai sau 35 tuổi sẽ nhiều nguy cơ cho thai phụ và thai nhi hơn. Thai phụ lớn tuổi trong suốt quá trình mang thai và sinh nở có tỉ lệ bệnh, nguy cơ cho sức khỏe em bé cũng nhiều hơn so với nhóm tuổi trẻ.

Tuổi tác ảnh hưởng như thế nào đến sinh sản?

Bác sĩ My cho biết: Khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm từ 32 tuổi, sau 37 tuổi thì tốc độ giảm càng nhanh. Số lượng trứng – chất lượng trứng (gọi chung là dự trữ buồng trứng) giảm. Chưa kể tuổi tác gia tăng có thể dẫn đến các nguy cơ nhân xơ, lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ.
Vì vậy chuyện có thai, sinh con của phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều theo tuổi tác.
Ngoài ra, những bệnh lý mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường cũng là mối nguy hại cho việc mang thai, sinh nở. Cụ thể, có thể dẫn chứng, trước 30 tuổi, sức khỏe phụ nữ tốt hơn sẽ ít gặp các vấn đề trong thai kỳ hơn. Sau 35 tuổi, nếu mang thai là đánh dấu cột mốc “tăng huyết áp thai kỳ” ngay. Cao huyết áp và tiểu đường là những bệnh lý tác động trực tiếp đến bánh nhau, sự phát triển của thai nhi.
Mẹ lớn tuổi còn kéo theo nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh. Có thể ví dụ các nghiên cứu cho thấy ở người mẹ 20 tuổi thì nguy cơ này ở thai nhi là 1/525; thai phụ 30 tuổi thì nguy cơ dị tật ở thai nhi là 1/385; trên 35 tuổi là 1/200 và trên 40 tuổi là 1/65.
Mặt khác, phụ nữ lớn tuổi khi muốn có thai có thể được thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và có thể mang đa thai. Khi mang đa thai lại tăng nguy cơ sinh non, cao huyết áp – tiền sản giật,…
Khả năng mổ lấy thai ở thai phụ lớn tuổi cũng nhiều hơn, đi kèm theo các nguy cơ, tai biến phẫu thuật tăng hơn.

Thai phụ trên 35 tuổi cần lưu ý gì?

Bác sĩ My khuyến cáo phụ nữ mang thai muộn cần lưu ý nhiều điều để đảm bảo sức khỏe bản thân và thai nhi khỏe mạnh.
Phụ nữ nên khám sức khỏe trước khi dự định mang thai.
Cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh.
Uống 0,4 mg acid folic mỗi ngày, ít nhất một tháng trước khi có thai và trong suốt thai kỳ để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ.
Tập thể dục đều đặn và phù hợp với sức khỏe thai kỳ.
Giảm cân nếu dư cân, béo phì.
Đặc biệt, không hút thuốc, uống rượu. Tìm hiểu về hóa chất độc hại trong môi trường sống và làm việc để hạn chế khả năng tiếp xúc.
Khám thai định kỳ. Trong đó, ngoài việc làm các xét nghiệm thường quy (như các thai phụ nguy cơ thấp, dưới 30 tuổi) thì thai phụ lớn tuổi cần nghiêm túc thực hiện các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ về tầm soát dị tật, tầm soát bất thường ở thai nhi. Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể. Có thể, thai phụ sẽ phải thực hiện các xét nghiệm đặc biệt như: sinh thiết gai nhau, chọc ối, NIPT (xét nghiệm gien sàng lọc trước sinh),…
“Đối với phụ nữ, tùy người, tùy hoàn cảnh mà có thể sinh con sớm hoặc muộn. Không ai có quyền lên án, chê trách phụ nữ có con muộn, mọi người chỉ có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ họ mà thôi”, bác sĩ My chia sẻ.
NGUYÊN MI
TNO