22/01/2025

Sài Gòn rộng lượng

Sài Gòn rộng lượng

Tính hào sảng của người Sài Gòn có từ thời khai sinh lập địa, càng ngày càng được chia sẻ và mang lại cho cộng đồng những câu chuyện dễ thương, xúc động có sức lan toả.

 

 

Sài Gòn rộng lượng - Ảnh 1.

Siêu thị 0 đồng ở chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM) được mở ra để hỗ trợ người nghèo vượt qua những ngày dịch bệnh khó khăn – Ảnh: DUYÊN PHAN

Mẹ tôi là “Bắc Kỳ di cư”. Hồi nhỏ, tôi nghe bà kể rằng lúc mới vào Sài Gòn đi chợ thấy người ta xé tờ giấy bạc một đồng làm đôi để thối tiền, ngon ơ! Lớn lên, tôi hay nghe bà con chòm xóm nói “bạc lẻ, bỏ qua” và rồi “chín bỏ làm mười”.

Về miệt dưới miền Tây, mới hay một chục trái cây có đến 12 hay 13, thậm chí 14 trái. Ăn cơm thì không mời nhưng cụng ly thì phải la “dzô”, hay “trăm phần trăm” thiệt tình. Xem cải lương thì nhớ mãi Lục Vân Tiên – “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha”.

Cá tính hào sảng của người Sài Gòn và rộng ra là cả Nam Bộ có nhân duyên buổi đầu của tính cách cộng đồng. Ai cũng thấy “người Nam Kỳ” có cái bụng rộng rãi, có cái tính xuề xòa. Ai vào đây ở riết rồi cũng lây tính lây nết.

Những sáng kiến từ thiện

Sáng kiến từ thiện hầu như thời nào ở Sài Gòn và “Nam Kỳ” cũng có và rất đa dạng. Tôi nhớ hồi nhỏ ở Sài Gòn có từ “lạc quyên” (đi quyên góp khắp nơi). Thường là các ngày chủ nhựt, các hướng đạo sinh, các nam sinh nữ sinh cầm thùng đi quyên tiền cho đồng bào bị hỏa hoạn hay bão lụt.

Đọc báo Phụ Nữ Tân Văn 1929-1930, tôi thấy nhà báo – chứ không phải Nhà nước thường xuyên đứng ra tổ chức quyên góp giúp người nghèo, hoạn nạn. Kể cả quyên góp tiền để đưa “học sanh nghèo” đi du học bên Pháp. Các trường ở Sài Gòn và Nam Kỳ từng có các “hội ái hữu cựu học sinh” rất mạnh. Đến bây giờ truyền thống cựu học sinh giúp trường giúp lớp và các thế hệ sau bằng nhiều hình thức vẫn còn đây đó và rất cần làm tới nữa.

Từ những năm 1960, Sài Gòn đã có các “Quán cơm xã hội” – ngày nay là các “Quán cơm 2000” do nhà báo và nhiều nhà hảo tâm ráp nhau cùng làm. Từ năm 1985 trở đi, chính báo Tuổi Trẻ và một số Việt kiều ở Úc cho ra đời chương trình học bổng “Vì ngày mai phát triển” – một phong trào đầu tiên sau năm 1975 cổ động người dân tiếp sức học hành và phát hiện tài năng trẻ.

Sau này miền Nam và lan ra cả nước có thêm các phong trào “Nhà tình nghĩa”, “Nhà tình thương”, “Ngôi nhà mơ ước”, xây trường và xây cầu cho các vùng sâu vùng xa, đều là những sáng kiến độc đáo, hữu ích của báo chí và người dân.

Nói chung đất Sài Gòn và miền Nam không chỉ giàu có của cải mà còn giàu có tấm lòng và sáng kiến việc thiện. Hễ biết khơi dậy và cổ võ người dân đúng cách và đúng lúc thì xã hội lúc nào cũng dồi dào ý tưởng và vật lực. Hãy tiếp tục nuôi dưỡng niềm tự hào dân Sài Gòn, dân “Nam Kỳ” là dân tứ xứ, dân đất mới lúc nào cũng hăng hái tìm kiếm, hội nhập với cái hay cái mới, cái cao thượng.

Nuôi dưỡng lòng yêu thương

Thời nay đang có nhiều biến đổi vùn vụt, không lường được. Song cái nghĩa khí “lá lành đùm lá rách” vẫn đang lan tỏa qua câu chuyện các “ATM gạo”, các thùng “bánh mì từ thiện”, các “siêu thị 0 đồng” nảy nở từ đất Sài Gòn. Hàng giây, hàng giờ, các ý chí và nghĩa cử “hào sảng” đó nếu tiếp tục lên mạng, lên sách, lên báo, lên giảng đường thì thế hệ sau nối thế hệ trước còn nghĩ, còn làm nhiều việc hay và đẹp thêm nữa.

Tôi nghĩ ở nước nào cũng thế, lãnh thổ rộng lớn, cư dân đông đúc sẽ có lắm điều, lắm việc phức tạp. Do vậy, xã hội văn minh cần có luật lệ để hướng dẫn và ủng hộ người ngay người tốt, đồng thời phòng chống bọn xấu, kẻ gian. Trước nhất cần xem việc sống nhân nghĩa và nhân văn là tiêu chuẩn chung của xã hội. Chúng ta – từ Nhà nước đến nhà trường và gia đình – đều có trách nhiệm dạy dỗ và nuôi dưỡng lòng yêu thương đồng loại và yêu thương đồng bào cho trẻ nhỏ.

Hiện nay, đáng mừng là người dân, doanh nghiệp đang hưởng ứng mệnh lệnh từ trái tim và vận động của chính quyền để tham gia phòng chống COVID và khắc phục khó khăn. Rất nhiều người, nhất là những người trẻ, không chỉ khởi xướng làm “ATM gạo” hay quyên góp tiền mua trang thiết bị cho ngành y tế mà còn bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và sản xuất các loại máy trợ thở, bộ xét nghiệm, máy khử trùng và robot phục vụ ở các bệnh viện.

Vui lắm chớ, người Sài Gòn và người dân Việt Nam nói chung đang tiếp nối mạnh mẽ dòng máu “đào viên kết nghĩa”, “hoạn nạn tương cừu – sinh tử bất ly”, đã sinh sôi từ thuở đi “mở đất”.

Dân cư Sài Gòn không chỉ là tứ xứ một miền, mà là ba miền và là dân cư quốc tế, chứ không chỉ nội địa, ngay từ đầu thế kỷ 20. Lịch sử Sài Gòn và đất Nam Kỳ phần nào đó giống với lịch sử Hoa Kỳ thuở lập quốc. Nói chẳng ngoa, Sài Gòn cũng là một loại hợp chủng thị, hợp chủng phố từ xưa.

Người Sài Gòn đa chủng, đa văn hóa, rộng rãi, rộng lớn về cả số lượng và chất lượng. Xem ra, dân Sài Gòn, “dân Nam Kỳ” nói giọng và nói tiếng khác nhau thì phải biết dung hòa và hòa nhập. Muốn vậy, không cách nào khác, người ta phải rộng lượng, khoan dung. Biết nhường nhịn nhau, biết cư xử đẹp với nhau thì dân chúng hay vợ chồng mới có thể “ăn đời ở kiếp” với nhau đặng.

PHÚC TIẾN
TTO