01/11/2024

Trẻ chậm nói, khi nào cần can thiệp?

Trẻ chậm nói, khi nào cần can thiệp?

Nhiều trẻ chưa biết nói khi qua 2 tuổi, không phản ứng với âm thanh nhưng không được gia đình đưa đi khám.
Sự quan tâm của bố mẹ vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ của trẻ /// Ảnh minh họa: Shutterstock

Sự quan tâm của bố mẹ vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngôn ngữ của trẻ Ảnh minh họa: Shutterstock

Nghe kém – nguyên nhân ít được biết

Bé Th. 2 tuổi nhưng chỉ nói được vài từ quen thuộc. Sau khi được khám chuyên khoa tâm lý, xác định không mắc tự kỷ, bé được đi học mầm non. Tuy nhiên, sau nửa năm vẫn không thấy con nói nhiều hơn, gia đình đưa bé đến khám tại Trung tâm thính học và trị liệu ngôn ngữ thuộc Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội). Tại đây, gia đình bất ngờ khi được bác sĩ thông báo bé Th. bị nghe kém.
Bé Nguyễn H.N (3 tuổi, ở Thanh Hóa) được gia đình đưa đến khám với lý do cháu chưa biết nói. Mẹ của bé N. chia sẻ: “Ban đầu, gia đình chỉ nghĩ con chậm nói hơn so với các bạn cùng trang lứa, nên cứ hy vọng và chờ. Chúng tôi cũng mua rất nhiều tranh ảnh, đồ chơi để dạy con nhưng con vẫn không có tiến bộ”. Đưa con đi khám, gia đình của bé N. được bác sĩ cho biết: “Con bị suy giảm sức nghe ở mức độ nặng”.
Th.S-BS Lại Thu Hà, Giám đốc Trung tâm thính học và Trị liệu ngôn ngữ, BV Nhi T.Ư (Hà Nội), cho biết hiện nay có khá nhiều trẻ đến khám tại BV với lý do chậm nói.
Trẻ chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ có thể là biểu hiện của trẻ mắc tự kỷ hoặc biểu hiện của sự trì trệ ở vùng ngôn ngữ trên não bộ dù trí tuệ và tâm lý của trẻ bình thường. Hoặc những bé bị bệnh bại não, chậm phát triển trí tuệ cũng dẫn đến chậm nói. “Nếu bé bị nghe kém thì chắc chắn chậm nói hoặc thậm chí không có ngôn ngữ, tùy vào mức độ nghe kém”, BS Hà lưu ý.
Tại BV Nhi T.Ư, các cháu bé đi khám chậm nói, việc đầu tiên sẽ được đo thính lực, để xác định thính lực có là nguyên nhân gây chậm nói hay không. Khi trẻ bị thính lực kém thì sẽ không tiếp nhận được ngôn ngữ qua giao tiếp, do đó trẻ bị hạn chế về ngôn ngữ.

Các mốc quan trọng

BS Hà khuyến cáo, các gia đình nên cho con đi khám sàng lọc sức nghe khi các bé có những biểu hiện bất thường như: Trẻ được 3 – 4 tháng tuổi mà không đáp ứng với tiếng động mạnh; không phát ra âm thanh “grừ grừ”.
Đến 5 – 12 tháng tuổi, trẻ không phản ứng hoặc quay đầu về phía có âm thanh phát ra; không tìm cách giao tiếp với người khác; không biết nói một từ nào; không biết làm các động tác như: vẫy tay chào, lắc đầu để nói không, chỉ tay; không phản ứng khi được gọi tên; không hiểu và phản ứng với các từ đơn giản như “không”, “chào bé”; không quan tâm tới thế giới xung quanh.
Trẻ từ 15 – 18 tháng, các bố mẹ cũng đặc biệt lưu ý nếu trẻ không hiểu và phản ứng với các từ như “không”, “dậy nào”; không chỉ vào đồ vật hay bức tranh khi được hỏi, không chỉ vào vật mình thích; không thể chỉ vào vài bộ phận của cơ thể (ví dụ: đầu, mắt, mũi) khi được yêu cầu, không nói được từ nào.
“Giai đoạn này, nếu trẻ chưa nói được các từ đơn giản như “mẹ”, “bế”; không hiểu các mệnh lệnh đơn giản, hoặc không đáp lại bằng lời nói hoặc cử chỉ khi được hỏi “Cái gì đây?”, “Dép bé đâu?”, các bậc phụ huynh cần phải cho trẻ đi khám sớm”, BS Hà khuyên.
BS Hà cũng lưu ý bố mẹ cần quan sát con khi trẻ bước sang tháng thứ 24 mà vốn từ tăng chậm, như: chưa nói được 15 từ; không tự nói mà chỉ nhại lại lời nói của người khác; không thể thực hiện những cuộc hội thoại đơn giản, không dùng lời nói để giao tiếp, không hiểu các chỉ dẫn hay câu hỏi dài hơn… Từ 25 – 35 tháng, không nói được câu đơn giản có 2 – 4 từ; không thể gọi tên vài bộ phận của cơ thể; không biết đặt các câu hỏi đơn giản…
Ở giai đoạn trẻ từ 3 – 4 tuổi, trẻ chậm phát triển ngôn ngữ sẽ có những biểu hiện: không sử dụng đại từ nhân xưng nào (con, mẹ); không thể ghép các từ thành câu ngắn (ví dụ: mẹ giúp con, muốn uống nữa…); bé không hiểu những chỉ dẫn hay câu hỏi ngắn (ví dụ: lấy giày của con và đặt lên giá); lời nói của trẻ rất không rõ ràng, khiến người trong gia đình và người ngoài đều không hiểu. Hoặc trẻ không đặt câu hỏi; ít quan tâm hoặc không quan tâm tới sách truyện; không quan tâm và không tương tác với các trẻ khác. Đặc biệt, trẻ khó tách khỏi bố mẹ.
Sự quan tâm của bố mẹ vô cùng quan trọng với các bé. Bố mẹ là những người đầu tiên cảm nhận được bất thường của con mình. Nếu con có bất kỳ dấu hiệu nào về ngôn ngữ, việc cần làm là kiểm tra khả năng nghe của con. Nếu chờ đợi “con sẽ biết nói’’, có thể đánh mất thời gian vàng của trẻ để phát triển ngôn ngữ.
Th.S-BS Lại Thu Hà
NAM SƠN
TNO