23/12/2024

6 dấu hiệu ‘tố cáo’ bạn bị thiếu đạm, chớ coi thường!

6 dấu hiệu ‘tố cáo’ bạn bị thiếu đạm, chớ coi thường!

Chúng ta đều đã nghe nói rằng đạm (protein) là khối xây dựng của cơ thể và hoàn toàn cần thiết để tồn tại.
Cơ thể cần đạm để sửa chữa các mô và tế bào cũ và tạo ra các tế bào mới trong cơ thể. Vì vậy, đạm rất cần cho hoạt động lành mạnh của cơ thể /// Ảnh minh họa: Shutterstock
Cơ thể cần đạm để sửa chữa các mô và tế bào cũ và tạo ra các tế bào mới trong cơ thể. Vì vậy, đạm rất cần cho hoạt động lành mạnh của cơ thể  ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Thiếu đạm là một trong những điều quan trọng nhất cần phải biết nhưng ít người biết điều này.

Cơ thể cần đạm để làm gì?

Cơ thể cần đạm để sửa chữa các mô và tế bào cũ và tạo ra các tế bào mới trong cơ thể. Vì vậy, đạm rất cần cho hoạt động lành mạnh của cơ thể.
Đạm là thành phần nhiều thứ hai trong cơ thể, chỉ sau nước. Đạm tập trung lượng lớn ở cơ bắp, khoảng 43%, da 15% và máu 16%, và lượng đạm tiêu thụ hằng ngày chiếm khoảng 10 – 15% năng lượng cung cấp cho cơ thể, theo Hindustan Times.

6 dấu hiệu lớn nhất giúp phát hiện cơ thể thiếu đạm

Đã đến lúc cần phải xác định những dấu hiệu thiếu đạm này trước khi quá muộn, theo Hindustan Times.

1. Giảm khối lượng cơ bắp

Giảm khối lượng cơ bắp thường là một trong những dấu hiệu lớn nhất của thiếu hụt đạm.
Điều này có thể xảy ra vì nếu cơ thể thiếu hụt lượng đạm trong chế độ ăn uống, nó có xu hướng lấy từ cơ bắp, lượng đạm cần thiết cho cơ thể. Theo thời gian, dẫn đến mất cơ. Chính vì vậy, cần tiêu thụ đủ lượng đạm cơ thể cần, để xây dựng cơ bắp khỏe mạnh.

2. Hệ miễn dịch bị tổn thương

A xít amin là chất dinh dưỡng thiết yếu được tìm thấy trong đạm. Tuy nhiên, sự thiếu hụt a xít amin có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Điều này có thể gây tổn hại cho hệ miễn dịch và có thể vô hiệu hóa khả năng cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Một nghiên cứu cho biết, tiêu thụ đạm có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và tránh được bệnh tật. Đạm dường như thúc đẩy sản xuất glutathione trong mô. Glutathione là một yếu tố trong hệ thống phòng thủ chống ô xy hóa trong cơ thể, quyết định chức năng miễn dịch,  theo Hindustan Times.

3. Xương dễ gãy

Đạm giúp duy trì mật độ xương và giúp xương chắc khỏe. Thiếu đạm có thể khiến xương yếu và dễ gãy.

4. Lâu lành vết thương

Thật ngạc nhiên là quá trình chữa lành vết thương có liên quan đến độ đạm trong cơ thể. Do đó cần ăn đủ lượng đạm tối thiểu khuyến nghị hằng ngày để giúp chữa lành và tăng tốc độ hồi phục các chấn thương do thể thao.

5. Tóc rụng, móng dễ gãy

Mặc dù đạm đảm nhiệm chức năng xây dựng và duy trì sự phát triển của tế bào, nhưng cũng là một phần thiết yếu của da, tóc và móng.
Thiếu đạm, có thể đỏ trên da, móng tay dễ gãy hơn và tóc dễ gãy rụng hơn. Khi thiếu đạm, tóc có thể mất đi độ bóng mượt và chẻ ngọn, lượng tóc giảm đi và kém dày,  theo Hindustan Times.

6. Thèm ngọt và tăng lượng calo hấp thu

Bạn có thường xuyên thèm đồ ngọt? Khi cơ thể cảm thấy thiếu đạm, nó có xu hướng phản ứng bằng cách tạo cảm giác đói, dẫn đến thèm ngọt.
Chỉ khi tiêu thụ đủ lượng đạm, mới có cảm giác no lâu và không thèm ăn. Vậy, điều gì xảy ra nếu ăn ít đạm hơn? Sẽ thấy đói, dẫn đến tiêu thụ nhiều calo hơn.

Nên ăn gì để có lượng đạm tối ưu?

Đối với người trưởng thành, lượng đạm khuyến nghị hằng ngày là khoảng 0,6 gram cho mỗi kg thể trọng. Nghĩa là một người nặng 50 kg cần khoảng 30 gram đạm một ngày.
Tương đương với 1 trong các thứ sau, theo Todaysdietitian.com.
• 90 gram thịt gà hoặc thịt bò nấu chín
• 120 gram thịt heo hoặc cá, tôm nấu chín
Bạn cũng cần biết thêm rằng, để có 10 gram đạm, cần một trong các thứ sau:
• 300 ml sữa đậu nành hoặc sữa bò không béo
• 200 ml sữa chua
• 2 cái trứng
• 75 gram đậu
• 50 gram hạt hạnh nhân hay đậu phộng, hạt dẻ cười, hạt hướng dương, theo Todaysdietitian.com.
Mặc dù cần đáp ứng đủ nhu cầu về đạm, nên ăn uống đa dạng và cân bằng tất cả các nhóm thực phẩm, như carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất, theo Hindustan Times.
THIÊN LAN
TNO