04/01/2025

Khám bệnh trực tuyến giữa mùa dịch Covid-19

Khám bệnh trực tuyến giữa mùa dịch Covid-19

Để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương thực hiện khám bệnh trực tuyến hỗ trợ người dân từ xa; đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong y tế.
Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) khám bệnh qua điện thoại cho bệnh nhân  /// Ảnh:Thảo Chi

Bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) khám bệnh qua điện thoại cho bệnh nhân  Ảnh:Thảo Chi
Kể từ khi cả nước thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thì ngành y tế TP.HCM cũng đã thực hiện việc khám bệnh và phát thuốc tại nhà cho người từ 60 tuổi trở lên để tạo giãn cách xã hội, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong bệnh viện (BV), cộng đồng, người bệnh mãn tính…

Gọi video call

Chiều 17.4, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), thực hiện trực tiếp khám bệnh qua smartphone với ứng dụng video call.
Hiện trên màn hình điện thoại di động của BS là bệnh nhân (BN) H.T.K (80 tuổi, ở Q.Bình Thạnh). “Ông ơi, ông đến gần sát điện thoại con một chút để con thấy mặt. Ông có nghe con nói gì không? Ông tên gì? Ông sinh năm bao nhiêu? Địa chỉ nhà ông ở đâu? Hôm nay ông khỏe không? Ông ăn được không, ông ngủ được không, mấy ngày nay huyết áp ông ổn định không?…”. Trả lời câu hỏi của BS thì hình ảnh bên kia ông cụ gật đầu và trình bày rõ ràng.
Cuộc khám bệnh qua video call với BN kết thúc, BS Linh đề nghị người nhà cho xem mặt và tên tuổi để xác nhận khi đến BV nhận toa thuốc. Khoảng 15 phút sau, người nhà BN khai là H.V.A (con rể ông K.) đến khoa khám bệnh để gặp BS Linh. Anh A. trình thẻ BHYT, CMND của ba vợ mình và CMND của mình. Sau khi xác định là người nhà BN, BS Linh hướng dẫn thủ tục lấy số, kê toa, nhận thuốc BHYT. Chỉ trong vài phút, anh K. đã nhận thuốc xong, ra về.
“Mấy tháng trước cứ đến ngày là tôi xin nghỉ phép, đưa ba lên BV khám, chờ về. Đợt này vào mùa dịch Covid-19 nên hơi lo. Nhưng BV Nhân dân Gia Định đã triển khai khám bệnh qua điện thoại như vậy tôi rất hài lòng”, anh A. chia sẻ.

Ở một phòng khám bệnh khác của BV Nhân dân Gia Định, BS Nguyễn Minh Bằng, Phó khoa Khám bệnh, cũng đang khám bệnh qua video cho BN N.T.Th (82 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận). BN Th. bị huyết áp cao, thoái hóa khớp gối. Sau khi khám qua điện thoại di động, BS Bằng dặn dò người nhà BN mang sổ khám, giấy tờ vào gặp BS để làm thủ tục khám bệnh, lãnh thuốc BHYT.

Lát sau, chị N.T.P.L (con gái của BN N.T.Th) cũng có mặt tại BV lấy thuốc và chia sẻ với PV Thanh Niên: “Má tôi đã hết thuốc mà chẳng dám lên BV khám vì sợ Covid-19. Tôi tính vào BV xin kê thuốc thì được BV gọi nói khám tại nhà, cho thuốc, ai ở đâu cứ ở đó. Mà tôi nghe mừng lắm luôn. Còn gia đình thì cảm thấy rất thoải mái”.
Theo BS Nguyễn Thị Mỹ Linh, BS chỉ gọi video call với BN có điện thoại thông minh, còn không thì gọi điện thoại bình thường và chỉ định thuốc với BN có hồ sơ điều trị ngoại trú tại BV và BS đã nắm tình hình bệnh. Với các tình huống đặc biệt như không gọi qua điện thoại được mà BN cũng không đi được thì BS sẽ đến nhà BN và BV không thu tiền.
Từ ngày 1.4 đến nay, BV đã khám qua điện thoại cho hơn 900 BN từ 80 tuổi trở lên, một lần khám thành công thì BHYT sẽ chi trả tiền khám là 38.700 đồng.
Bà Trần Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết hiện dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) tại nhà chưa được BHYT thanh toán. Do đó, Sở Y tế Hà Nội đang trình cấp thẩm quyền cho cơ chế thanh toán. Bà Hà cho hay tại Hà Nội, một số BV, phòng khám thực hiện KCB tại nhà theo hình thức cung cấp dịch vụ theo yêu cầu, người dân tự chi trả. Trong trường hợp cấp cứu, người dân liên lạc đơn vị cấp cứu 115 để được hỗ trợ. Theo thông tin từ các đơn vị cung cấp dịch vụ khám bệnh tại nhà, chi phí khám từ 300.000 – 400.000 đồng/lần. Tuy nhiên, có phòng khám thu phí tăng khoảng 10 – 15%/lần khám tại nhà trong mùa dịch Covid-19.

Giảm nguy cơ lây nhiễm

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, và BS Nguyễn Thị Mỹ Linh thì khám qua điện thoại, khám bệnh tại nhà chỉ hỏi được BN ăn ngủ ra sao, nên chỉ áp dụng cho BN mãn tính, không đi lại được và tạm thời tiếp tục chỉ định thuốc đang dùng… Do đó, nếu BN đến được BV thì nên đưa đi khám là tốt nhất. Bởi khi khám trực tiếp, BS sẽ đánh giá tốt hơn về diễn tiến của BN.
Bác sĩ kiểm tra người nhà bệnh nhân đến nhận thuốc có phù hợp hay không Ảnh: Duy Tính

Bác sĩ kiểm tra người nhà bệnh nhân đến nhận thuốc có phù hợp hay không  Ảnh: Duy Tính

Để phòng chống Covid-19, hầu hết các BV ở TP.HCM đều cho BN đăng ký khám hẹn giờ qua điện thoại, tổng đài 1080 hoặc qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm tránh tập trung đông người.
PGS-BS Phạm Thị Bích Đào, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Đại học Y Hà Nội, cho biết gần đây có các BN đã đặt hẹn nhưng vì lo ngại dịch Covid-19 nên không đến khám. Từ ngày 18.4, các BN đó sẽ được các BS của BV này thăm khám trực tuyến bằng một số trang thiết bị y tế tự sử dụng, hoặc sử dụng ứng dụng để cung cấp một số thông số cơ bản lên hệ thống kết nối công nghệ thông tin chuyển tải cho nhân viên y tế, để các chuyên gia đưa ra lời khuyên và giải pháp điều trị.
Với những ca bệnh nặng, các BS ở BV tuyến cơ sở được hội chẩn với các chuyên gia tại trung tâm điều hành để có hướng điều trị. Hệ thống kết nối này hỗ trợ người dân khám chữa bệnh từ xa, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19; đồng thời thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Linh hoạt với người có bệnh mãn tính

Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết để tránh lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cơ sở y tế, đặc biệt với người có bệnh mãn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp – là những bệnh mãn tính được khám, cấp phát thuốc định kỳ hằng tháng đối với người có thẻ BHYT và được quỹ BHYT chi trả) được các cơ sở KCB khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú hằng tháng, từ tháng 3, người bệnh được cấp thuốc điều trị ngoại trú đủ dùng trong 2 tháng và hẹn khám lại 2 tháng/lần nếu vẫn đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng tới liệu trình điều trị bệnh.
Điều này khác với trước đây là cấp thuốc và hẹn khám lại sau 1 tháng. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh nếu đi khám lại trước lịch hẹn khám do có các triệu chứng bất thường, mà phải thay đổi thuốc điều trị, cơ sở KCB cần hướng dẫn người bệnh hoàn trả lại thuốc đã cấp chưa sử dụng hết.
Khám bệnh trực tuyến giữa mùa dịch Covid-19  - ảnh 2
Tuy nhiên, liên quan KCB thông qua hệ thống mạng kết nối từ xa, một giám đốc BV đầu ngành khẳng định hệ kết nối đó chỉ là tư vấn về sức khỏe, vì nguyên tắc khám là cần trao đổi trực tiếp, khám trực tiếp để biết rõ trạng thái, diễn biến bệnh. Ví dụ, cũng là đau bụng nhưng cần khám lâm sàng để xác định chính xác vị trí đau, có u cục gì không… Nếu từ xa quan sát, trao đổi, không thể như thăm khám trao đổi trực tiếp, tư vấn từ xa không thay thế khám tại BV, cơ sở y tế.

Ứng dụng công nghệ

Theo ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ Y tế, các BV lớn như BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) vừa qua đã có hệ thống telemedicine kết nối với BV vệ tinh, duy trì công tác hội chẩn. Trong vụ dịch Covid-19, khi người dân hạn chế đến BV tuyến trên tại Hà Nội do giãn cách xã hội, hệ thống chẩn đoán từ xa telemedicine phát huy hiệu quả hỗ trợ tuyến dưới chẩn đoán, điều trị ca bệnh nặng.
Ông Tường đánh giá, hệ thống chẩn đoán này dựa trên công nghệ hội nghị truyền hình tích hợp các thiết bị y tế chuyên dùng trong KCB từ xa, giúp nhiều người bệnh nguy kịch ở vùng sâu, vùng xa được cứu sống kịp thời, nâng cao chất lượng KCB ở địa phương, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch, giảm mật độ KCB tại BV, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm.
Theo Cục Quản lý KCB Bộ Y tế, về KCB tại nhà, Bộ Y tế đã có Thông tư số 21/2019/TT-BYT ban hành ngày 21.8.2019, có hiệu lực từ 15.10.2019. Thông tư 21 cũng đã có danh mục quy định 51 chuyên môn kỹ thuật thực hiện tại nhà người bệnh. Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam, cho hay Thông tư 21 mới chỉ là thí điểm và hiện chưa có cơ chế chi trả BHYT cho các trường hợp thực hiện kỹ thuật trong danh mục gồm 51 kỹ thuật đã ban hành. Hiện tại, BHYT chỉ chi trả KCB tại nhà cho các trường hợp người cao tuổi bệnh nặng không thể đến BV, người từ 80 tuổi, như TP.HCM đã triển khai hiệu quả.
Liên Châu
Ngày 17.4, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có công văn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc tiếp tục thực hiện khám bệnh tại nhà cho BN là người cao tuổi giai đoạn 2 (từ 16 – 22.4, giai đoạn 1 từ 1 – 15.4). Sau đó tùy tình hình diễn biến dịch bệnh mà Sở Y tế sẽ có hướng dẫn tiếp.
Ở giai đoạn 2 này, Sở Y tế cũng cho phép các BV khám bệnh và phát thuốc tại nhà; khám bệnh qua điện thoại và người nhà lên BV lãnh thuốc. Sở Y tế TP quy định, với BN từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi được BS của các BV đến nhà khám (có thể khám qua điện thoại với người bệnh mãn tính đã ổn định). Chi phí tiền khám cho đối tượng này được các BV tính theo giá dịch vụ của BV. Với BN từ 80 tuổi trở lên, sẽ được quỹ BHYT thanh toán. Về chi phí đi lại của các y BS khi đến tại nhà thì do ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Tại TP.HCM, đã có 16 BV tuyến TP, 22 BV quận huyện và 13 BV tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ tại nhà.
Duy Tính – Liên Châu
TNO