Đề phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ mầm non
Sức khỏe học đường:
Đề phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ mầm non
Bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh thường xuất hiện nhiều nhất ở môi trường học đường, đặc biệt là bậc mầm non.
Do vậy, khi trẻ quay trở lại trường, ngoài việc lo đề phòng dịch Covid-19, các cô giáo còn phải lên phương án phòng tay chân miệng cho các bé.
Môi trường tiếp xúc ở trường mầm non dễ khiến trẻ mắc bệnh tay chân miệng, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Độ tuổi càng nhỏ thì bệnh càng nặng, và có trên 90% trẻ sẽ khỏi sau 7 – 10 ngày.
Bà Phạm Thanh Tùng, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Yến (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết bệnh này có thể xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là vào những tháng nắng nóng, đặc biệt là vào tháng 6, 7 hoặc tháng 9, 10.
Bệnh có dấu hiệu dễ nhận biết như trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miếng, khóc, nói hoặc nuốt sẽ đau miệng; nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối, lở trong miệng.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Minh Uyên, Hiệu trưởng hệ thống Trường mầm non Việt Đức (TP.HCM), nói: “Đối với trường mầm non thì bệnh tay chân miệng sẽ gặp thường xuyên nên trường nào cũng có sẵn phương án cũng như kinh nghiệm để phòng bệnh. Giáo viên thậm chí đã có sẵn “phản ứng tự nhiên” với loại bệnh này”.
Theo bà Minh Uyên, biện pháp phòng bệnh trong các trường mầm non hiện tại vẫn là khử khuẩn, vệ sinh trường lớp thường xuyên, cho trẻ rửa tay sạch sẽ, bổ sung thực phẩm tăng cường sức đề kháng.
Khi phát hiện có bé nào bị bệnh, giáo viên sẽ tách bé ra, thông báo phụ huynh đưa con đi khám. Sau đó, trường sẽ vệ sinh, khử khuẩn lại toàn bộ phòng học, đồ dùng học tập, đồ chơi để bệnh không lây lan sang những bé khác.
Theo bà Phạm Thanh Tùng, các trường không nên chủ quan vì bệnh tay chân miệng lây lan rất nhanh. Ở môi trường mầm non, cách phòng bệnh là hằng ngày các lớp đều phải khử khuẩn bằng Cloramin B; quan trọng nhất, khi đón trẻ giáo viên phải kiểm tra trước khi cho vào lớp, đặc biệt đối với những bé ở lứa tuổi nhà trẻ (từ 3 tuổi trở xuống). Khi đón trẻ, nếu có bất kỳ triệu chứng bệnh nào giáo viên sẽ tách riêng và báo phụ huynh đón bé về.
Còn những trường hợp đi khám ở bệnh viện và đã có kết luận của bác sĩ, trường sẽ nhất quyết không nhận những bé này vào lớp và chỉ cho đi học trở lại khi có giấy xác nhận hết bệnh của cơ sở y tế.
Ngoài ra, trường cũng phải quan tâm đến chế độ ăn uống, dinh dưỡng hằng ngày của trẻ cũng như cách chăm sóc.
“Mình cũng phải thực hiện tuyên truyền với phụ huynh, vào những giờ phụ huynh đưa đón trẻ, trường sẽ phát thanh truyền thông những bệnh thường gặp ở trẻ, nhắc nhở họ lưu ý kiểm tra con mỗi ngày trước khi đưa đến trường, nếu phát hiện bệnh thì nên đưa đi thăm khám và cho bé ở nhà”, bà Thanh Tùng chia sẻ.
NGUYỄN LOAN
TNO