22/01/2025

2020 sẽ là năm của thiên tai bất thường ?

2020 sẽ là năm của thiên tai bất thường ?

Mưa đá, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài…; những hiện tượng thiên tai bất thường xảy ra ngày càng nhiều, VN đang gánh chịu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu toàn cầu.
VN cũng như thế giới đang chịu ngày càng nhiều tác động 
tiêu cực từ biến đổi khí hậu
 /// Ảnh: Ngọc Dương
VN cũng như thế giới đang chịu ngày càng nhiều tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Mùa khô kéo dài thêm 1 tháng

Sau những ngày nắng nóng với nhiệt độ cao nhất có nơi lên tới 37 độ C, TP.HCM nói riêng và các tỉnh, thành Nam bộ nói chung vừa đón những cơn mưa chuyển mùa hạ nhiệt. Cá biệt, chiều 25.4, một số khu vực phía bắc TP.HCM (Q.12) đã xảy ra hiện tượng mưa đá. Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan lý giải khi thời tiết quá nắng nóng, hơi nước bốc lên nhiều, bị đẩy lên cao và hình thành mây đối lưu. Trời càng nóng, dòng đối lưu càng mạnh, đẩy những hạt hơi nước lên càng cao, gặp không khí lạnh nên bị đóng băng, trở thành mưa đá. Do đó, mưa đá thường xuất hiện ở những vùng có địa hình đồi núi cao, dễ đẩy dòng mây đối lưu lên cao như vùng núi phía bắc, phía tây miền Trung như các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Chỉ có cách làm chậm lại, giảm bớt các tác động tiêu cực lên bầu khí quyển thì may ra con người mới có thể từ từ thích ứng được với biến đổi khí hậu

Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan

Tại TP.HCM, tháng 4 vừa qua là cao điểm mùa nóng nên hơi nước nhiều, dòng đối lưu đẩy mạnh lên cao khiến mưa đá xuất hiện. Theo bà Lan, đây không phải lần đầu tiên khu vực Nam bộ có mưa đá, song với điều kiện địa hình như tại TP.HCM thì mưa đá được xem là hiện tượng thiên tai bất thường. Cũng theo bà Lan, mùa khô năm nay tại TP.HCM đã kéo dài quá lâu, tới 6 tháng, trong khi trung bình mọi năm chỉ kéo dài 5 tháng. Mùa mưa đến hơi trễ, cùng với lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Kông rất ít khiến nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam bộ rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Không chỉ khu vực Nam bộ, từ đầu năm đến nay, các tỉnh phía bắc cũng xuất hiện nhiều hiện tượng thiên tai bất thường. “Phát súng mở màn” chính là cơn mưa đá, giông, sấm sét bất thường kỳ lạ trong đêm giao thừa Tết Canh Tý ở Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc. Đây là hiện tượng được người dân cũng như các nhà khoa học khẳng định chưa từng xuất hiện trong vòng 30 – 40 năm qua. Tính đến nay, các tỉnh khu vực phía bắc đã trải qua 6 đợt mưa đá, hạt mưa có nơi kích thước lên tới 4 – 5 cm, gấp đôi so với trung bình mọi năm. Cuối tháng 4 vừa rồi, miền Bắc bất ngờ đón đợt không khí lạnh với nền nhiệt độ xuống khá thấp, trời rét cả ngày, kèm theo mưa giông. Trong khi đó, thông thường thời điểm này mọi năm, không khí lạnh còn nhưng đã suy yếu, không khí chỉ se lạnh vào ban đêm và sáng sớm.
Bà Lê Thị Xuân Lan đánh giá trước đây, các hiện tượng thiên tai bất thường thỉnh thoảng mới xuất hiện, bây giờ năm nào cũng có. Tại VN, mỗi năm lại đón nhận thêm hiện tượng bất thường khác nhau, càng ngày càng nhiều. “Mùa bão, lũ năm nay có lẽ cũng sẽ đến sớm hơn vì theo dự báo, trong khoảng từ 2 – 5.5 phía tây Thái Bình Dương tại Philippines sẽ xuất hiện 2 cơn bão, có thể đi lên về phía Đài Loan, không vào đất liền VN nhưng sẽ chủ yếu ảnh hưởng tới vùng biển Hoàng Sa của chúng ta. Mùa bão được định nghĩa từ tháng 6 đến tháng 11 nhưng năm nay từ đầu tháng 5 đã xuất hiện. Các tỉnh Nam bộ cần đề phòng xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, mưa giông, có gió giật, lốc xoáy mạnh. Những dấu hiệu từ đầu năm tới giờ cho thấy năm nay, thời tiết tại VN sẽ còn nhiều bất thường “kinh khủng” hơn”, chuyên gia này dự báo.

Có thể làm giảm hoặc tăng chậm

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên – Môi trường), trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diện tích băng ở các cực liên tục giảm và nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục tăng. Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong giai đoạn 2010 – 2019 và 5 năm gần đây có nhiệt độ cao nhất trong 140 năm qua. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) dự báo năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu có thể tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.

 “Tại VN, kế hoạch hành động bảo vệ môi trường, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu đều đã được các địa phương đưa ra nhưng chỉ làm được khoảng 10 – 15%, nguyên nhân lớn nhất là không đủ kinh phí thực hiện. Chúng ta chỉ có thể tìm cách thích ứng, tùy theo mỗi địa phương, mỗi ngành nghề. Có thể từng bước khôi phục rừng, trang bị những phương pháp khác nhau để chuyển đổi ngành nghề, cây trồng, vật nuôi và có chính sách khuyến khích những sự chuyển đổi trên. Đây là bài toán có lời giải nhưng rất khó thực hiện. Chỉ còn cách sống chung với lũ, kéo giảm được đến đâu hay tới đó”.

PGS-TS Lê Anh Tuấn

Chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan nhận định biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp, nhiệt độ trái đất, nhiệt độ của bầu khí quyển đang ngày càng nóng lên kéo theo hàng loạt hiện tượng thời tiết, thiên tai bất thường. Tất cả nguyên nhân đã được “chỉ mặt điểm tên”, hậu quả cũng đã được liên tục cảnh báo nhưng con người gần như không có cách gì để ngăn chặn quá trình này. Theo bà Lan, thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhịp sống trên toàn thế giới chậm lại, xe cộ di chuyển ít hơn, nhiên liệu sử dụng ít hơn…, bầu khí quyển lập tức được cải thiện rõ rệt. “Nói vậy để thấy chúng ta không thể ngăn chặn nhưng có thể làm giảm hoặc tăng chậm quá trình biến đổi khí hậu bằng cách giảm phát thải khí CO2, giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. Chỉ có cách làm chậm lại, giảm bớt các tác động tiêu cực lên bầu khí quyển thì may ra con người mới có thể từ từ thích ứng được với biến đổi khí hậu”, bà Lan nhấn mạnh.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), cho hay 1 quốc gia không thể làm thay đổi quá trình biến đổi khí hậu mà cần sự đồng lòng, chung tay góp sức của cả thế giới. Thực tế hiện nay, giữa các quốc gia đã có rất nhiều hứa hẹn, cam kết chính sách bảo vệ môi trường nhưng hành động không như mong muốn. Đơn cử, Nghị định thư Kyoto – một nghị định liên quan đến Công ước khung Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – được ký tại Nhật Bản từ 1997 nhưng đến nay bản thân nước Nhật cũng chưa thực hiện được theo đúng cam kết. Điều này khiến quá trình biến đổi khí hậu trở nên tiếp tục trầm trọng, thiên tai bất thường ngày càng lộ ra.
HÀ MAI
TNO