20/11/2024

Hàng ngàn người về nước, Việt Nam rốt ráo chặn nguy cơ ‘nhập khẩu nguồn lây’

Hàng ngàn người về nước, Việt Nam rốt ráo chặn nguy cơ ‘nhập khẩu nguồn lây’

Giai đoạn sắp tới với chính sách bảo hộ công dân, hàng ngàn người Việt từ nước ngoài tiếp tục về nước. Điều khiến ngành y tế cả nước lo ngại nhất là nguy cơ ‘nhập khẩu nguồn lây’.

 

Hàng ngàn người về nước, Việt Nam rốt ráo chặn nguy cơ nhập khẩu nguồn lây - Ảnh 1.

Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ lấy mẫu xét nghiệm công dân từ Singapore về cách ly tại Cần Thơ ngày 24-4 – Ảnh: T.LŨY

Đã 20 ngày trôi qua TP.HCM không phát sinh ca bệnh mới và hiện chỉ còn 1 bệnh nhân duy nhất điều trị nhưng lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định đơn vị đang rất thận trọng để kiểm soát đầu vào lẫn đầu ra, nhất là giai đoạn 3 đang cận kề.

Người Việt khắp nơi về nước

Theo thông tin từ sân bay Cần Thơ, chiều 26-4 nơi này tiếp nhận 105 công dân Việt Nam từ Indonesia về nước, sau khi kiểm tra y tế, đo thân nhiệt, hành khách được xe Quân khu 9 đưa về cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Sóc Trăng (cũ).

Tại đây tất cả sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Trước đó, sân bay Cần Thơ cũng đã đón 215 công dân từ Singapore trở về cách ly tại Trường Quân sự Cần Thơ.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thông – giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ – thông tin tất cả người về trên chuyến bay số hiệu VJ812, từ Singapore về ngày 24-4 đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus corona.

Cục Hàng không Việt Nam trong văn bản ngày 21-4 cho biết sẽ có 13 chuyến bay vận chuyển công dân Việt Nam từ Nhật Bản, Mỹ, Canada, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Singapore, Indonesia, Philippines, Thái Lan và UAE về nước.

Trong đó, Vietnam Airlines sẽ thực hiện 10 chuyến, Vietjet Air 2 chuyến và Bamboo Airways 1 chuyến.

Lịch bay dự kiến đưa công dân từ nước ngoài trở về Việt Nam khá dày, như ngày 29-4 Vietnam Airlines bay đón hành khách từ UAE, ngày 30-4 đón khách từ Canada, ngày 2-5 dự kiến đón khách từ San Francisco và Pháp từ ngày 5-5…

Còn lịch đón công dân từ Tây Ban Nha, Nga, Thái Lan… đang chờ cơ quan chức năng làm việc, chốt thời gian sau.

Tuy nhiên, lịch trình trên có thể thay đổi phụ thuộc vào tình hình diễn biến của dịch bệnh các nước liên quan, thu xếp chuyến bay của hàng không và thu xếp cơ sở cách ly tại Việt Nam…

Trong 13 chuyến bay “giải cứu công dân” về nước vì lý do đặc biệt cần thiết, Vietnam Airlines đã đưa 300 hành khách từ Nhật Bản hạ cánh xuống sân bay Vân Đồn vào ngày 24-4.

Nguồn tin Tuổi Trẻ cho biết lịch trình các chuyến bay sẽ có nhiều thay đổi. Số lượng khách và thời gian đó sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan.

Sau khi Bộ Ngoại giao tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 có ý kiến đồng ý, Cục Hàng không Việt Nam cấp phép, các hãng bay sẽ tổ chức chuyến bay đảm bảo quy định về an toàn.

Với các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Nga, Tây Ban Nha… Vietnam Airlines thực hiện chuyến bay vào khoảng thời gian mà Cục Lãnh sự đề xuất, thời điểm chính xác tùy thuộc vào việc cấp phép tàu bay của các nước liên quan.

Chuẩn bị thêm khu cách ly tập trung

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho hay ngành y tế TP vẫn tiếp tục triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 theo quy định tại sân bay đối với các hành khách từ quốc tế vào Việt Nam.

Ngoài ra, để khống chế nguồn lây ra cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) đang tích cực theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh nhân xuất viện sau điều trị COVID-19.

Đây được coi là “quy trình kép”, song song với quy định cách ly tại nhà 14 ngày sau khi xuất viện hoặc cách ly tập trung của Bộ Y tế.

Và theo quy trình khi người nước ngoài nhập cảnh vào TP.HCM, sau khai báo y tế, xét nghiệm nhanh với COVID-19 đều được sắp xếp đưa về các khu cách ly tập trung.

Ngoài khu cách ly tập trung tại ký túc xá ĐH Quốc gia đã trả lại để phục vụ sinh viên, hiện TP.HCM còn 21 khu cách ly trực thuộc TP và quận huyện quản lý vẫn đang trong trạng thái sẵn sàng đón nhận người cách ly.

Ngoài ra, HCDC đang phối hợp với Bộ tư lệnh TP khảo sát thêm các cơ sở có thể triển khai cách ly tập trung và kế hoạch bố trí nhân sự tại từng khu cách ly.

Với sự chuẩn bị này, TP.HCM đang sẵn sàng cách ly y tế số lượng lớn người nhập cảnh, người tiếp xúc với ca bệnh, người có nguy cơ.

Đảm bảo giãn cách cả người cách ly

Theo đại tá Phan Văn Chương – cục phó Cục Hậu cần Bộ tư lệnh Quân khu 9, hiện tại 12 tỉnh ĐBSCL do Quân khu 9 quản lý đều có khu cách ly tập trung tại Trường quân sự tỉnh (cũ).

Hiện tại, số giường cách ly tập trung do quân đội quản lý hơn 6.000 giường, thêm số giường tại các khu ký túc xá trường học do các địa phương ở ĐBSCL quản lý cũng khoảng mười mấy ngàn giường nữa.

Đối với công tác cách ly đợt 2 này, mọi việc đều đảm bảo hơn, từ việc vận chuyển xe về điểm cách ly cũng đảm bảo giãn cách chỉ chở nửa số người, ví dụ xe 29 chỗ ngồi chỉ chở 16 người; tại các phòng cách ly cũng bố trí giãn cách một nửa, phòng rộng chỉ bố trí 6 người, phòng nhỏ 2-3 người…

Riêng đối với lực lượng hậu cần, lái xe đưa đón, nhân viên phục vụ tại khu cách ly được trang bị bảo hộ phòng dịch toàn bộ ngay từ đầu, đại tá Chương cho hay.

Về việc phối hợp với quân khu trong việc đón tiếp, xét nghiệm, điều trị công dân về nước đợt 2, ông Cao Minh Chu – giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ – cho biết thực hiện kế hoạch phối hợp, ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng số giường cách ly theo yêu cầu.

Hiện Cần Thơ có 11 khu cách ly tập trung của TP và 9 quận huyện, sẵn sàng phương tiện trang thiết bị phòng dịch, hóa chất sát khuẩn…

Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho hay so với đợt trước, lần này TP.HCM có sự chủ động nên chuẩn bị tốt hơn về cả nhân lực, vật lực và cả kinh nghiệm ứng phó với dịch.

Điều này là lợi thế lớn nhưng vị này nhấn mạnh không vì thế mà chủ quan bởi dịch bệnh còn diễn biến rất khó lường.

Sẵn sàng cho giai đoạn 3

Về giải pháp ứng phó với nguy cơ “nhập khẩu nguồn lây“, bác sĩ Nguyễn Trung Hòa – giám đốc Trung tâm y tế Q.Gò Vấp, TP.HCM (một trong các đơn vị tiếp nhận người cách ly) – nhận định giai đoạn 3 là “giai đoạn Đông Nam Á”, bởi đây có thể là mầm mống nguy cơ lây nhiễm COVID-19 khi hết thời gian giãn cách xã hội và mở cửa giao thương.

Bác sĩ Hòa cho rằng nước ta phải chuẩn bị kỹ hơn các nước khác bởi miễn dịch cộng đồng đối với virus corona nước ta rất ít.

Hay nói đúng hơn là người Việt chưa có một kháng thể đủ để miễn dịch, trong khi theo nghiên cứu muốn hết dịch hoàn toàn phải có trên 50% số người nhiễm trong cộng đồng.

“Virus này chưa xâm nhập sâu vào hệ thống miễn dịch cộng đồng, do đó chúng ta cần phòng ngừa kỹ hơn các nước và xác định ứng phó thời gian dài, bởi nước ta hết dịch nhưng nước ngoài còn dịch thì cũng chưa thể yên tâm” – bác sĩ Hòa nói.

Khuyến cáo người dân, kiều bào hạn chế tối đa di chuyển

Thông tin từ Bộ Ngoại giao cho hay hơn 100 công dân Việt Nam ở Indonesia được đưa về nước ngày 26-4 bởi Hãng hàng không Vietjet Air là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn như trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, sinh viên không có nơi cư trú do các ký túc xá đóng cửa, những người hết hạn thị thực nhưng bị kẹt lại do Covid-19.

Ở chiều đi, chuyến bay của Vietjet Air cũng đưa một số công dân Indonesia về nước.

Chuyến bay được đảm bảo chặt chẽ về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ. Sau khi hạ cánh tại Cần Thơ, những người tham gia chuyến bay đều sẽ được kiểm tra sức khỏe và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Hiện nay, các cơ quan chức năng trong nước và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam và kiều bào tuân thủ theo hướng dẫn của chính quyền sở tại, hạn chế tối đa việc di chuyển và không nên về nước nếu không có lý do cấp bách.

Đồng thời phối hợp tổ chức một số chuyến bay riêng lẻ để đưa những công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước, trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế cũng như khả năng tổ chức tiếp nhận, cách ly ở trong nước.

D.AN

HOÀNG LỘC – CÔNG TRUNG – T.LŨY
TTO