03/01/2025

Khuyến cáo không sử dụng vắc xin lao phòng bệnh Covid-19

Khuyến cáo không sử dụng vắc xin lao phòng bệnh Covid-19

Sau khi có thông tin về việc tiêm phòng lao giảm nguy cơ nhiễm Covid-19, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã thông tin về chỉ định, tác dụng của vắc xin này.
Vắc xin BCG được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh /// Ảnh minh họa: Shutterstock

 

Vắc xin BCG được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh  Ảnh minh họa: Shutterstock
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại Việt Nam, vắc xin phòng lao (BCG) được sử dụng trong chương trình từ hơn 30 năm nay và là một trong những vắc xin cơ bản dành cho trẻ nhỏ.
Vắc xin BCG được tiêm cho trẻ trong tháng đầu sau sinh.
Vắc xin BCG có hiệu quả phòng các thể lao màng phổi và lao màng não. Vắc xin BCG có hiệu quả phòng mắc lao phổi, nhưng hiệu quả yếu hơn ở trẻ em trong độ tuổi đi học và ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ bị phơi nhiễm với vi khuẩn lao thì vắc xin không có hiệu quả.
Do vậy, để đạt hiệu quả cao, tất cả trẻ sơ sinh khỏe mạnh cần được tiêm một liều vắc xin duy nhất ngay sau sinh. Nếu không thể tiêm ngay sau sinh, cần tiêm chủng trong thời gian sớm nhất với liều lượng tiêm trong da 0,05 ml cho trẻ dưới 1 tuổi.
Vắc xin BCG có thể tiêm cùng lúc với các vắc xin khác cho trẻ em trong chương trình tiêm chủng, bao gồm cả vắc xin viêm gan B.

Có phải tiêm nhắc lại vắc xin BCG?

Chưa có chỉ định tiêm nhắc vắc xin BCG cho những trường hợp đã tiêm vắc xin này, ngay cả nếu trẻ không có sẹo sau tiêm.
Theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tiêm nhắc lại vắc xin BCG hiện không được khuyến khích.
Các nghiên cứu đến thời điểm hiện tại cho thấy việc tiêm nhắc vắc xin BCG có rất ít hoặc không có tác dụng đối với phòng chống bệnh lao, bệnh phong. Do đó, việc tiêm nhắc lại vắc xin không được khuyến khích.
Cần lưu ý, vắc xin phòng lao chống chỉ định đối với: phụ nữ có thai, trường hợp AIDS, trẻ có mẹ nhiễm HIV không tuân thủ liệu trình điều trị, xạ trị, sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, ghép tạng.
Tại Việt Nam, với người lớn, chỉ khuyến cáo sử dụng vắc xin BCG cho người lớn làm các nghề có nguy cơ cao phơi nhiễm với vi khuẩn lao.

Vắc xin BCG có phòng nhiễm SARS-CoV-2?

Hiện nay, một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội đề cập đến việc dùng vắc xin BCG phòng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. Để tránh các thông tin sai lệch và gây hiểu lầm, ngày 12.4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra thông báo chính thức về việc chưa có các bằng chứng chính xác về việc vắc xin phòng lao có thể giúp phòng bệnh Covid-19.
WHO khuyến cáo không sử dụng vắc xin BCG cho phòng nhiễm SARS-CoV-2, đồng thời yêu cầu các nước có bệnh lao lưu hành phổ biến cần tiếp tục triển khai vắc xin BCG cho trẻ sơ sinh.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc lao cao, trẻ sơ sinh thường xuyên có nguy cơ phơi nhiễm với vi khuẩn này từ môi trường xung quanh. Vắc xin BCG không có hiệu quả nếu trẻ đã bị phơi nhiễm với vi khuẩn lao. Vì vậy, để phòng bệnh hiệu quả cho con, các chuyên gia y tế khuyên các gia đình cần cho con đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.
Giải thích về vết sẹo sau tiêm BCG, các chuyên gia tiêm chủng mở rộng cho hay, sau khi tiêm BCG, trẻ sẽ có phản ứng. Theo dõi trẻ khoảng 3 – 4 tuần, ở vị trí tiêm có thể xuất hiện vết sưng nhỏ loét, 10 – 15 ngày sau sẽ rò dịch vài tuần rồi kín miệng, làm vảy. Khi vảy rụng sẽ để lại một sẹo nhỏ tồn tại trong nhiều năm. Đây là phản ứng của cơ thể trong quá trình tạo ra miễn dịch phòng bệnh.
LIÊN CHÂU
TNO