22/01/2025

Thêm hy vọng về thuốc điều trị Covid-19

Thêm hy vọng về thuốc điều trị Covid-19

Mặc dù vẫn còn nghi ngại nhưng một số nhà khoa học Mỹ gọi kết quả thử nghiệm lâm sàng thuốc remdesivir là bước đột phá tiềm năng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Các kỹ thuật viên chuẩn bị lọ thuốc thử nghiệm remdesivir	 /// Ảnh: Reuters
Các kỹ thuật viên chuẩn bị lọ thuốc thử nghiệm remdesivir  ẢNH: REUTERS
Viện Nghiên cứu quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm của Mỹ (NIAID) hôm qua 30.4 công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng thuốc remdesivir cho thấy bệnh nhân hồi phục nhanh hơn khoảng 30% so với những người dùng giả dược, theo AFP.
Ông Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, cho biết: “Dữ liệu cho thấy remdesivir có tác dụng tích cực trong điều trị Covid-19, giúp giảm thời gian bệnh nhân nằm viện”. Nghiên cứu của NIAID còn cho rằng remdesivir giúp tăng tỷ lệ sống sót cho bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, một số chuyên gia Mỹ vẫn tỏ ra nghi ngờ trước kết quả thử nghiệm remdesivir, theo Reuters.
Ông Michael Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ chối bình luận về kết quả thử nghiệm lâm sàng remdesivir vì WHO chưa đánh giá nghiên cứu của NIAID.
Trong báo cáo công bố hồi tuần rồi, WHO chỉ ra rằng remdesivir chỉ có tác dụng hạn chế khi được dùng để điều trị cho bệnh nhân ở TP.Vũ Hán (Trung Quốc), nơi đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm ngoái và lan rộng khắp thế giới. Trước đây, thuốc remdesivir do Công ty Gilead Sciences Inc. (Mỹ) sản xuất đã thất bại trong những cuộc thử nghiệm điều trị bệnh nhân nhiễm vi rút Ebola.
Bên cạnh đó, hai thuốc trị sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine vẫn chưa được chứng minh có tác dụng chống lại Covid-19 và một số thử nghiệm lâm sàng đã bị hủy bỏ vì tác dụng phụ nguy hiểm. Sau khi chỉ đạo chính phủ mua hơn 29 triệu liều thuốc sốt rét, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã ngừng quảng bá thuốc này hiệu quả trong điều trị Covid-19.
Ngoài thuốc điều trị, chính phủ Mỹ được cho là đang tiến hành chương trình rút ngắn thời gian phát triển vắc xin phòng Covid-19 với mục tiêu có sẵn 300 triệu liều cho người dân nước này vào tháng 1.2021, Bloomberg dẫn lời một quan chức tiết lộ. Tuy nhiên, WHO cảnh báo việc phát triển một loại vắc xin hiệu quả và an toàn có thể phải mất từ 12 – 18 tháng.
Theo WHO, các hãng dược và nhóm nghiên cứu trên thế giới đã phát triển ít nhất 70 loại vắc xin Covid-19 khác nhau. Đến nay, chỉ có 7 vắc xin đang được thử nghiệm lâm sàng tại một số quốc gia như Mỹ, Đức và Trung Quốc. Công ty Sinovac (Trung Quốc) mới đây tuyên bố phát triển vắc xin Coronavac phòng Covid-19 với kết quả thử nghiệm trên khỉ đầy hứa hẹn. Tuy mới bắt đầu thử nghiệm lâm sàng nhưng Sinovac tuyên bố có đủ khả năng sản xuất 100 triệu liều vắc xin Coronavac/năm.
Các chuyên gia cảnh báo chỉ khi có một vắc xin hiệu quả an toàn thì chính phủ các nước mới có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa cũng như quy định hạn chế đi lại và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang dần nới lỏng lệnh phong tỏa giữa lúc đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu, làm chết hơn 200.000 người khắp thế giới với hơn 3 triệu ca nhiễm.
PHÚC DUY
TNO