19/11/2024

Học sinh ngồi cách nhau 1,5m: Không bắt buộc!

Học sinh ngồi cách nhau 1,5m: Không bắt buộc!

Quy định khoảng cách chỗ ngồi của học sinh trong trường học tối thiểu phải đạt 1,5m của Bộ Y tế khiến nhiều trường ở TP.HCM và Hà Nội lúng túng khi ngày học sinh trở lại trường đang đến gần.

 

Học sinh ngồi cách nhau 1,5m: Không bắt buộc! - Ảnh 1.

Thực tập đo thân nhiệt trước khi đón học sinh trở lại của Trường liên cấp Edison (Hưng Yên) – Ảnh: XUÂN TÙNG

Hà Nội và TP.HCM dự kiến từ ngày 4-5 bắt đầu cho học sinh bậc trung học trở lại trường. Các bậc học khác sẽ lần lượt đi học sau đó.

Những ngày này tất cả các nhà trường đều phải dự trù kế hoạch bố trí thời khóa biểu, cách tổ chức dạy học theo khuyến cáo của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn. Nhưng là hai địa phương có số học sinh/lớp rất đông, trường lớp học nhiều nơi còn thiếu, việc giãn cách dù chỉ ở mức hơn bình thường đã khó, chưa nói tới đảm bảo khoảng cách 1,5m.

Học 3 ca/ngày?

Chia sẻ về khó khăn này, ông Phạm Ngọc Anh – trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội – cho biết sĩ số trung bình ở khối THCS của quận là 45 – 50 học sinh/lớp. Để có thể giãn cách theo quy định, chỉ còn cách chia 3 ca/lớp. Có nghĩa mỗi ca bố trí khoảng 16 – 17 học sinh.

“Nhiều trường đã tính toán để học sinh ngồi 2 đầu bàn, đảm bảo cũng giãn cách ít nhất 1,2m. Nhưng khoảng cách chiều dọc giữa các bàn thì không thể đẩy xa quá được do phòng không đủ rộng và cho dù đủ rộng thì việc giãn xa quá, học sinh sẽ khó nhìn được bảng” – ông Ngọc Anh nói.

Với giải pháp chia lớp học theo 3 ca học/ngày, chưa kể các khó khăn khác, chỉ tính toán về cơ sở vật chất thì theo ông Ngọc Anh cũng rất khó thu xếp do thiếu phòng học.

Tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) – một trường chất lượng cao sĩ số trung bình chỉ có 35 học sinh/lớp (ít hơn rất nhiều so với các trường công lập bình thường), câu chuyện giãn cách cũng khá nan giải.

“Trường hợp khối 12 đi học trước, chúng tôi vẫn phải chia 1 lớp 2 ca học. Đồng thời sẽ chỉ bố trí dạy một số môn trên lớp, còn một số môn khác vẫn phải dạy trực tuyến. Nếu đồng thời cả 3 khối lớp đi học thì việc chia ca còn khó hơn do thiếu phòng, thiếu nhân lực (giáo viên)” – thầy Hà Xuân Nhâm, hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, cho biết.

Ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội, một trường có cơ sở vật chất còn thiếu thốn), theo thầy Nguyễn Tùng Lâm – chủ tịch hội đồng giáo dục nhà trường, tình thế hiện tại khiến trường phải lựa chọn ưu tiên khối 12 hơn. Theo đó, khối 12 sẽ đi học đầy đủ theo thời khóa biểu, còn khối 10, 11 sẽ đi học cách nhật, kết hợp dạy học trực tuyến.

“Chúng tôi chia 1 lớp làm 2 ca học chéo giờ. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ giãn cách hơn bình thường chứ không thể đảm bảo cách 1,5m” – thầy Tùng Lâm nói.

TP.HCM cũng vấp phải khó khăn tương tự khi sĩ số bình quân của học sinh các trường tương đối cao, quỹ phòng học dự phòng để có thể chia lớp hạn chế, có nơi không có.

Một lãnh đạo phòng GD-ĐT ở một quận vùng ven TP.HCM phân tích: “Việc tách lớp chỉ thuận lợi đối với những trường có điều kiện tổ chức cho 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Chứ ở địa phương chúng tôi, tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày rất ít. Đã vậy, sĩ số học sinh/lớp lại rất cao, có nhiều lớp hơn 50 học sinh. Như vậy, nếu tách lớp thì phòng ốc đâu ra cho học sinh ngồi học, kinh phí đâu ra để trả thù lao cho giáo viên khi các thầy cô phải làm thêm giờ?”.

Giáo viên dạy tăng tiết, có tăng thù lao?

“Dự kiến nhà trường sẽ tách lớp, theo đó mỗi lớp học trước đây sẽ tách ra học tại 2 phòng học khác nhau. Thay vì trước đây các em học 2 buổi/ngày thì bây giờ trường chỉ có thể tổ chức học 1 buổi/ngày mới có đủ phòng ốc để giảng dạy. Điều tôi lo lắng nhất là phía giáo viên. Nếu tách lớp như vậy, giáo viên sẽ phải làm việc gấp đôi bình thường. Tức là trước đây nếu mỗi giáo viên giảng dạy 4 – 5 lớp thì nay phải dạy từ 8 – 10 lớp” – cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, TPHCM, cho biết.

Cô Hạnh tính toán: “Chúng tôi sẽ bố trí mỗi đơn vị lớp học trước đây học ở 2 phòng A-B nằm gần nhau, trong cùng 1 buổi sáng hoặc chiều trong ngày. Khi giáo viên giảng bài ở phòng A xong thì giao bài cho học sinh làm, sau đó sang phòng B để giảng tiếp cho học sinh.

Như vậy sẽ phát sinh một chuyện: phải có lực lượng giáo viên giữ lớp khi giáo viên bộ môn đi sang phòng khác, bảo đảm cho học sinh trật tự ngồi làm bài, không tụm năm tụm ba ngồi nói chuyện với nhau để tránh dịch bệnh. Lực lượng này nhà trường cũng có thể lo được bằng cách nhờ những giáo viên có ít tiết như giáo viên thể dục, tin học…

Nhưng vấn đề đặt ra là giáo viên vất vả như thế, phải làm việc gấp đôi ngày thường như thế thì phải có khoản thù lao hỗ trợ. Hiện trường cũng không biết phải lấy từ nguồn kinh phí nào để thực hiện việc này”.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Ánh Mai, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn, TP.HCM, chia sẻ: “Nhà trường mong rằng thành phố sẽ có nguồn kinh phí để hỗ trợ các trường chi khoản thù lao cho giáo viên nếu phải thực hiện việc tách lớp. Bởi tách lớp, học sinh trước đây học 2 buổi/ngày, giờ chuyển qua học 1 buổi/ngày thì nhà trường vẫn phải đảm bảo số tiết dạy theo quy định.

Ví dụ trước đây học sinh được học 36 tiết/tuần thì nay khi tách lớp, chỉ học 1 buổi/ngày các em vẫn được học đủ 36 tiết/tuần. Việc giảng dạy trực tiếp ở trường không đủ số tiết thì giáo viên sẽ phải dạy trực tuyến để bổ sung. Như vậy, các thầy cô rất áp lực và vất vả vì công sức, thời gian phải bỏ ra gấp đôi so với ngày thường”.

Học sinh ngồi cách nhau 1,5m: Không bắt buộc! - Ảnh 2.

Học sinh TP.HCM tại lễ khai giảng năm học 2019-2020 – Ảnh: H.HG.

Chỉ khuyến cáo, linh hoạt thực hiện

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học – Bộ GD-ĐT, khoảng cách 1,5m là khuyến cáo của Bộ Y tế, còn Bộ GD-ĐT chỉ hướng dẫn các nhà trường tùy theo điều kiện, bố trí chỗ ngồi giữa hai học sinh có khoảng cách phù hợp để đảm bảo an toàn.

“Tùy theo điều kiện cụ thể, các nhà trường linh hoạt thực hiện tổ chức dạy học trong giai đoạn “giao thời”, khi dịch chưa chấm dứt hoàn toàn để giữ an toàn cho học sinh. Bộ GD-ĐT không quy định cứng phải đảm bảo đúng khoảng cách 1,5m. Đây là khuyến cáo để các nhà trường căn cứ vào đó có các giải pháp triển khai.

Ví dụ đã có những trường tổ chức chia nhóm, chia ca học, kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp, làm vách ngăn tạm thời giữa các chỗ ngồi học sinh, bố trí thời khóa biểu cách nhật…” – ông Thành chia sẻ.

Ông Thành nhấn mạnh các nhà trường cần xây dựng kế hoạch dạy học theo các giai đoạn. Trong đó, 1-2 tuần đầu tiên trở lại trường, có thể vẫn phải duy trì dạy học cách nhật, hoặc kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

“Thay vì dạy trực tuyến như trước thì có thể bố trí các tiết dạy trực tiếp. Nhưng nội dung dạy học phải thay đổi. Cụ thể là học sinh nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu, thực hiện yêu cầu học tập ở nhà theo hướng dẫn của giáo viên, có thể học bài mới theo hình thức trực tuyến. Còn thời gian đến lớp để giáo viên giải đáp thắc mắc, giúp học sinh hiểu kỹ bài hơn, tổ chức luyện tập phần kiến thức đã học trực tuyến.

Như vậy sẽ giảm bớt thời gian tiết học. Nội dung kiến thức lẽ ra dạy 2 tiết/lớp thì với cách điều chỉnh này có thể chỉ là 1 tiết, chia theo 2 ca học. Thời gian lao động của giáo viên sẽ được cân đối giảm bớt” – ông Thành gợi ý.

Dự kiến lộ trình đi học lại của học sinh TP.HCM

Chiều 28-4, UBND TP.HCM có văn bản thông báo về tờ trình của Sở GD-ĐT TP.HCM về việc đi học lại của học sinh – sinh viên trên địa bàn TP. Theo đó, dự kiến bắt đầu từ ngày 4-5, học sinh TP.HCM sẽ đi học trở lại theo từng khối lớp, không tập trung đồng loạt. Cụ thể:

Ngày 4-5: học sinh khối lớp 9 và lớp 12 đến trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ngày 5-5: học sinh khối lớp 9 và lớp 12 bắt đầu đi học chính thức.

Ngày 8-5: học sinh các lớp 5 (buổi sáng) và lớp 4 (buổi chiều) cùng các khối lớp còn lại bậc trung học (lớp 6, 7, 8, 10, 11) đến trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ngày 11-5: học sinh các lớp 4, 5 cùng các khối lớp còn lại bậc trung học (lớp 6, 7, 8, 10, 11) bắt đầu đi học chính thức; học sinh các lớp 1, 2, 3 bậc tiểu học đến trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Ngày 12-5: học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 đi học bình thường.

Ngày 18-5: lớp Lá (trẻ 5 tuổi) bắt đầu đi học trở lại.

Ngày 25-5: lớp Mầm và Chồi bắt đầu đi học trở lại.

Ngày 1-6: các lớp nhà trẻ còn lại bắt đầu đi học trở lại.

H.HG.

1,5m không phải là tất cả

Tôi cho rằng điều quan trọng nhất khi học sinh đi học lại không chỉ là khoảng cách chỗ ngồi của các em trong phòng học mà chính là khi học sinh bước ra khỏi phòng học. Bởi trong phòng học, tất cả học sinh, giáo viên đều đeo khẩu trang, giáo viên không tổ chức hoạt động nhóm thì tất cả học sinh ngồi nhìn lên bục giảng, có quay qua quay lại đâu nói chuyện riêng được đâu mà ngại.

Lo nhất là giờ ra chơi, ra về, các em ôm vai bá cổ hoặc ngồi tụm lại chuyện trò thân mật với nhau, cùng ăn chung, uống chung… Thế nên, tôi cho rằng cái chính là giáo dục ý thức phòng dịch bệnh cho học sinh, cắt cử nhân viên nhắc nhở học sinh trong quá trình các em học tập, sinh hoạt tại trường.

Một giáo viên môn hóa ở quận 5, TP.HCM

VĨNH HÀ – HOÀNG HƯƠNG
TTO